Thứ Hai, 13/01/2025 16:47 CH
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc
Thứ Hai, 08/08/2016 07:00 SA

I. Quá trình hình thành và đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)

 

- Tháng 10/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Park đã ra Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc, trong đó nêu “Hai bên nhất trí trong năm 2009 sẽ bắt đầu trao đổi ý kiến về việc thành lập Nhóm Công tác chung để nghiên cứu khả năng thúc đẩy và tính khả thi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc nhằm mở rộng hợp tác kinh tế thương mại đầu tư”.

 

- Cuối tháng 3/2012, nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã khẳng định: Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi, hai bên sẽ tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do FTA song phương sau khi hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết tại mỗi nước.

 

- Ngày 6/8/2012, sau khi hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Bộ trưởng phụ trách thương mại, Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc đã cùng tuyên bố chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).

 

- Ngày 3 và 4/9/2012, tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc và Việt Nam thảo luận cách thức bắt đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (VKFTA) đầu tiên.

 

- Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, ngày 10/12/2014 tại Busan (Hàn Quốc), Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jik đã ký Biên bản thỏa thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

 

- Ngày 28/3/2015, toàn bộ nội dung Hiệp định VKFTA đã được rà soát và ký tắt ở cấp Trưởng đoàn đàm phán tại Seoul, Hàn Quốc.

 

- Sau khi Việt Nam và Hàn Quốc đã hoàn tất thủ tục nội bộ tại mỗi nước, được sự ủy quyền của Chính phủ hai nước, ngày 5/5/2015, tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan hai nước, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jik đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

 

Sau hơn 2 năm đàm phán với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, hai bên đã thống nhất toàn bộ nội dung Hiệp định VKFTA mang tính toàn diện, mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích.

 

II. Những nội dung chính của Hiệp định Thương mại tự do VKFTA

 

Hiệp định gồm 17 chương, 208 điều, 15 phụ lục và 1 thỏa thuận thực thi quy định. Các nội dung chính của hiệp định gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ (bao gồm các phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân), đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (PBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, hợp tác kinh tế, thể chế và pháp lý.

 

1. Thương mại hàng hóa

 

a. Các cam kết thuế quan

 

Các cam kết thuế quan trong VKFTA được xây dựng trên nền các cam kết thuế quan trong FTA ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), nhưng với mức độ tự do hóa cao hơn. VKFTA sẽ cắt giảm thêm một số dòng thuế mà trong AKFTA chưa được cắt giảm hoặc mức độ cắt giảm còn hạn chế, cụ thể như sau:

 

- Hàn Quốc sẽ xóa bỏ thêm cho Việt Nam 506 dòng thuế.

 

- Việt Nam sẽ xóa bỏ thêm cho Hàn Quốc 265 dòng thuế.

 

Tổng hợp cả các cam kết trong VKFTA và AKFTA thì:

 

+ Hàn Quốc sẽ xóa bỏ cho Việt Nam 11.679 dòng thuế.

 

+ Việt Nam sẽ xóa bỏ cho Hàn Quốc 8.521 dòng thuế.

 

b. Cam kết về Quy tắc xuất xứ

 

Để được hưởng ưu đãi thuế quan trong VKFTA, hàng hóa phải đáp ứng được các quy tắc xuất xứ của hiệp định.

 

Tiêu chí xuất xứ: Theo quy định tại hiệp định, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc Hàn Quốc) nếu đáp ứng được một trong các điều kiện sau:

 

- Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất xứ;

 

- Được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu và chỉ từ các nguyên liệu có xuất xứ; hoặc không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ được quy định cụ thể trong Phụ lục về Quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng hoặc Phụ lục về các hàng hóa đặc biệt.

 

Nói chung, Quy tắc xuất xứ trong VKFTA chặt hơn so với AKFTA nhưng vẫn tương đối đơn giản. Nhìn chung, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo VKFTA, hàng hóa cần đáp ứng được một trong các tiêu chí sau:

 

+ Tỉ lệ Hàm lượng giá trị khu vực (RVC) theo quy định (thường là trên 40%);

 

+ Chuyển đổi mã HS (2 số, 4 số hoặc 6 số); hoặc trải qua một công đoạn sản xuất hoặc chế biến nhất (các sản phẩm dệt may).

 

Hàng hóa không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã HS vẫn được coi là có xuất xứ nếu:

 

- Đối với các hàng hóa không thuộc các chương từ 50 đến 63 trong Hệ thống Hài hòa (HS), trị giá của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% trị giá FOB (là giá trị hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm phí vận tải của nhà sản xuất đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu trở hàng rời bến) của hàng hóa.

 

- Đối với các hàng hóa thuộc các chương từ 50 đến 63 trong Hệ thống Hài hòa (HS), trọng lượng của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% tổng trọng lượng hàng hóa, hoặc giá trị của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không được vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa.

 

- Quy định đối với một số hàng hóa đặc biệt: Hiệp định bao gồm một phụ lục (3-B) về 100 hàng hóa đặc biệt (Danh mục các hàng hóa này có thể được sửa đổi nếu được cả hai bên đồng ý). Đây là các loại hàng hóa được sản xuất hoặc gia công chế biến tại Khu công nghiệp Khai Thành thuộc Bán đảo Triều Tiên. Hiệp định có quy định riêng về xuất xứ và cơ chế tự vệ đối với loại hàng hóa này. Cụ thể:

 

+ Quy định về xuất xứ: Hàng hóa vẫn được xem là có xuất xứ dù được sản xuất hoặc gia công chế biến tại Khu công nghiệp Khai Thành thuộc Bán đảo Triều Tiên từ nguyên liệu xuất khẩu từ một bên (Hàn Quốc là chủ yếu), sau đó được tái nhập trở lại bên đó, với điều kiện tổng giá trị nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ không vượt quá 40% trị giá FOB của hàng hóa.

 

+ Cơ chế tự vệ đặc biệt: Điều kiện áp dụng: Khi một bên (Việt Nam là chủ yếu) xác định số lượng nhập khẩu các sản phẩm đặc biệt được áp dụng quy định về xuất xứ ở trên đang tăng lên, theo đó có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra tổn thất nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước, thì bên đó được tự do đình chỉ việc áp dụng quy định xuất xứ đó trong một khoảng thời gian mà bên đó coi là cần thiết để ngăn chặn hoặc đối phó với tổn thất hoặc đe dọa tổn thất đối với ngành sản xuất trong nước.

 

+ Thông báp áp dụng: Việc đình chỉ của một bên (Việt Nam là chủ yếu) phải được thông báo cho bên kia 2 tháng trước khi bắt đầu giai đoạn đình chỉ và phải cho phép bên kia có cơ hội để trao đổi về việc này, trừ trường hợp khẩn cấp nếu việc đình chỉ bị trì hoãn có thể gây ra tổn thất khó khắc phục, thì một bên có thể thực hiện việc đình chỉ tạm thời mà không cần phải thông báo trước 2 tháng cho bên kia, nhưng phải thông báo trước khi việc đình chỉ có hiệu lực.

 

+ Cơ chế áp dụng: Khi một bên ra quyết định đình chỉ việc áp dụng Quy định về xuất xứ cho hàng hóa đặc biệt, bên đó có thể đơn phương và vô điều kiện áp dụng việc đình chỉ đó, bao gồm:

 

+ Thủ tục chứng nhận xuất xứ: Về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O), FTA vẫn áp dụng quy trình cấp chứng nhận xuất xứ thông qua một cơ quan có thẩm quyền do nhà nước quy định/ủy quyền như trong các VKFTA ký trước đây mà Việt Nam đang thực hiện. Mẫu C/O được đính kèm theo văn bản hiệp định. Đặc biệt, hiệp định cho phép miễn nộp giấy chứng nhận xuất xứ đối với các hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan không quá 600 USD (trị giá FOB), hoặc một mức cao hơn nếu nước nhập khẩu cho phép. Các FTA Việt Nam đã ký trước đây thường chỉ cho phép các hàng hóa có trị giá không quá 200 USD được miễn nộp giấy chứng nhận xuất xứ.

 

2. Thương mại dịch vụ

 

Chương về Dịch vụ trong VKFTA được chia làm 2 phần

 

- Cam kết về nguyên tắc: bao gồm các định nghĩa, các quy định chung về nghĩa vụ: Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc…, và 3 phụ lục về Tài chính, Viễn thông, Di chuyển thể nhân.

 

- Cam kết về mở cửa thị trường: là 1 phụ lục riêng bao gồm 2 danh mục mở cửa của Việt Nam và Hàn Quốc về từng lĩnh vực dịch vụ.

 

a. Cam kết về nguyên tắc

 

Hai bên cam kết về các quy định và nghĩa vụ chung nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ và dịch vụ của mỗi bên khi tiếp cận thị trường dịch vụ của bên kia. Mỗi bên sẽ dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và dịch vụ của bên kia các quyền lợi cơ bản là:

 

- Đối xử quốc gia (NT): Đối với những ngành được nêu trong Biểu cam kết cụ thể, tùy thuộc vào các điều kiện và tiêu chuẩn được quy định trong đó, mỗi bên phải dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ bên kia, trong hoàn cảnh tương tự, đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử được bên đó dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của mình.

 

- Đối xử tối tuệ quốc (MFN): Nếu sau khi VKFTA có hiệu lực mà một bên trong hiệp định (Việt Nam hoặc Hàn Quốc) ký các thỏa thuận với một bên thứ 3 mà trong đó dành các đối xử ưu đãi hơn cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bên thứ 3 đó, thì một bên được yêu cầu tham vấn với bên kia để xem xét khả năng gia tăng các đối xử ưu đãi trong VKFTA không kém thuận lợi hơn so với các đối xử ưu đãi trong thỏa thuận với bên thứ 3 đó, trừ trường hợp các đối xử ưu đãi này là theo các hiệp định hiện có hoặc hiệp định giữa các thành viên ASEAN.

 

b. Cam kết về mở cửa thị trường

 

Cam kết mở cửa thị trường Chương Dịch vụ trong VKFTA áp dụng cách tiếp cận Chọn - Cho tương tự như trong WTO, tức là mỗi bên sẽ có một Danh mục các lĩnh vực cam kết trong đó liệt kê các lĩnh vực mở cửa và mức độ mở cửa, các lĩnh vực nào không được liệt kê là không có cam kết.

 

Đối với các lĩnh vực có cam kết, tùy vào nội dung cam kết cụ thể, mỗi bên sẽ không ban hành hoặc duy trì các biện pháp ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ của bên kia gồm hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; hạn chế về giá trị giao dịch; hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ đầu ra; hạn chế về tổng số nhân lực tuyển dụng; hạn chế về loại hình doanh nghiệp; hạn chế về vốn góp nước ngoài.

 

So với các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam và Hàn Quốc trong WTO và AKFTA thì trong VKFTA:

 

- Việt Nam mở cửa hơn cho Hàn Quốc trong 2 phân ngành:

 

+ Dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị.

 

+ Dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác không kèm người điều khiển.

 

- Hàn Quốc mở cửa hơn cho Việt Nam trong 5 phân ngành:

 

+ Dịch vụ pháp lý.

 

+ Dịch vụ chuyển phát.

 

+ Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa đường sắt.

 

+ Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ vận tải đường sắt.

 

+ Dịch vụ nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên.

 

3. Đầu tư

 

Chương về Đầu tư trong VKFTA được chia là 2 phần:

 

Đầu tư, bao gồm:

 

- Các cam kết về nguyên tắc chung (bao gồm các định nghĩa, các quy định chung về nghĩa vụ Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc…).

 

- Các cam kết về mở cửa của từng bên (Mỗi bên sẽ có một Danh mục bảo lưu các biện pháp/không phải áp dụng một số nguyên tắc đầu tư - danh mục các biện pháp không tương thích).

 

Hiện tại, Phụ lục về Danh mục các biện pháp/lĩnh vực bảo lưu vẫn chưa được hình thành. Hai bên cam kết sẽ tiến hành đàm phán về danh mục này ngay sau khi hiệp định có hiệu lực và sẽ kết thúc đàm phán trong vòng 1 năm.

 

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek