Ông Đào Văn Ổn, CCB ở thôn Mỹ Thạnh Đông (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) là một trong những tấm gương điển hình làm giàu từ mô hình trang trại chăn nuôi bò kết hợp trồng trọt. Nhờ vậy, ông có điều kiện giúp đỡ các hội viên khó khăn vay vốn để mua bò giống phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.
Năm 1977, ông Ổn xung phong vào bộ đội, đến năm 1981 xuất ngũ về địa phương. Từ năm 1983-1987, ông được bầu vào Ban chủ nhiệm HTX mua bán xã Hòa Phong. Cùng thời gian trên, ông lập gia đình và lần lượt 5 đứa con ra đời, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên quyết định xin nghỉ việc ở HTX để tìm kế sinh nhai nuôi các con ăn học. Đầu năm 1988, ông theo một số người dân lên huyện Sông Hinh tìm nơi sản xuất. Qua khảo sát, tìm hiểu, cuối cùng, ông quyết định chọn buôn Thung (xã Đức Bình Đông) để gây dựng cơ sở sản xuất, chăn nuôi và gắn bó cho đến nay.
Khởi nghiệp từ hai con bò giống, sau hơn 10 năm lao động cực nhọc, đàn bò của ông phát triển lên đến 500 con và là một trong những hộ có số bò nhiều nhất vào thời điểm bấy giờ. Do đồng cỏ ngày càng thu hẹp, ông quyết định bán dần đàn bò lấy tiền đầu tư khai hoang và mua đất canh tác. Đến nay, gia đình ông canh tác trên 36ha đất, trong đó 30ha của gia đình và 6ha thuê của bà con. Từ mô hình trồng trọt này, ông Ổn đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động tại địa phương với mức tiền công 150.000 đồng/ngày.
Để sản xuất có hiệu quả, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn khuyến nông do Hội CCB và các cấp tổ chức. Đồng thời ông còn tìm hiểu, học tập qua tài liệu sách báo và kinh nghiệm sản xuất của người dân. Để phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng thửa đất, ông trồng 3 loại cây chính: keo lá tràm, sắn và hồ tiêu. Do được đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật từ khâu chọn giống, nước tưới và chăm bón nên năng suất cây trồng của nhà ông cao hơn so với người dân địa phương. Mỗi năm, trừ chi phí công lao động, phân bón, thuốc trừ sâu, gia đình ông thu lãi ròng từ 1,3-1,5 tỉ đồng. Ông Ổn vui vẻ cho biết: Gia đình tôi từ khó khăn, thiếu thốn, nhờ chăm chỉ và biết cách làm ăn, nay cuộc sống đã khá giả. Vì thế, chúng tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi dạy 5 người con đều đã tốt nghiệp đại học”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Ổn còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động, tham gia đóng góp đầy đủ, vượt mức các khoản quỹ của địa phương và của Hội. Cụ thể 5 năm qua, ông đã đóng góp làm đường nông thôn ở xã Hòa Phong 10 triệu đồng, ở buôn Thung 5 triệu đồng. Đồng thời tích cực giúp đỡ 11 gia đình hội viên CCB và người dân trong buôn gặp khó khăn mỗi người mượn không lấy lãi từ 12-14 triệu đồng để mua bò giống về nuôi phát triển kinh tế gia đình. Ông Ma Rai ở buôn Thung, cho biết: “Nhờ có ông Ổn tạo công ăn việc làm và bày cho cách làm ăn mà gia đình tôi từ đi làm thuê quanh năm nay đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định”. Ông Ngô Anh Dũng, Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Phong, nhận xét: “Mặc dù từ quê đến cơ sở sản xuất cách nhau khoảng 40km nhưng CCB Đào Văn Ổn vẫn tham gia sinh hoạt đều đặn, đóng hội phí đầy đủ, có nhiều đóng góp, tài trợ cho các hoạt động của Hội và của xã”.
Với những việc đã làm được, gia đình ông Ổn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích gia đình hiếu học. Riêng ông được Hội CCB tỉnh đề nghị Trung ương Hội tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2011-2016.
KHÁNH VY