Khi làm việc với người nữ cán bộ công an này, nhiều người có chung nhận xét: “Chị là cán bộ của dân, hết lòng vì dân.” Đó là đại úy Lê Thị Thanh Xuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Tây Hòa.
Đại úy Lê Thị Thanh Xuân hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu - Ảnh: HUYỀN TRANG |
Tốt nghiệp Trường đại học Cảnh sát nhân dân vào năm 2004, chị Xuân về nhận nhiệm vụ tại Công an huyện Tuy Hòa. Tháng 6/2005, huyện Tuy Hòa tách ra thành hai huyện Đông Hòa và Tây Hòa. Bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết, chị xung phong về công tác tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Tây Hòa, đơn vị cách nhà hơn 16 cây số.
Khi mới thành lập, Tây Hòa còn là huyện nghèo, dân số đông, một số người dân ở đây từ nơi khác đến làm kinh tế mới nên không làm thủ tục chuyển, nhập khẩu theo quy định. Vì thế, việc quản lý hộ khẩu, nhân khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Chị đã chủ động nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của cán bộ đi trước, không ngừng sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cụ thể, chị tham mưu lãnh đạo Công an huyện mở các lớp tập huấn Luật Cư trú và các thông tư hướng dẫn thi hành luật này cho công an 11 xã, thị trấn để cán bộ làm công tác đăng ký, quản lý cư trú ở cơ sở nắm vững và thực hiện. Đồng thời, chị không ngại khó, ngại khổ trực tiếp lên các xã miền núi, vào tận vùng sâu, vùng xa như thôn Lạc Sanh (xã Sơn Thành Đông), thôn Lạc Đạo, Đá Mài (xã Sơn Thành Tây) và xã Hòa Thịnh để làm thủ tục cấp đổi toàn bộ sổ hộ khẩu cho nhân dân theo địa giới hành chính mới. Khó khăn vất vả là vậy nhưng bằng tinh thần yêu ngành, mến nghề, chị luôn bám sát địa bàn, gần dân để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của bà con về công tác đăng ký, quản lý cư trú. Đồng thời, chị luôn thể hiện tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm cao, giao tiếp ứng xử văn hóa mẫu mực với dân. Chị dành nhiều thời gian nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, chủ động tham mưu, đề xuất loại bỏ một số thủ tục nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về nghiệp vụ. Nhờ vậy, thời gian đăng ký hộ khẩu thường trú, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự được rút ngắn trong đó có nhiều thủ tục giải quyết sớm hơn thời gian quy định. Bên cạnh đó, chị còn chủ động điện thoại để người dân đến nhận theo phương châm “Việc gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm. Việc gì dù nhỏ, có hại cho dân thì kiên quyết tránh”.
Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, chị còn là một Chủ tịch Hội Phụ nữ năng động và đầy sáng tạo. Chị đã lồng ghép hoạt động công tác Hội gắn với công tác chuyên môn như hàng quý, tổ chức cho đoàn viên và Hội Phụ nữ Công an huyện về các trường THPT trên địa bàn huyện để cấp chứng minh nhân dân cho hơn 1.000 học sinh, về các xã vùng sâu, vùng xa cấp hơn 2.000 chứng minh nhân dân cho người dân. Đặc biệt đối với những người già yếu, neo đơn, tàn tật không có điều kiện đi lại, chị cùng đồng đội đến tận nhà cấp chứng minh nhân dân. Những việc này tuy nhỏ nhưng đã thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ Công an huyện với người dân địa phương. Bên cạnh đó, chị còn tiên phong tham gia các hoạt động phong trào, hội thi, cuộc thi do các cấp, ngành tổ chức và đạt kết quả cao như: Giải nhì Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức viên chức, nhân viên và đoàn viên thanh niên huyện Tây Hòa; giải nhất Cuộc thi Viết, sưu tầm tư liệu, hiện vật về phụ nữ trong kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và những tấm gương phụ nữ Phú Yên “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”; giải khuyến khích Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Công an Phú Yên; giải nhì cuộc thi Tìm hiểu 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát giao thông; giải ba cuộc thi Tìm hiểu truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và giải nhì quốc gia cuộc thi Tìm hiểu Luật Hợp tác xã.
Với những nỗ lực đó, nhiều năm liền, đại úy Lê Thị Thanh Xuân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Bộ Công an, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
HUYỀN TRANG