Thứ Năm, 10/10/2024 03:25 SA
Kỳ họp thứ 2, HĐND khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021:
Trong tháng 7 xử lý dứt điểm tình trạng nuôi tôm trái phép
Thứ Sáu, 15/07/2016 07:50 SA

Tại phiên chất vấn vào chiều 14/7, các đại biểu dự Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa VII đã “truy” lãnh đạo Sở TN-MT và Cục Thuế tỉnh các vấn đề liên quan đến lấn chiếm đất đai, ô nhiễm nguồn nước trên sông Ba và nợ đọng thuế.

 

Còn hơn 54ha đất nuôi tôm trái phép

 

Chủ tọa kỳ họp Huỳnh Tấn Việt đề nghị Giám đốc Sở TN-MT báo cáo việc xử lý lấn, chiếm đất nuôi tôm trái phép tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh.

 

Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Như Thức trả lời chất vấn của đại biểu HĐND - Ảnh: MINH KÝ

 

Xung quanh vấn đề này, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Như Thức cho biết: Theo Kết luận 03 ngày 6/7/2015 của UBND tỉnh, tổng diện tích lấn chiếm đất nuôi tôm trái phép tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh là 54,3ha; trong đó tại huyện Đông Hòa hơn 30ha. Đối với xã Hòa Hiệp Nam, có 37 hộ dân lấn chiếm 9,7ha đất rừng phòng hộ tại khu vực sông Ngọn, tuy nhiên đến nay còn 35 hộ chưa khắc phục diện tích vi phạm. UBND huyện Đông Hòa đã lập kế hoạch cưỡng chế đất lấn chiếm đối với 35 hộ vi phạm và sẽ cưỡng chế trong tháng 7/2016.

 

Đối với UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung thu sai quy định số tiền hơn 350 triệu đồng, vừa qua Đảng ủy và UBND thị trấn đã kiểm điểm sai sót này nhưng xin không xuất toán vì khoản tiền này đã chi vào việc công. Đối với khu vực do Trung đoàn Không quân 910 lấn chiếm 18,7ha đất để nuôi tôm trái phép, đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi và tạm thời giao cho UBND xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) và UBND phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) quản lý. Riêng khu vực sông Ngọn, UBND tỉnh đồng ý bổ sung quy hoạch và giao Sở NN-PTNT cùng các ngành chức năng hướng dẫn huyện Đông Hòa lập quy hoạch đối với vùng nuôi tôm này.

 

Tại TP Tuy Hòa, có 13,73ha đất bị lấn chiếm nuôi tôm trái phép, trong đó tại phường Phú Đông và Phú Thạnh là 3,6ha, đang cưỡng chế. Tại xã An Phú có khoảng 1,5ha và xã Bình Kiến có khoảng 3,2ha, chưa tiến hành cưỡng chế. Riêng 32 hộ nuôi tôm giống dọc bờ biển TP Tuy Hòa, đến nay vẫn chưa thể di dời. Đối với việc thu chi tiền cho thuê đất làm hồ nuôi tôm của UBND phường Phú Lâm với số tiền 124 triệu đồng, ngành chức năng đang tiếp tục làm rõ.

 

Tại huyện Tuy An, diện tích đất bị lấn chiếm để nuôi tôm trái phép gần 20ha, trong đó 6,7ha ở xã An Ninh Đông, đến nay còn 2 hộ đang khắc phục, trả lại diện tích đất vi phạm. Tại xã An Ninh Tây đã khắc phục xong, các xã còn lại như An Mỹ, An Chấn còn một số hộ vẫn chưa khắc phục sai phạm.

 

Đại biểu Võ Minh Thức, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh, cho rằng việc khắc phục vi phạm lấn chiếm đất nuôi tôm trái phép tại các địa phương ven biển trong tỉnh đến nay khoảng 50% diện tích. Liệu trong tháng 7/2016 này (thời hạn cho phép xử lý dứt điểm) các địa phương có xử lý dứt điểm được tình trạng lấn chiếm đất trái phép này hay không?

 

Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Tấn Việt đề nghị các địa phương ven biển có diện tích đất bị lấn chiếm để nuôi tôm trái phép phải xử lý dứt điểm trong tháng 7/2016.

 

Đại biểu HĐND Trần Văn Hạt chất vấn tại hội trường - Ảnh: MINH KÝ

 

Nước sông Ba bị ô nhiễm chỉ là cục bộ

 

Vấn đề cử tri kiến nghị tình trạng nguồn nước sông Ba bị ô nhiễm nặng do việc xả nước thải của các nhà máy dọc sông này; việc xả nước thải bay mùi hôi thối tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân cũng được nêu ra tại phiên chất vấn Giám đốc Sở TN-MT.

 

Ông Nguyễn Như Thức cho biết: Vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Ba thời gian qua đã được Sở TN-MT chú ý, theo dõi. Qua lấy mẫu phân tích kết quả các năm trước, cho thấy có những dấu hiệu ô nhiễm cục bộ trên dòng sông này ở một số nơi, như tại khu vực xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa). Thành phần ô nhiễm hiện nay mới được phát hiện chủ yếu là các chất hữu cơ COD, TSS, PO4… có chỉ số vượt giới hạn cho phép. Riêng chỉ số PO4 vượt chuẩn cho phép đến 7,2 lần, chỉ số ô xy hòa tan (DO) giảm 2-3 lần ở một số nơi. Ông Thức cũng cho biết, vấn đề nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cũng là yếu tố gây ô nhiễm dòng nước sông Ba. Riêng các nhà máy dọc sông Ba, qua kiểm tra của Sở TN-MT và Bộ TN-MT, các nhà máy đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, nhà máy chế biến tinh bột sắn Sông Hinh của Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên, nhà máy đường Tuy Hòa của Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, nhà máy cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát… thì cơ bản đạt yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp theo quy định.

 

Riêng các nhà máy ở đầu nguồn sông Ba thuộc các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kom Tum, hiện Sở TN-MT chưa nắm được. Như vậy, việc ô nhiễm cục bộ ở sông Ba thì do từ nhiều nguồn thải và cũng chỉ mới phát hiện là ô nhiễm hữu cơ. Các giải pháp sắp tới là phải tăng cường giám sát, kiểm soát các nguồn thải vào dòng sông Ba như kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các nhà máy dọc sông Ba; tìm hiểu việc xả thải của các nhà máy đầu nguồn ở các tỉnh nêu trên và đề nghị Bộ TN-MT kiểm tra, giám sát các nhà máy này. Sở TN-MT đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.

 

Đối với KCN Hòa Hiệp 1, đến nay đã đầu tư đồng bộ về hạ tầng, có hệ thống thu gom nước mưa và xử lý nước thải. Hệ thống xử lý nước thải có 3 môđun, với công suất 2.000m3/ngày/môđun. Nhìn chung, qua kiểm tra, chất lượng nước thải sau xử lý đều nằm trong giới hạn cho phép. Sở TN-MT thường xuyên theo dõi việc xả thải, đồng thời yêu cầu cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về xả thải, nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản trong khu công nghiệp. Sở TN-MT ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri và tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải tại khu công nghiệp này.

 

Phải truy thu dứt điểm nợ thuế

 

Liên quan đến nợ thuế, chủ tọa kỳ họp đề nghị Cục trưởng Cục Thuế tỉnh báo cáo tình hình nợ đọng thuế và hướng xử lý thu hồi nợ đọng thuế đối với các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

 

Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Ngọc Duy cho biết: Đến ngày 30/6/2016, nợ thuế trên địa bàn tỉnh là 357,8 tỉ đồng, trong đó tiền nợ thuế hơn 229 tỉ đồng, còn lại là tiền phạt do chậm nộp thuế. Đối với tiền nợ thuế của các doanh nghiệp ngừng hoạt động, nghỉ kinh doanh là 86 tỉ đồng. Một số doanh nghiệp nợ thuế lớn như Công ty CP Thuận Thảo nợ hơn 115 tỉ đồng, trong đó tiền nợ thuế là 71,3 tỉ đồng, còn lại là tiền phạt chậm nộp thuế. Nguyên nhân nợ là do tình hình kinh tế còn khó khăn, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không cao, một số doanh nghiệp thua lỗ, mất cân đối tài chính, lâm vào tình trạng giải thể, phá sản dẫn đến không có khả năng nộp thuế đúng hạn. Một số doanh nghiệp có dự án triển khai đầu tư chậm, thiếu cơ sở pháp lý để miễn tiền thuế đất dẫn đến nợ tiền thuế đất…

 

Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Tấn Việt đề nghị Cục Thuế tỉnh phân loại những khoản nợ thuế khó đòi, báo cáo cho UBND tỉnh có hướng chỉ đạo cụ thể. Đối với các khoản nợ thuế có khả năng thu, ngành Thuế cần tăng cường đôn đốc và truy thu dứt điểm.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek