Để thoát nghèo bền vững, ông Lưu Ri (55 tuổi, thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa) đã chịu khó tìm tòi, học hỏi để phát triển nghề làm bún tươi kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, ông có điều kiện cho ba người con ăn học thành tài.
Rời quê Hòa Trị (huyện Phú Hòa), ông Ri đến thôn Suối Phèn lập nghiệp. Những ngày đầu trên vùng đất mới, gia đình ông trồng cà phê như bao gia đình khác ở đây. Năm 2002, cà phê rớt giá nên gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Trước tình cảnh này, ông Ri trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế một cách bền vững để ổn định cuộc sống gia đình. Ông nhận thấy ở xã Sơn Long chưa có ai làm bún tươi, cộng với điều kiện của gia đình rất phù hợp nên quyết định làm loại thực phẩm này để mưu sinh. Ông Ri bộc bạch: “Thời gian đầu do không có máy móc hỗ trợ, tất cả làm bằng tay nên năng suất thấp. Trong khi nhu cầu sử dụng loại thực phẩm này của người dân địa phương cao nên tôi tiếp tục duy trì. Đến năm 2005, tôi đầu tư mua máy xay bột bằng điện, còn các công đoạn khác trong quá trình làm bún vẫn thủ công. Mỗi ngày chỉ làm khoảng 5-10kg bún”.
Dần dần, bún do gia đình ông Ri làm ra được người dân địa phương ưa chuộng và tiêu thụ mạnh tại ba xã phía bắc của huyện Sơn Hòa. Thấy thị trường bắt đầu ưa chuộng, năm 2013, ông Ri mạnh dạn đầu tư gần 50 triệu đồng ra tỉnh Nam Định mua máy và các dụng cụ làm bún quy mô lớn về sản xuất bún, phục vụ người tiêu dùng. Hiện tại, mỗi ngày, gia đình ông làm từ 60-70kg bún, cung ứng cho các xã Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định và cả xã An Xuân của huyện Tuy An. Mỗi ký bún sau khi trừ chi phí còn lãi 2.000 đồng. Như vậy, mỗi ngày gia đình ông thu được từ 120.000- 140.000 đồng từ việc làm bún. Bà Nguyễn Thị Hoa, hàng xóm nhà ông Ri, cho biết: “Bún do gia đình ông Ri làm rất ngon, sạch, giá cả phải chăng nên được nhiều người ưa thích. Những ngày lễ, tiệc, gia đình tôi đều mua bún của nhà ông”.
Từ việc làm bún, tận dụng nguồn phụ phẩm như nước gạo, gia đình ông Ri kết hợp chăn nuôi heo. Những năm gần đây, mỗi năm gia đình ông nuôi từ 28-30 con heo thịt, mang về nguồn thu nhập gần 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông cũng tận dụng đất vườn nhà nuôi gà, vịt, vừa cải thiện bữa ăn trong gia đình, vừa bán cho người dân địa phương; đồng thời ông còn mở quán tạp hóa nhỏ để tăng thu nhập. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình ông có thu nhập gần 80 triệu đồng. Khi kinh tế gia đình ổn định, ông có điều kiện xây nhà, mua sắm các vật dụng sinh hoạt và cho ba người con ăn học. Bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông Ri, tâm sự: “Các con tôi hiểu được nỗi khổ của cha mẹ nên đứa nào cũng cố gắng học tập. Hiện tại, hai đứa con gái lớn đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, còn đứa út thì chuẩn bị vào đại học”.
Ông Phan Thành Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Long, cho biết: “Cách làm ăn của ông Lưu Ri khá hiệu quả, mang lại nguồn thu ổn định để thoát nghèo bền vững, rất đáng để nhiều người học tập. Không những sản xuất giỏi, ông còn sống chan hòa với bà con lối xóm, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, các con của ông đều hiếu học”.
CÚC NGUYÊN