Hôm nay (22/5), hơn 69 triệu cử tri trong cả nước sẽ đi bỏ phiếu thực hiện quyền và trách nhiệm công dân, bầu ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Lựa chọn các đại biểu đủ tài, đủ đức, có năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu của nhân dân trong các cơ quan quyền lực nhà nước đòi hỏi mỗi lá phiếu cử tri thể hiện rõ trách nhiệm công dân với niềm tin sâu sắc vào mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
Cuộc bầu cử lần thứ 14 này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao. Nhưng vẫn còn đó những nguy cơ, nhất là nguy cơ tụt hậu về kinh tế; nguy cơ "diễn biến hòa bình"; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Do đó, việc lựa chọn những người xứng đáng nhất làm đại biểu nhân dân trong cuộc bầu cử lần này là dịp để cử tri bầu ra một Quốc hội và cơ quan quyền lực các cấp có đủ năng lực thực hiện thành công sứ mệnh mà nhân dân giao phó trong bối cảnh mới của tình hình trong nước và quốc tế. Cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp lần này còn là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, tái khẳng định nhân dân là người chủ đất nước; quyền con người đi cùng quyền và nghĩa vụ công dân. Đây cũng là cuộc bầu cử sau khi Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 được ban hành với nhiều sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho mọi công dân có điều kiện thuận lợi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Có thể khẳng định, cuộc bầu cử lần này đã được chuẩn bị hết sức chu đáo, thể hiện đầy đủ tinh thần của Hiến pháp và pháp luật. Các hội nghị hiệp thương, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đã làm cho mỗi cử tri nhận thức sâu sắc bầu cử là quyền và trách nhiệm của mọi công dân. Cử tri và các ứng cử viên có sự đối thoại, trao đổi thẳng thắn, dân chủ; có sự chia sẻ, đồng cảm đầy thấu hiểu và nhân văn… Điều đó đã giúp cho cử tri nắm bắt được các chương trình tranh cử, cả lời hứa của ứng cử viên để khi họ trở thành đại biểu nhân dân, các chương trình và lời hứa đó sẽ biến thành hành động cụ thể; và cử tri có điều kiện theo dõi, giám sát các hoạt động của các đại biểu nhân dân. Đó chính là cốt lõi của việc nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, để Nhà nước ta thực sự là của dân, do dân và vì dân.
BTV (tổng hợp từ TTXVN)