Ở khu phố 10, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), ai cũng biết “vườn cam làm giàu” của anh Võ Minh Tuấn. Đây là một trong những mô hình kinh tế điển hình được bà con học hỏi và cảm phục trước ý chí mạnh dạn đầu tư của vợ chồng anh.
Anh Võ Minh Tuấn quê gốc ở Nghệ An, theo cha mẹ vào lập nghiệp làm kinh tế mới ở thị trấn Hai Riêng từ những năm 1990. Khi mới đến, mảnh đất này chỉ là bãi hoang, cây cỏ mọc um tùm. Khó khăn chồng chất khi anh chị có thêm hai đứa con nhỏ. Kinh tế của gia đình phụ thuộc vào vài sào đất nông nghiệp với hai loại cây trồng chính là mía và sắn. Nhiều năm vật lộn ở vùng đất kinh tế mới nhưng cuộc sống vẫn không mấy khấm khá nên vợ chồng anh quyết định ra vùng Tây Bắc mưu sinh. Năm 2005, gửi cháu cho ông bà ngoại, vợ chồng anh Tuấn lên tận vùng đất Tuyên Quang - xứ sở của cam, để làm công cho người quen. Anh Tuấn tâm sự: “Tôi thấy các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang có rất nhiều hộ nghèo nhưng nhờ trồng cam, họ không những thoát nghèo mà còn trở nên giàu có. Ngoài Bắc, cam chỉ bán với giá 2.000 đồng/kg thì trong Nam lại bán gấp 5-6 lần nên vợ chồng tôi vừa làm thuê vừa nuôi ý định quay về Sông Hinh để phát triển nghề trồng cam”.
Vì vậy, suốt thời gian làm công ở Tuyên Quang, anh Tuấn không ngừng học hỏi kiến thức và trau dồi kỹ thuật trồng cam từ những người đã có nhiều kinh nghiệm. Năm 2011, anh quyết định đưa gia đình quay về Sông Hinh và mạnh dạn đầu tư trồng 300 cây cam lòng vàng trên 3.000m2. Sau đó, anh tiếp tục đầu tư thêm 2ha đất để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, với giá trung bình 25.000/kg cam, mỗi năm, gia đình anh Tuấn thu hoạch trên chục tấn, doanh thu đạt khoảng 300 triệu đồng.
Trong quá trình sản xuất, anh Tuấn luôn tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn chăm sóc từ làm đất, bón phân cho đến các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đều theo quy trình khép kín, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo quản nên những trái cam sạch của gia đình anh đều hút khách, được bán với giá ổn định. Anh Thanh, một thương lái ở huyện Sơn Hòa, cho biết: “Cam của anh Tuấn đảm bảo chất lượng nên khách hàng rất ưa chuộng. Cam ở đây mọng nước, đặc biệt không lạm dụng chất bảo quản. Vì thế chúng tôi phải đặt hàng ngay từ đầu mùa”.
Hiện gia đình anh Tuấn là một trong những hộ trồng cam có tiếng trong vùng. Bà con vẫn thường gọi anh bằng cái tên thân mật là anh Tuấn Cam. Không chỉ là một trong những người tiên phong và thành công trong việc đưa giống cây cam lòng vàng về trồng trên mảnh đất Sông Hinh, anh Tuấn còn chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cam cho một số hộ gia đình có nhu cầu trồng trên địa bàn huyện.
Chị Nguyễn Thị Nhung, vợ anh Tuấn, chia sẻ: “Có được thành quả như hôm nay, vợ chồng tôi đã trải qua không ít khó khăn. Ngày đầu đưa cam về trồng thử nghiệm, vì chưa có kinh nghiệm trong khâu vận chuyển nên 300 gốc cam đã bị chết. Thất bại, nhưng hai vợ chồng vẫn không nản chí, tiếp tục vay vốn tái đầu tư”.
Ngoài trồng cam, anh Tuấn còn mở rộng diện tích 1.000m2 đểươm cây cam giống. Cây giống ban đầu ươm từ hạt. Khoảng 6 tháng sau, anh Tuấn bắt đầu cấy ghép cành. Cành cũng được anh chọn lựa kỹ lưỡng và cẩn thận, đảm bảo to, chắc khỏe để cây có sức đề kháng cao, chống chọi tốt với môi trường, sâu bệnh. Mỗi năm từ vườn ươm của mình, anh Tuấn cung ứng ra thị trường huyện Sông Hinh và các tỉnh lân cận khoảng 1 vạn cây giống. Ngoài giống cam lòng vàng, những năm gần đây, anh tiếp tục nhân giống thêm bơ và sầu riêng để đáp ứng nhu cầu đa dạng cây giống của nhà nông.
Ông Phạm Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh, cho biết: “Từ mô hình trồng cây cam và vườn ươm giống, gia đình anh Tuấn đã thoát nghèo, con cái được học hành đàng hoàng. Cây cam đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo của nhiều hộ ở miền núi Sông Hinh. Đây là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả đang được người dân học hỏi và nhân rộng”.
THIÊN LÝ