Thứ Tư, 06/11/2024 15:58 CH
Thực hiện tốt phương châm “Ba điều cần có, bốn điều phải làm” (*)
Thứ Ba, 17/05/2016 10:27 SA

(Ứng cử viên ĐBQH Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phú Yên, ĐBQH khóa XIII)

 

“Ba điều cần có, bốn điều phải làm” nếu được bầu làm Đại biểu Quốc hội.

 

Tôi đã trải qua nhiều vị trí, môi trường công tác. Từ cán bộ Đoàn đến cán bộ của Đảng, từ công tác ở tỉnh đến công tác ở cơ sở, từ vai trò tham mưu đến cương vị lãnh đạo chủ chốt cấp huyện. Tôi cũng đã có một nhiệm kỳ làm đại biểu HĐND tỉnh 7 năm (2004-2011), làm Đại biểu Quốc hội 5 năm (2011-2016)…

 

Đây là khoảng thời gian tôi được gần gũi, thường xuyên tiếp xúc, gắn bó với người dân, với cử tri trong vai trò của người đại biểu và luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao. Dù đã có rất nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, tuy nhiên so với yêu cầu, đòi hỏi của cử tri, của nhân dân thì bản thân tôi tự nhận thấy mình còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết cần phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể đáp ứng tốt hơn sự kỳ vọng của cử tri, của nhân dân.

 

Quá trình làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ qua, tôi nhận thức được rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Quốc hội có 3 chức năng cơ bản đó là: Chức năng xây dựng pháp luật; chức năng xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao. Được tổ chức giới thiệu và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú, tôi rất vinh dự được tiếp tục ứng cử làm Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Từ những kinh nghiệm của quá trình làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng như nhận thức được những yêu cầu, đòi hỏi của cử tri, của nhân dân đối với Quốc hội và Đại biểu Quốc hội, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm đang đặt ra như: việc làm, thu nhập của người dân; an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vấn đề biển Đông và đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Tôi nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên và nguyện luôn cố gắng, quyết tâm học tập, rèn luyện, công tác để thực hiện tốt phương châm: “Ba điều cần có, bốn điều phải làm” nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

 

Ba điều cần có:

 

Một là, có tư cách đạo đức và năng lực thật sự. Là cán bộ, muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao phải có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác tốt. Đại biểu Quốc hội càng phải có nhiều hơn thế. Muốn có được điều đó, bản thân tôi sẽ không ngừng học tập và rèn luyện để có phẩm chất đạo đức trong sáng và khả năng, năng lực công tác tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của người đại biểu và sự tín nhiệm của cử tri.

 

Hai là, có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh và có tinh thần trách nhiệm cao. Có được tố chất này, Đại biểu Quốc hội mới có thể bảo vệ cái đúng và đấu tranh phản bác cái sai. Trong cuộc sống không phải lúc nào cái đúng, lẽ phải và sự công bằng cũng được tôn trọng và bảo vệ; điều sai, điều xấu, cái ác không phải lúc nào cũng được đấu tranh loại bỏ. Do vậy, rất cần bản lĩnh và dũng khí đấu tranh của người Đại biểu Quốc hội cho lẽ phải và sự công bằng, vì hạnh phúc của nhân dân.

 

Ba là, có tấm lòng thật sự vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đại biểu Quốc hội là người đại diện trung thành cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân. Đại biểu Quốc hội phải hết lòng lo cho dân, cho nước và hành động vì dân, vì nước.

 

Bốn điều phải làm:

 

Một là, phải tôn trọng nhân dân, luôn luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, với cử tri. Đại biểu Quốc hội là đại biểu của dân do cử tri trực tiếp bầu ra, do vậy Đại biểu Quốc hội phải luôn tôn trọng, gần gũi, gắn bó với cử tri, với nhân dân để lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri. Không gắn bó với cử tri không thể làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu và cũng không phải là đại biểu của dân.

 

Hai là, phải nêu được, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri, của nhân dân đến Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền. Cử tri luôn quan tâm theo dõi và đòi hỏi người đại biểu của mình phải nói lên tiếng nói của cử tri, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đây là yêu cầu rất chính đáng của cử tri đối với Đại biểu Quốc hội. Không làm được điều này, cử tri sẽ không tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội.

 

Ba là, phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều trường hợp quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân không được tôn trọng, không được bảo vệ, bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Đại biểu Quốc hội cần phải nắm bắt kịp thời và bảo vệ cho được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân. Đồng thời, trong hoạt động của mình, phải cùng với các Đại biểu Quốc hội khác tích cực đấu tranh bảo vệ lợi ích dân tộc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Bốn là, nói phải đi đôi với làm, phải làm được những điều đã nói, đã hứa với nhân dân, với cử tri. Có ý kiến cử tri phản ánh rằng các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khi vận động bầu cử thì nói rất hay, hứa rất nhiều nhưng khi trúng cử thì ít thấy hành động. Tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để nói phải đi đôi với làm, phải làm được nhiều việc có lợi cho cử tri, cho nhân dân như đã nói, đã hứa.

 

(*) Tựa đề do Tòa soạn đặt

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek