Thực hiện công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
NHIỀU CHUYỂN BIẾN
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức các hoạt động thông tin đối ngoại tỉnh Phú Yên năm 2016. Theo đó, công tác thông tin đối ngoại cần đảm bảo sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý điều hành của UBND tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan Trung ương và các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh về công tác thông tin đối ngoại nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Công tác thông tin đối ngoại còn thông tin về chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, hình ảnh quê hương, con người, lịch sử, văn hóa và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đến các nước trên thế giới và người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời thông tin cho nhân dân trong tỉnh biết về tình hình thế giới. |
Tại buổi tập huấn công tác thông tin đối ngoại năm 2016 dành cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại của 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam do Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây tại TP Nha Trang, ông Hoàng Ngọc Hà, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, cho biết: Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, kể từ sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) thông qua “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2020”. Hoạt động thông tin đối ngoại đã có nhiều chuyển biến quan trọng, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tầng lớp nhân dân về chiến lược của công tác thông tin đối ngoại ngày càng được nâng cao.
Những năm qua, hệ thống cơ quan chuyên trách được củng cố và kiện toàn từ Trung ương đến địa phương; lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại được tăng cường cả về số lượng, chất lượng; phương thức hoạt động thường xuyên được đổi mới; đối tượng, địa bàn ngày càng được mở rộng. Các hoạt động thông tin đối ngoại ở các ban, bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan báo chí đối ngoại được tổ chức bài bản, đồng bộ và ngày càng đi vào thực chất.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT) Phạm Minh Giang, hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh trong thời gian qua ngày càng bám sát định hướng chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời bám sát chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, thành phố. Một số mô hình triển khai tốt hoạt động thông tin đối ngoại đã xuất hiện ở các địa phương, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình…
VẪN CÒN KHÓ KHĂN
Ông Phạm Minh Giang cho rằng: Nhận thức chung về công tác thông tin đối ngoại chưa đồng đều giữa Trung ương với địa phương, giữa địa phương với địa phương nên công tác thông tin đối ngoại trong cả nước chưa đồng đều. Trong thời gian qua, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động thông tin đối ngoại.
Theo đánh giá của Cục Thông tin đối ngoại, nhận thức của nhiều cán bộ ở Trung ương và địa phương về công tác thông tin đối ngoại chưa được đầy đủ và sâu sắc. Một số cán bộ lãnh đạo và quản lý chưa nhận thức rõ những yêu cầu và đòi hỏi của công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, thiếu kiến thức và kỹ năng về công tác thông tin đối ngoại. Bên cạnh đó, Sở TT-TT là đơn vị chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch, đề án, dự án thông tin đối ngoại nhưng lại không được phân công theo dõi tiến độ và hiệu quả thực hiện của các sở, ban, ngành. Thời gian qua, các văn bản chỉ đạo về công tác thông tin đối ngoại còn thiếu, thiếu cơ chế tài chính cho công tác thông tin đối ngoại.
Cũng theo ông Phạm Minh Giang, 100% tỉnh đã bố trí cán bộ kiêm nhiệm, tuy nhiên, do kiêm nhiệm nhiều mảng công việc, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác còn thiếu, chưa đồng đều nên công tác tham mưu triển khai công tác thông tin đối ngoại của đội ngũ cán bộ này còn hạn chế. Nguyên nhân của thực trạng này là do chưa có biên chế cán bộ chuyên trách, do đó chưa có tiêu chí chức danh để xét tuyển đối với cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại.
Ông Hoàng Ngọc Hà nhận định, việc triển khai, thực hiện công tác thông tin đối ngoại vẫn còn một số hạn chế như: Chưa phát huy được đầy đủ sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị chuyên trách trong công tác thông tin đối ngoại. Hoạt động thông tin đối ngoại được triển khai chưa đồng đều trên cả nước và ở nhiều địa phương. Nội dung tuyên truyền chưa hấp dẫn, chưa phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều tài liệu chưa có sức thuyết phục cao. Công tác nghiên cứu, dự báo tình hình còn chưa được chú trọng đúng mức. Công tác chỉ đạo định hướng tuyên truyền trong một số trường hợp còn bị động. Công tác đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chưa thực sự thuyết phục. Một số báo, nhất là báo mạng còn thông tin sai sự thật, không đúng chủ trương, quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Nhiều cơ quan báo chí chưa tích cực tham gia công tác đấu tranh phản bác, nhất là trên lĩnh vực tôn giáo, dân chủ, nhân quyền…
CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG
Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và tuyên truyền, công tác thông tin đối ngoại đến năm 2020 cần tiếp tục củng cố hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đang đổi mới, năng động, ổn định và phát triển, nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Chỉ đạo lớp tập huấn về công tác thông tin đối ngoại, ông Võ Văn Phuông nhấn mạnh, trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực, nhất là tình hình biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định. Các cơ quan báo chí cần tiếp tục tham gia tích cực và có hiệu quả trong việc tuyên truyền, thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta. Công tác tuyên truyền cũng cần tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam, quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực cũng như các vấn đề dư luận sở tại quan tâm về nước ta; đấu tranh phản bác có hiệu quả với những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội; củng cố quan hệ của Việt Nam với các nước, các đảng cầm quyền, tổ chức quốc tế và khu vực; tiếp tục nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại cũng đã đưa ra phương hướng thực hiện công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới gồm: Tiếp tục quán triệt và triển khai sâu rộng “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020” của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; tiếp tục kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại tại địa phương. Tăng cường chỉ đạo và phối hợp thực hiện giữa Trung ương và địa phương; tăng cường nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo trong đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch; xây dựng và triển khai các chương trình thông tin đối ngoại phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Công tác thông tin đối ngoại cũng cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay. Áp dụng những thành tựu mới về công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại; nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm thông tin đối ngoại, tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài, đa dạng các kênh phát hành; tăng cường các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương ra nước ngoài...
Trong những năm gần đây, công tác thông tin đối ngoại đã có những chuyển biến quan trọng trên nhiều mặt, góp phần quan trọng củng cố sự đồng thuận xã hội, tranh thủ cao nhất sự đồng tình ủng hộ của kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của đất nước ở khu vực và trên trường quốc tế.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Võ Văn Phuông |
MINH NGUYỆT