Đó là ông Liễu Mạnh Nghĩa, người dân tộc Tày, ở thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa). Nhờ chăm chỉ lao động, thường xuyên vận động tuyên truyền và hòa giải trong thôn nên ông được mọi người yêu mến bầu là người uy tín của thôn.
Thôn Lạc Đạo có 196 hộ, gồm 6 dân tộc anh em sinh sống. Đời sống sinh hoạt với nhiều nét văn hóa khác nhau cùng với cuộc sống kinh tế còn nhiều khó khăn nếu không đoàn kết thì khó có sự hài hòa, ổn định trong thôn xóm. Điều này đặt những người có trách nhiệm trong thôn phải thường xuyên tuyên truyền vận động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và ông Liễu Mạnh Nghĩa với vai trò vừa là người uy tín của thôn, vừa là công an viên đã làm tốt công tác này.
Ông Liễu Mạnh Nghĩa cho biết: Từ năm 2000 đến nay, là một công an viên của xã tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, cố gắng không để xảy ra tình trạng trộm cắp vặt, đánh nhau làm mất đoàn kết tình làng nghĩa xóm, đoàn kết dân tộc. Mọi chuyện đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, nếu không kịp thời khuyên giải rất dễ dẫn đến những mâu thuẫn lớn. Để làm tốt công tác này, tôi thường xuyên nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền mọi người trong thôn sống và làm việc theo pháp luật.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong công tác hòa giải, ông Nghĩa cho biết thêm: Nhiều cuộc đánh nhau chỉ xuất phát từ ly rượu, ngụm bia; do có hơi men không làm chủ được bản thân, nhiều người đàn ông vì sĩ diện nên đã to tiếng, không ai chịu ai dẫn đến xô xát, gây mất trật tự thôn xóm. Những lúc như vậy, tôi thường có mặt kịp thời, đưa từng người về nhà, chờ cho họ bình tĩnh trở lại mới vỗ vai nói chuyện. Một cái vỗ vai giữa hai người đàn ông cùng với những lời khuyên chân thành sẽ giúp họ hiểu ra ngay. Hay như vợ chồng có trục trặc, nếu không khuyên giải họ rất dễ dẫn tới ly hôn, trẻ nhỏ lại bơ vơ…
Chị Nông Thị Mín, dân tộc Nùng, chia sẻ: Năm 2013, do mâu thuẫn nên vợ chồng tôi đã viết đơn ly hôn. Biết chuyện, chú Nghĩa gọi riêng chồng tôi ra nói chuyện và cũng kêu gọi chị em phụ nữ trong thôn đến nói chuyện với tôi. Sau khi được mọi người phân tích khuyên giải, cả hai vợ chồng đều nhận thấy rằng mâu thuẫn ấy không có gì là lớn, chỉ vì một chút nóng giận đã suýt nữa để tuột mất hạnh phúc. Giờ thì hai vợ chồng yên ấm, cùng chung tay làm việc lo cho con cái ăn học.
Không chỉ làm tốt công tác xã hội, ông Nghĩa còn chăm chỉ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và là người sản xuất giỏi ở thôn. Theo ông Nghĩa, đất ở đây cằn cỗi, nước tưới không có nên không trồng được cây lúa nước, để có thu nhập ông phải chuyển sang trồng sắn và chăn nuôi. Hiện nhà ông có 3ha đất trồng sắn, cùng 2 con bò sinh sản và nuôi gà, trồng rau màu cải thiện sinh hoạt hàng ngày. Nhờ vậy, gia đình ông có thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm, cho lãi hơn 40 triệu đồng/năm.
Ông Lê Thanh Đoạt, Trưởng thôn Lạc Đạo, cho biết: Ông Liễu Mạnh Nghĩa chăm chỉ lao động sản xuất, trong công tác xã hội, ông cũng luôn tích cực cùng thôn vận động bà con làm theo điều hay lẽ phải, hòa giải hàn gắn các mối quan hệ trong thôn, từ đó xây dựng cuộc sống thanh bình, văn minh trong thôn. Ông là tấm gương cho đồng bào trong thôn học tập làm theo và ông xứng đáng được UBND tỉnh công nhận là người uy tín của thôn.
BẠCH VÂN