Để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội với vai trò trung tâm, nòng cốt, không chỉ cần có năng lực, trình độ, kỹ năng mà còn cần có cơ chế hoạt động phù hợp.
Trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu Quốc hội, từ thực tiễn và kinh nghiệm công tác của mình, đã chia sẻ những quan điểm, mong muốn, đề xuất để Quốc hội khóa XIV trên cơ sở kế thừa thành quả của các khóa trước, sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Cần bản lĩnh và dũng khí
Với thâm niên 4 khóa làm công chức của Quốc hội, 2 khóa là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền tâm huyết cho rằng vấn đề lựa chọn để tìm được những đại biểu xứng đáng đại diện cho người dân là điều đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm này, khi cả nước đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Nhấn mạnh mỗi đại biểu Quốc hội đại diện cho khoảng 200.000 người dân, có trách nhiệm không chỉ nói lên tiếng nói của cử tri nơi bầu ra mình, mà còn nói lên tiếng nói của cử tri cả nước, đại biểu Nguyễn Đình Quyền chia sẻ tâm can của mình: “Hãy chọn cho trúng, cho đúng, hãy chọn những người thực sự vì dân, có năng lực và bản lĩnh, trách nhiệm với đất nước và nhân dân".
Điểm lại chặng đường dài 5 năm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) có nhiều điều muốn chia sẻ, gửi gắm. Theo ông, sự đổi mới không ngừng của Quốc hội thể hiện qua 3 mặt công tác chính, là sự kết tinh, thể hiện ý chí, quyết tâm từng bước đổi mới để Quốc hội ngày càng khẳng định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Mỗi đại biểu Quốc hội dù thẳng thắn, trực tiếp ở nghị trường hay âm thầm lặng lẽ làm nhiệm vụ đại biểu trong cuộc sống đời thường, đều nỗ lực cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng giao phó, thực sự là đại biểu của dân, nói được tiếng nói của dân và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Thẳng thắn chia sẻ những đánh giá của mình về vai trò của người đại biểu nhân dân, ông cho rằng, kỹ năng hoạt động của một số đại biểu còn hạn chế, có đại biểu chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội, chuẩn bị nội dung phát biểu chất lượng thấp, hoặc phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, thậm chí có đại biểu vi phạm pháp luật, gây mất niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Nhận thấy mỗi lần tiếp xúc cử tri là một lần nhắc nhở trách nhiệm lớn lao của người đại biểu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học thấy rằng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của dân rất phong phú, đa dạng và có nhiều nội dung rất chính đáng, sâu sắc.
"Riêng việc phản ánh một cách trung thực ý kiến của cử tri đến Quốc hội như đã hứa đôi khi cũng chưa thực hiện hết được, kết quả giải quyết còn rất khiêm tốn. Chính điều này càng thôi thúc các đại biểu phải luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, phải thật sự có trách nhiệm với dân, đại biểu Quốc hội phải có bản lĩnh và dũng khí để nói lên tiếng nói của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân", đại biểu bộc bạch.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng để nâng cao chất lượng, vai trò của đại biểu Quốc hội thì đại biểu phải gắn gó với cử tri nơi mình ứng cử. Đại biểu nhắn nhủ: "Là đại biểu của dân thì phải làm được gì cho cử tri nơi mình ứng cử, qua đó mới nâng cao chất lượng, thúc đẩy đại biểu Quốc hội hoạt động tích cực hơn, nói lên tiếng nói của cử tri..."
Qua các lần tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) thấy rằng còn nhiều vấn đề cử tri chưa hài lòng về hoạt động của Quốc hội cũng như của đại biểu Quốc hội, đó là những vấn đề bức xúc của nhân dân, những vấn đề quan trọng của đất nước. Một số vấn đề cử tri thấy rằng sự đi đến cùng của Quốc hội và đại biểu Quốc hội chưa mạnh mẽ.
Sâu sát và thấu hiểu
Làm gì và làm thế nào để nói lên tiếng nói của người dân, theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, người đại biểu của dân phải sâu sát, gắn bó với cơ sở, qua đó mới thấu hiểu nguyện vọng của người dân.
Đại biểu cũng tâm tư vì số lượng các cuộc giám sát về các vấn đề xã hội còn hạn chế. Hiện nay, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát một năm 4 lần; bao nhiêu vấn đề của cuộc sống ngổn ngang như vậy mà giám sát hạn chế thì khó thấy được những vấn đề bức xúc, nổi cộm cần giải quyết. Không xuống địa phương, không nghe phản ánh từ cơ sở thì đại biểu không thể có đầy đủ thông tin, không gắn bó với cử tri, phản ánh của đại biểu không sát, không trúng với thực tế, nhưng với cơ chế hiện nay thì đây là vấn đề chưa giải quyết được.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới cần khuyến khích các đại biểu đi cơ sở, khuyến khích các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đi giám sát, khảo sát thực tế.
Qua thực tế công tác, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) thấy rằng điều người dân mong muốn chính là hoạt động giám sát của Quốc hội giúp họ có thể giải quyết được những bức xúc, những phản ánh và kiến nghị cụ thể.
Theo đại biểu, các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội được định hướng, định hình tương đối rõ, có hiệu quả. Tuy nhiên, việc giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội chưa được phát huy hiệu quả.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do cơ chế và khung pháp lý để cá nhân đại biểu Quốc hội có thể tổ chức hoạt động giám sát của mình, chưa rõ ràng. Ví dụ, khi bắt đầu hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban hoặc các đoàn đại biểu Quốc hội, các văn bản cần thiết được ban hành, như nghị quyết hoặc quyết định về thành lập đoàn giám sát, hay kế hoạch giám sát, các văn bản yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát phải thực hiện lịch và nội dung giám sát. Tuy nhiên, một đại biểu Quốc hội muốn giám sát thì sẽ lúng túng chưa biết bắt đầu tư đâu, ai ra quyết định, ai hỗ trợ, giúp đỡ mình trong hoạt động giám sát đó...
Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng nên căn cứ theo chức năng, thẩm quyền, điều kiện, phân công dư địa để tổ chức giám sát có hiệu quả. Cụ thể, các vấn đề chính sách, các vấn đề vĩ mô thì có Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, phần nào đó có đoàn đại biểu Quốc hội. Nhưng với các vấn đề cụ thể nên hỗ trợ, khuyến khích đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát.
Mặt khác, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội vừa tập trung giải quyết những vấn đề chính sách vĩ mô nhưng cũng quan tâm đến những vấn đề cụ thể. Đại biểu dẫn chứng chuyên đề giám sát việc thực thi pháp luật trong giải quyết oan sai lĩnh vực tư pháp rất có hiệu quả, bên cạnh việc giám sát vĩ mô, đã giám sát một loạt vụ việc cụ thể, người dân và cử tri rất đồng tình, đánh giá rất cao, như vụ Huỳnh Văn Nén, vụ Lê Bá Mai...
Công khai, minh bạch sẽ tạo nên sức mạnh
Một trong những giải pháp để thực hiện chức năng, quyền hạn của Quốc hội được tốt hơn, theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), phải công khai, minh bạch các hoạt động của Quốc hội trước cử tri. Bài học kinh nghiệm đầu tiên được đúc rút qua 5 năm hoạt động của Quốc hội khóa XIII là tinh thần đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ, dân chủ thực sự, công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, đã quyết định thành công của hoạt động Quốc hội, giúp Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ trước cử tri.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng khẳng định việc công khai, minh bạch sẽ tạo nên sức mạnh của Quốc hội, là biện pháp để Quốc hội thực hiện quyền lực của mình. Từ quyền lực của nhân dân, cử tri giao cho Quốc hội, có nhiều việc nếu chúng ta không công khai thì không gây áp lực phải thực hiện. Công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội đã tạo nên không khí dân chủ trong xã hội và người dân sẽ ngày càng quan tâm đến công việc của quốc gia, có nhiều ý kiến đóng góp cũng như tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.
Người dân không những giám sát đại biểu Quốc hội, mà còn giám sát cả cơ quan hành pháp trong việc thực hiện những ý kiến của đại biểu Quốc hội. Công khai, minh bạch còn tạo ra sự gắn bó giữa cử tri với đại biểu, tạo điều kiện cho cử tri giám sát các hoạt động của đại biểu Quốc hội, đồng thời tạo ra động lực để đại biểu tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ cử tri giao.
Từ thực tế ở Bình Phước, những phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường được truyền hình trực tiếp qua đài địa phương, đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng cần tăng cường phản ánh hoạt động của đại biểu Quốc hội trên truyền hình hoặc báo của địa phương.
"Tôi nghĩ cái này tác dụng rất lớn, mỗi hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội hàng ngày đều được thông báo trên đài truyền hình hoặc báo địa phương cũng là một động lực để thúc đẩy hoạt động của đại biểu Quốc hội".
Theo TTXVN/Vietnam+