Trong hai ngày (6-7/5), tại Luang Prabang (Lào), đã diễn ra các Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) của các nước thành viên ASEAN, ASEAN+3 (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).
Đoàn Việt Nam do ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam làm trưởng đoàn đã tham dự các cuộc họp. Đây là các cuộc họp quan trọng trong năm của ASEAN và các đối tác liên quan nhằm triển khai các quyết định đã được thông qua tại các Hội nghị Cấp cao tháng 11/2015, kiểm điểm các kế hoạch hành động và chuẩn bị cho các Hội nghị cấp Bộ trưởng, cấp cao ASEAN và các Hội nghị liên quan sẽ diễn ra vào cuối năm.
Các nước cũng đã trao đổi về cấu trúc khu vực, các hoạt động hợp tác ở Đông Á và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Tại cuộc họp SOM ASEAN, các nước cam kết triển khai hiệu quả, thực chất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nhằm hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN liên kết sâu rộng, toàn diện và hướng tới người dân.
Ý kiến tại cuộc họp nhấn mạnh cần nâng cao hiệu quả điều phối trên các vấn đề liên ngành và liên trụ cột, tăng cường cơ chế giám sát thực thi và lồng ghép triển khai ở cấp quốc gia. Cuộc họp đạt nhất trí cao rằng trong bối cảnh hiện nay, yếu tố quan trọng cho việc bảo đảm thành công của Cộng đồng ASEAN là tiếp tục duy trì và phát huy vai trò chủ đạo, củng cố đoàn kết, thống nhất của ASEAN, nhất là trong những vấn đề chiến lược ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
Trao đổi về quan hệ đối ngoại, các nước nhấn mạnh cần tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, xem xét đề nghị thiết lập quan hệ của một số đối tác bên ngoài, trao đổi các cách thức nâng cao hiệu quả của các diễn đàn khu vực do ASEAN khởi xướng và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực.
Dịp này, cuộc họp cũng đã sơ bộ hoàn tất các công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Nga sẽ diễn ra từ ngày 19-20/5/2016 tại Sochi (Nga). Tại cuộc họp SOM ASEAN+3, các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình hợp tác ASEAN+3 là khuôn khổ chính thúc đẩy liên kết khu vực, hướng tới mục tiêu lâu dài là cộng đồng Đông Á.
Các nước nhất trí nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tiến độ triển khai Kế hoạch Công tác ASEAN+3 giai đoạn 2013-2017, nhất là đối với những biện pháp chưa được thực hiện; đồng thời xem xét xây dựng Kế hoạch Công tác ASEAN+3 giai đoạn mới. Cuộc họp cũng nhấn mạnh cần tiếp tục triển khai các khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn Đông Á, tập trung vào các lĩnh vực cùng quan tâm như: Ổn định tài chính, kết nối, cơ sở hạ tầng, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống.
Tại cuộc họp SOM EAS (với sự tham dự của các nước ASEAN và 8 nước đối tác Trung Quốc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Ấn Độ), các nước khẳng định EAS tiếp tục là diễn đàn của các lãnh đạo để thảo luận các vấn đề chiến lược, hoan nghênh các kết quả triển khai Tuyên bố Kuala Lumpur kỷ niệm 10 năm EAS được các lãnh đạo thông qua tháng 11/2015, nhất là các biện pháp triển khai quyết định của Lãnh đạo như nâng cao vai trò của nước Chủ tịch EAS, tăng cường trao đổi giữa CPR với các Đại sứ EAS ngoài ASEAN tại Jakarta và lập bộ phận EAS trong Ban Thư ký ASEAN.
Cuộc họp cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của EAS như năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường, tài chính; tăng cường phối hợp và bổ trợ giữa EAS với các diễn đàn khác do ASEAN đóng vai trò chủ đạo như ASEAN+1, ASEAN+3, ADMM+, ARF.
Tại các cuộc họp, các nước đã dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cho rằng tình hình diễn biến ngày càng phức tạp và nhanh chóng, tác động sâu sắc đến các nước khu vực, trong đó có sự gia tăng của các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, như tình hình biển Đông, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, di cư, thiên tai, dịch bệnh...
Trước những diễn biến phức tạp tại biển Đông, nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về các nguy cơ đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không quân sự hóa, không đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như các tiến trình pháp lý, ngoại giao; thực hiện hiệu quả DOC và thúc đẩy sớm COC. Đoàn Việt Nam đã tham dự tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào các nội dung thảo luận.
Về hợp tác ASEAN, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Việt Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các nước ASEAN triển khai các dòng hành động trong Kế hoạch Tổng thể Chính trị - An ninh ASEAN 2025, tiếp tục chủ động và tích cực đóng góp vào việc duy trì vai trò chủ đạo, tăng cường đoàn kết, thống nhất của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề chiến lược ở khu vực, trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài cũng như trong định hình cấu trúc khu vực trên cơ sở các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức của ASEAN, tăng cường năng lực cho Ban Thư ký ASEAN để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu liên kết ngày càng sâu rộng.
Về ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á, Thứ trưởng Lê Hoài Trung chia sẻ đánh giá chung về các kết quả hợp tác đã đạt được giữa ASEAN và các đối tác, đề nghị tăng cường hợp tác toàn diện, thực chất giữa ASEAN với các đối tác, nhất là trong việc thúc đẩy liên kết khu vực, ứng phó với các thách thức như chủ nghĩa khủng bố thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng, an ninh, an toàn hàng hải.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định ủng hộ tăng cường hơn nữa vai trò của EAS với tư cách là một bộ phận quan trọng của cấu trúc khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm, tiếp tục đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực, trong đó có việc kiểm điểm định kỳ hợp tác EAS nhằm kịp thời bổ sung các lĩnh vực mới thích ứng với những tiến triển của tình hình khu vực và quốc tế như hợp tác biển.
Trong trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh, mặc dù hòa bình, hợp tác, phát triển tiếp tục là xu hướng chính, khu vực châu Á Thái Bình Dương đang trải qua những biến chuyển chiến lược sâu sắc, tác động tới tất cả các nước, cả mặt thuận và không thuận.
Đoàn Việt Nam chia sẻ quan ngại của các nước về những diễn biến phức tạp ở khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông, nhấn mạnh trách nhiệm và lợi ích chung của các nước và cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình, ổn định, ở khu vực, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS), giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; nỗ lực thực hiện hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Ngày 8/5, cũng tại Luang Prabang diễn ra Hội nghị SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Theo VOV