30 năm làm công tác dân tộc, 19 năm trực tiếp triển khai Chương trình 135 của Chính phủ, đến nay ông Nguyễn Văn Thân, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa đã góp phần không nhỏ giúp nâng cao đời sống đồng bào tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Ghi nhận những đóng góp này, ông Thân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Ông Nguyễn Văn Thân - Ảnh: M.DUYÊN |
Toàn huyện Sơn Hòa có 11 xã thụ hưởng Chương trình 135. Đây là những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và là xã khó khăn với điều kiện hạ tầng cơ sở hạn chế, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, thu nhập của người dân bấp bênh, với tỉ lệ hộ nghèo cao. Đưa nguồn vốn Chương trình 135 vào hỗ trợ sản xuất và đầu tư hạ tầng cơ sở cho những xã này, qua đó góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng mức sống người dân.
Tuy nhiên sử dụng nguồn vốn như thế nào cho hiệu quả, để các công trình phát huy tác dụng, rất cần đến công tác tham mưu của Phòng Dân tộc huyện, trong đó có sự đóng góp của ông Nguyễn Văn Thân trên cương vị phó trưởng phòng. Ông Thân cho biết: Hàng năm, sau khi có quyết định phân bổ vốn của UBND tỉnh, Ban dự án Chương trình 135 của huyện tiến hành lập danh sách các đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công cũng như tổng hợp đề xuất từ các xã để đầu tư có trọng điểm vào các hạng mục công trình thuộc danh mục Chương trình 135.
Để có được ý kiến tham mưu đúng, ông Thân phải đi thực tế tới từng thôn buôn, phối hợp với UBND các xã, ghi nhận những khó khăn cần khắc phục trước mắt và lâu dài tại địa phương, từ đó đề xuất UBND huyện tập trung nguồn vốn xây dựng công trình nào trước ở từng xã, cũng như đầu tư có trọng điểm để các công trình phát huy tác dụng. Điển hình như công trình chợ Trà Kê, khi đi vào hoạt động đã giúp thay đổi tập quán tự cung tự cấp, đẩy mạnh giao thương cho người dân ở 3 xã Sơn Hội, Phước Tân và Cà Lúi. “Đồng bào dân tộc thiểu số không có thói quen tới chợ, họ dùng nương rẫy làm nơi trao đổi sản phẩm. Vì không có sự giao thương, trao đổi học hỏi lẫn nhau, dẫn tới cuộc sống của bà con co cụm trong phạm vi thôn, xã và không có điều kiện phát triển. Khi chợ Trà Kê được xây dựng, cùng với hệ thống giao thông liên xã, liên thôn được hoàn thiện, đã đưa hàng hóa từ đồng bằng lên miền núi, thu hút đồng bào tới đây mua bán sản phẩm, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân trong vùng”, ông Thân cho biết thêm.
Trong hỗ trợ sản xuất, ông Thân quan niệm không hỗ trợ theo kiểu “cho không” mà gắn hỗ trợ cây giống con giống, phân bón, nông cụ sản xuất… với các mô hình sản xuất. Qua đó, đồng bào chuyển biến về nếp nghĩ, cách làm, biết học tập và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thành công mô hình lúa nước trên cánh đồng xã Krông Pa là một minh chứng. Cũng theo ông Thân, bao đời nay đồng bào dân tộc thiểu số chỉ làm lúa rẫy, sản lượng thấp. Nay đưa lúa nước vào canh tác, gắn với làm thủy lợi, dồn điền đổi thửa là cả một nỗ lực rất lớn của không chỉ Phòng Dân tộc huyện mà còn cả hệ thống chính trị các cấp. Nhờ kiên trì vận động, mô hình cho sản lượng lúa cao, chất lượng tốt nên đã tác động vào nhận thức của bà con.
Ông ALê Y Bớ, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa, cho biết: Ông Nguyễn Văn Thân trước khi về công tác tại Phòng Dân tộc huyện đã có 5 năm làm giáo viên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, ông Thân không chỉ biết tiếng đồng bào mà còn hiểu được văn hóa, phong tục tập quán của bà con. Đây chính là tiền đề giúp ông trong công tác tuyên truyền, hướng bà con làm theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Văn Cư, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, những năm qua, cùng với nguồn vốn Chương trình 135 và các chương trình khác đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, đã giúp huyện giảm tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 2.327 hộ vào đầu năm 2011 xuống còn 1.329 hộ năm 2015, đạt tỉ lệ giảm bình quân 7,53%/năm. Có được kết quả này, nhờ sự đóng góp tích cực của cán bộ Phòng Dân tộc huyện, trong đó có cá nhân ông Nguyễn Văn Thân. Ông Thân xứng đáng với bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho những đóng góp về triển khai có hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135.
M.DUYÊN - T.NHUNG