Trong phiên làm việc sáng 6/4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 dự thảo luật, gồm Luật Tiếp cận thông tin; Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).
Luật hoá quyền tiếp cận thông tin
Luật Tiếp cận thông tin quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Theo quy định của luật, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Hiến pháp 2013 đã xác định rõ quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân. Do vậy, Luật Tiếp cận thông tin thể chế hóa quy định này của Hiến pháp, bảo đảm để công dân nước CHXHCN Việt Nam được thực hiện đầy đủ quyền của mình.
Luật Tiếp cận thông tin bao gồm 5 chương, 37 điều đã được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỉ lệ 88,46% tán thành. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018.
Cụ thể nhiều quy định về hành nghề dược
Với 88,06% đại biểu tán thành, Luật Dược (sửa đổi) gồm 14 chương 116 điều đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Trước đó, Quốc hội đã xin ý kiến ĐBQH qua phiếu về quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược. Theo đó, 62,67% ĐBQH nhất trí cho rằng cần quy định chứng chỉ hành nghề được cấp 1 lần. Các quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề khi không cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục (Khoản 9 Điều 28) và các biện pháp hậu kiểm khác sẽ bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Luật Dược quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động dược tại Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế gồm 4 Điều đã được Quốc hội thông qua với 86,64% đại biểu tán thành.
Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) gồm 5 chương, 22 điều cũng đã được Quốc hội thông qua với 91,30% tán thành. Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) nêu rõ về đối tượng chịu thuế (Điều 2), một số ý kiến đề nghị luật hóa đối tượng chịu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối. Trong trường hợp quy định tại các văn bản dưới luật, đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn điều này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung một khoản quy định về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quyền phân phối vào Điều 2 của dự thảo luật. Đồng thời, để bao quát, xử lý toàn diện các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Điều 2 của dự thảo luật, giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Nội dung này được thể hiện tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 2 của dự thảo luật.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2016. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Theo Chinhphu.vn