Từ ngày 7-11/3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành lập 3 đoàn giám sát, kiểm tra về việc chuẩn bị công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn tỉnh. Theo nhận xét của 3 đoàn giám sát, hầu hết các địa phương đều thực hiện các nội dung chuẩn bị công tác bầu cử bảo đảm đúng tiến độ, thời gian quy định, thực sự dân chủ, đúng luật.
THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ
Đến nay, cùng với thành lập xong ủy ban bầu cử, 112 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã hoàn thành công tác chuẩn bị bước 2 hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Từ ngày 16/2-18/3, toàn tỉnh sẽ hoàn tất quy trình hiệp thương lần thứ 2 theo đúng thời gian quy định. |
Kết quả giám sát cho thấy, từ khi có các chỉ thị, hướng dẫn của Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các địa phương đều rốt ráo thực hiện các bước chuẩn bị cho công tác bầu cử. Ban Thường trực Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn đến tận cơ sở để triển khai. Việc thực hiện công tác tuyên truyền, các quy trình hiệp thương bầu cử cũng được các địa phương tiến hành đồng bộ, rộng khắp bằng nhiều hình thức sinh động, hiệu quả. Trong đó nổi bật nhất là công tác tuyên truyền. Đến nay, hầu hết các khu dân cư trong tỉnh đã tổ chức họp dân để tuyên truyền về bầu cử. Bên cạnh đó, nhiều nơi đã linh hoạt, sáng tạo thực hiện công tác này bằng cách treo băng rôn, khẩu hiệu ở những nơi tập trung đông dân cư, xây dựng nhiều nội dung, chương trình tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các địa phương có đông người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở nhờ các già làng, trưởng bản đi vận động, giải thích để người dân hiểu tầm quan trọng của công tác bầu cử. Nhìn chung, theo báo cáo của các đơn vị, nội dung tuyên truyền bầu cử luôn được các cấp Mặt trận cơ sở bám sát theo hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Nhờ vậy, việc tuyên truyền đã đi vào trọng tâm, trọng điểm về pháp luật bầu cử cũng như quyền và nghĩa vụ của cử tri đối với công tác này tại nơi cư trú.
Song song đó, việc thực hiện 6 nội dung của công tác Mặt trận trong bầu cử được các địa phương tiến hành bài bản, chu đáo, đúng lộ trình. Đến nay, công tác thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, tổ chức các bước của quy trình hiệp thương đã hoàn thành, bảo đảm số lượng, chất lượng, thành phần, cơ cấu. Địa phương thực hiện công tác bầu cử được đoàn giám sát đợt này đánh giá cao là huyện Tây Hòa. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Tây Hòa đã xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn gửi về Mặt trận cơ sở để hướng dẫn thực hiện quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện của 11/11 xã, thị trấn trên toàn huyện. “Đến nay, huyện Tây Hòa đã cơ bản hoàn thành theo đúng thời gian quy định cho từng công việc của công tác bầu cử. Riêng đối với công tác tuyên truyền, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt trong suốt quá trình bầu cử nên sẽ tiếp tục thực hiện bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Hòa Nguyễn Hữu Pháp cho biết. Còn ở huyện miền núi Đồng Xuân có những khó khăn nhất định trong việc thực hiện công tác bầu cử. Tuy vậy, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nguyễn Thị Thanh Thủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thực hiện rất nghiêm túc các quy trình, bảo đảm đúng luật, phát huy dân chủ nên đến nay hầu hết các đơn vị trên địa bàn huyện đã hoàn tất việc thực hiện các bước của hội nghị hiệp thương đúng quy định”.
NGHIÊM TÚC, ĐÚNG LUẬT
Báo cáo với đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các địa phương cho biết từ ngày 6 đến giữa tháng 2 đã tiến hành xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và tiếp tục thực hiện bước 2 của công tác bầu cử. Các hội nghị đã thảo luận, thống nhất cao cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thỏa thuận về tỉ lệ người ứng cử đại biểu HĐND là nữ, người đồng bào dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, đại biểu nhiệm kỳ trước tái cử, cơ cấu trẻ… đúng theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Căn cứ vào kết quả hiệp thương lần thứ nhất, ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện ra thông báo gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cùng cấp để tiến hành các hội nghị tiếp theo. Đặc biệt, các hội nghị cử tri lấy ý kiến giới thiệu người ra ứng cử tại các đơn vị, địa phương thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm túc, đúng luật. Ví dụ như ở huyện Tây Hòa, lãnh đạo đã cho dừng cuộc họp tại thôn Đá Mài (xã Sơn Thành Tây) và thôn Quảng Mỹ (xã Hòa Mỹ Tây) do triệu tập cử tri không đủ số lượng theo quy định. Việc này thực hiện đúng theo Điều 6, Chương II của Nghị quyết 1134/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, quy định: “Số lượng cử tri tham dự hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là 55 cử tri tham dự”. “Việc thực hiện các bước công tác chuẩn bị bầu cử ở các đơn vị này rất tốt, không chỉ theo đúng tiến độ thời gian quy định mà còn đúng với Luật Bầu cử”, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Giám sát, kiểm tra công tác bầu cử tại huyện Tây Hòa Lê Đủ nhận xét.
HÀ ANH