Thứ Bảy, 30/11/2024 17:50 CH
Xử lý nghiêm các sai phạm, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các công trình trọng điểm vào hoạt động (*)
Thứ Bảy, 21/07/2007 07:12 SA

(Phát biểu của đồng chí Phạm Ngọc Chi, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa V)

 

070721-ONG-CHI.jpg
Đồng chí Phạm Ngọc Chi - Ảnh: N.LƯU
Các đại biểu đã nghe UBND tỉnh trình bày báo cáo về tình hình thực hiện các dự án, công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh; những ý kiến kiến nghị qua kết quả giám sát của TT HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, của cử tri trong tỉnh; Tôi có ý kiến giải trình và chỉ đạo một số vấn đề liên quan đến 04 công trình quan trọng mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri thật sự quan tâm, kiến nghị.

 

I. Dự án chống ngập lụt thành phố Tuy Hoà (kè Bạch Đằng):

 

Dự án được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt nội dung thực hiện đầu tư tại Quyết định số: 1299/QĐ-UB ngày 29/5/2000, tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định 1299/QĐ-UB ngày 29/5/2000 là 53,9 tỷ đồng.

 

- Hồ sơ Thiết kế Kỹ thuật - thi công và Tổng dự toán do Công ty Tư vấn và Chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) lập và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số: 3660/QĐ-UB ngày 17/12/2001; Tổng dự toán công trình là 50,4 tỷ đồng, với các hạng mục chính gồm:  Đê chống ngập chiều dài 3.238m; Cống tiêu đóng mở tự động, cống tiêu 5 cửa; Cống tiêu dọc trục đường Bạch Đằng, dài 3.077m; Đường Bạch Đằng, chiều dài 3.213m.

 

- Quá trình thi công dự án kéo dài và xảy ra một số sai phạm trong thi công gói thầu số 04 như đại biểu và cử tri đã biết. Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh đã tập trung, liên tục chỉ đạo chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các đơn vị thi công triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Sau buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 22/5/2007, nhất là trong thời gian 10 ngày trở lại đây, tiến độ triển khai dự án có những chuyển biến tích cực hơn trong việc thi công sửa chữa gói thầu số 4, như: hoàn chỉnh 04 mỏ hàn với khối lượng 11.000m3 khối lượng đá đổ (100% khối lượng công việc); khối lượng đá đổ hộ chân kè đạt 8.500m3/11.700m3, dự kiến đến 20/7/2007 sẽ hoàn thành toàn bộ; Phần sửa chữa dầm, giằng, tầng lọc, bơm cát và bậc lên xuống (tại cọc C37-C38) Công ty Xây dựng 1.5 sẽ sửa chữa toàn bộ các sai sót. Phấn đấu đến ngày 30/9/2007 sẽ hoàn thành gói thầu số 04, thành phố Tuy Hoà sẽ không ngập úng do nước lũ từ bên ngoài sông tràn vào thành phố.

 

- Các gói thầu còn lại như: gói thầu số 6a, 6b (nền đường, mặt đường, vỉa hè, bồn hoa) phụ thuộc vào thời gian hoàn thành gói thầu số 4 (do Tổng Công ty Cơ khí xây dựng thi công). Tuy nhiên công tác xử lý sự cố còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan như: thời gian thi công rơi vào mùa mưa, một số chế độ chính sách của nhà nước thay đổi về tiền lương nên phải lập lại dự toán; thay đổi bổ sung một số hạng mục công trình như bích neo tàu thuyền, lan can, vỉa hè, hệ thống cây xanh… nên phải điều chỉnh, bổ sung dự toán. Nhưng với quyết tâm cao nhất, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo hoàn thành toàn bộ công trình đưa công trình sử dụng vào ngày 01/7/2008 (ngày tái lập tỉnh Phú Yên).

 

II. Dự án chỉnh trị cửa sông Đà Nông:

 

1. Sự cần thiết phải đầu tư dự án:

 

Cửa sông Đà Nông thuộc huyện Đông Hòa là nơi tiêu thoát lũ, tiêu úng của lưu vực sông Bàn Thạch và sông Ván, lưu vực này chiếm phần lớn diện tích phía Nam của tỉnh Phú Yên. Cửa sông Đà Nông chuyển tải nước mặn từ biển vào vùng nuôi tôm ở hạ lưu, là nơi neo đậu tàu thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân và nơi tránh trú an toàn cho tàu thuyền vào mùa mưa bão.

 

Do tương tác giữa sông và biển, ở vùng cửa sông Đà Nông vào mùa kiệt, dòng chảy của biển lớn hơn rất nhiều so với dòng chảy của sông đã làm cho cửa sông luôn luôn biến động và thay đổi vị trí. Vào mùa gió Đông Bắc dòng chảy ven bờ do sóng đã chuyển tải một lượng lớn bùn, cát dọc bờ biển tới bồi lấp cửa sông. Trước năm 2002, cửa Đà Nông thường xuyên bị lấp, có năm lấp từ 2 đến 3 lần gây ngập úng ruộng lúa, thiếu nước cho vùng nuôi tôm và tàu thuyền không ra vào cửa sông, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân trong vùng.

 

Đầu tư dự án chỉnh trị cửa sông Đà Nông là cần thiết nhưng vì đây là dự án thủy lợi đa mục tiêu, có tính chất kỹ thuật phức tạp, chịu tác động trực tiếp của các động lực sông-biển và bão lũ, nên UBND tỉnh phải xin chủ trương đầu tư của Chính phủ và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Về trình tự, thủ tục đầu tư dự án chỉnh trị cửa sông Đà Nông đã được chủ đầu tư thực hiện theo các qui định về đầu tư xây dựng cơ bản. Đây là công trình có tính đặc thù chuyên ngành nên giải pháp thiết kế đều được UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Nông nghiệp-PTNT và Bộ đã có văn bản thỏa thuận thẩm định về giải pháp kỹ thuật.

 

2. Các sai phạm được phát hiện:

 

Công trình Chỉnh trị cửa sông Đà Nông là một công trình trọng điểm, nên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm theo dõi chỉ đạo. Ngày 08/6/2005 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên có Quyết định số 1601/QĐ-TU lập đoàn kiểm tra dự án chỉnh trị cửa sông Đà Nông. Ngày 18/4/2006 Đoàn kiểm tra có kết luận một số sai phạm, nhưng chưa xác định được dấu hiệu tội phạm, hiện tại một số cán bộ Ban quản lý dự án thủy lợi đang bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên bắt tạm giam và khởi tố bị can trong một vụ án khác (vụ án kè Bạch Đằng). Đoàn kiểm tra cũng không có khả năng và điều kiện để kiểm tra chất lượng công trình do đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã có Kết luận số 03-KL/TU ngày 24/3/2006 thống nhất chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh để xem xử lý theo qui định của pháp luật.

 

Thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ và tổ chức điều tra làm rõ một số sai phạm. Ngày 20/10/2006, Cơ quan cảnh sát điều tra Công antỉnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đồng thời quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Tô Đạt (nguyên Phó Giám đốc Công ty Tư vấn Xây dựng Phú Yên) và bà Đỗ Thúy Mai (nguyên kế toán trưởng Công ty Tư vấn Xây dựng Phú Yên) về tội tham ô tài sản. Ngày 15/01/2007 ra quyết định khởi tố ông Lê Mao (nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Trưởng BQL dự án thủy lợi Phú Yên, đang bị tạm giam trong vụ án kè Bạch Đằng) về tội tham ô tài sản. Vụ việc hiện còn đang tiếp tục điều tra để làm rõ các vi phạm để có kết luận điều tra. Nhưng sơ bộ có các sai phạm như sau:

 

- Trong giai đoạn khảo sát lập báo cáo khả thi, khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật thi công và lập dự toán: BQL dự án thủy lợi Phú Yên và Công ty Tư vấn Xây dựng Phú Yên ký các hợp đồng số 14 và số 29, trong đó có nội dung khảo sát địa hình, địa chất nhưng Công ty Tư vấn Xây dựng Phú Yên không làm đúng các nội dung khảo sát theo qui định mà vẫn được BQL dự án thủy lợi Phú Yên ký biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng và chuyển tiền thanh toán, gây thiệt hại cho nhà nước và có dấu hiệu tham ô trên số tiền này. 

 

- Trong giai đoạn đấu thầu: Ngày 26/9/2001, UBND tỉnh có Quyết định số 2718/QĐ-UB về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu và chỉ định thầu với tổng vốn đầu tư 30,4 tỷ đồng. Trong đó, phần đấu thầu rộng rãi 26,5 tỷ đồng gồm các gói thầu xây lắp số 4, 5, 6, 7. Sau khi có quyết định này, ông Lê Ma,Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Trưởng BQL dự án thủy lợi Phú Yên đã có Tờ trình 813/TTr- ngày 20/12/2001 đề nghị cho nhập 4 gói thầu 4, 5, 6, 7 thành 2 gói thầu 4 và 5 và thay đổi hình thức đấu thầu rộng rãi bằng hình thức đấu thầu hạn chế chọn nhà thầu, với lý do: Việc chỉnh trị cửa sông Đà Nông để thoát lũ và chống ngập úng là nhu cầu bức thiết trong nhiều năm qua của nhân dân huyện Tuy Hòa (bảo vệ vùng dân sinh kinh tế phía Nam của huyện), nhưng nguồn vốn của tỉnh hạn chế nên chỉ mời các Tổng Công ty có đủ năng lực về tài chính để ứng 100% vốn thi công hoàn thành công trình và chấp nhận thanh toán theo khả năng cân đối vốn của tỉnh.

 

Sau khi được UBND tỉnh đồng ý, BQL dự án thủy lợi đã tổ chức đấu thầu gồm 5 đơn vị tham gia là: Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Công ty Thành An, Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 1 (Hà Nội), Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 (TP Hồ Chí Minh) và Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5. Việc đấu thầu này có thể cho thấy có sự thông đồng, nhưng đến nay chưa tìm được dấu hiệu sắp xếp giữa 5 đơn vị tham gia dự thầu.

- Trong giai đoạn thi công: Hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra đang trưng cầu thẩm định chất lượng các hạng mục để có kết quả thẩm định chính xác. Sơ bộ có một số sai phạm như: Có một số khối lượng công việc các nhà thầu đã thực hiện theo biên bản xử lý kỹ thuật tại hiện trường, nhưng bên A không lập lại thiết kế dự toán để xin phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Gói thầu 4B do Công ty 520 thi công (được Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 ủy quyền) đã tự ý thay đổi chiều dài cọc (ngắn hơn) và sai kết cấu thép của cọc (tiết diện thép nhỏ hơn) so với thiết kế được duyệt. Gói thầu này chưa được nghiệm thu và chuyển tiền thanh toán, nhưng đã có hành vi cố ý làm sai so với thiết kế được duyệt (nhà thầu đã đóng xong 173/183 cọc).

 

3. Hướng xử lý sắp đến:

 

Trước mùa mưa lũ 2005 (tháng 8/2005), công trình Chỉnh trị cửa sông Đà Nông đã dừng thi công để tiến hành kiểm tra, sau đó chuyển cơ quan điều tra. Công trình tuy chưa thi công hoàn chỉnh, các phần việc đều tạm dừng, khối lượng nhiều hạng mục đang dở dang, nhưng kể từ năm 2002 sau khi đã được thông cửa mới tại vị trí hiện nay công trình đã mang lại hiệu quả trên thực tế. Kể từ năm 2002 cửa sông Đà Nông không bị lấp như các năm trước (trước năm 2002 mỗi năm UBND tỉnh phải nạo vét cửa sông Đà Nông từ 2 đến 3 lần với chi phí bình quân khoảng 400 - 500 triệu đồng/lần). Công trình đã tiêu thoát lũ nhanh, tránh ngập lụt, cung cấp nước mặn thuận lợi hơn cho vùng nuôi tôm và đảm bảo được cho tàu thuyền ngư dân ra khơi thuận lợi phục vụ cho vùng dân sinh, kinh tế phía Nam của huyện Tuy Hòa (nay là huyện Đông Hòa).

 

Để tiếp tục thi công hoàn chỉnh công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp các ngành chức năng thực hiện các công việc sau:

 

- Đối với các hạng mục mà chất lượng thiết kế và thi công (phần đã làm) đảm bảo thì cho tiếp tục thi công hoàn chỉnh để nghiệm thu và thanh toán.

 

- Đối với các hạng mục mà chất lượng thiết kế được đánh giá chưa đảm bảo: UBND tỉnh đã cho tiến hành khảo sát bổ sung, yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra hồ sơ thiết kế, thuê tư vấn độc lập thẩm tra, trình UBND tỉnh phê duyệt thiết kế dự toán bổ sung để thi công đạt chất lượng.

 

- Đối với các hạng mục mà chất lượng thiết kế bảo đảm nhưng do các nhà thầu thi công chưa tốt thì phải yêu cầu thi công đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng mới nghiệm thu thanh toán. Khối lượng thi công sai với hồ sơ thiết kế được duyệt thì không nghiệm thu. Nếu nhà thầu bỏ cuộc phải xử phạt hợp đồng và chấm dứt hợp đồng, sau đó lập thủ tục đấu thầu mới cho khối lượng còn lại.

 

- Về xử lý một số sai phạm được phát hiện qua kiểm tra, điều tra: hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh đang trưng cầu giám định về chất lượng của các gói thầu để có kết luận cụ thể. Sau khi có kết quả giám định, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý kiên quyết nhằm sớm hoàn thành công trình đáp ứng các mục tiêu đầu tư đã được phê duyệt.

 

Các nội dung công việc nêu trên phấn đấu thực hiện xong trong vòng 7-8 tháng (kể từ khi cơ quan cảnh sát điều tra có kết luận thẩm định), cố gắng xong trước mùa mưa năm 2008 (trừ ảnh hưởng của yếu tố khách quan). Riêng mùa lũ năm 2007, sẽ cho kiểm tra gia cố một số hạng mục, không để lũ lụt gây tổn thất lớn.

 

III. Về đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp:

 

1. Về xử lý một số tồn tại KCN Hoà Hiệp I:

 

 - Dự án Khu công nghiệp Hòa Hiệp I được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt với tổng diện tích 101,5 ha, tổng mức đầu tư 68,2 tỷ đồng. Trong thời gian thực hiện có sự thay đổi lớn về giá vật tư, đơn giá nhân công nên cần bổ sung để phù hợp. Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư là 99,5 tỷ đồng, gồm 33 hạng mục, trong đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng 24 hạng mục; 07 hạng mục đang thi công; 02 hạng mục chưa đầu tư.

 

- Về xử lý một số tồn tại của BQL các khu công nghiệp theo ý kiến của HĐND tỉnh: UBND tỉnh đã thành lập Đoàn thanh tra để làm rõ các nội dung về đầu tư xây dựng của dự án KCN Hòa Hiệp. Đoàn Thanh tra đã báo cáo kết quả thanh tra cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã báo cáo và xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Đoàn Thanh tra tiếp tục làm rõ một số sai phạm, thiếu sót và chủ yếu là làm rõ phần trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót sai phạm. Theo báo cáo của đồng chí Trưởng Đoàn thanh tra là cuối tháng 7/2007 xong và sang tháng 8/2007  Đoàn báo cáo cho UBND tỉnh nghe, xem xét, và báo cáo cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo xử lý.

 

2. Các dự án hạ tầng thuộc các khu công nghiệp tỉnh: 

 

Tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 của 3 khu công nghiệp hiện có vào cuối năm 2008. Việc mở rộng 3 khu công nghiệp nêu trên thực hiện theo cơ chế nhà đầu tư bỏ vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức khai thác. Rà soát và có biện pháp xử lý đối với việc sử dụng đất tại các KCN của nhà đầu tư để xử lý theo qui định đối với những dự án không triển khai hoặc triển khai không hết diện tích đã đăng ký. Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào các KCN đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư.

 

IV. Dự án hạ tầng đô thị Nam Tuy Hoà- Vũng Rô:  

 

1. Tóm tắt dự án:

 

-  Đây là một dự án lớn của tỉnh, xuyên suốt tuyến ven biển từ Nam Đà Rằng đến Vũng Rô. Mục tiêu xây dựng dự án này là nhằm phục vụ  phát triển kinh tế - xã hội cho khu kinh tế nam Phú Yên; Tạo quỹ đất để huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, nhằm tạo một trục giao thông động lực nối trung tâm hành chính tỉnh với các khu công nghiệp và đầu mối giao thông chính; mở rộng đô thị về phía Nam thị xã để nâng thị xã lên thành phố thuộc tỉnh; củng cố quốc phòng tuyến dọc biển.

 

- Quy mô dự án gồm: Giao thông toàn tuyến; kè bảo vệ bờ nam Sông Ba; kết cấu hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị mới. Được phân chia thành các dự án thành phần như sau:

 

Dự án1: Bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch đô thị Tuy Hoà và hoàn chỉnh quy hoạch dọc tuyến (Sở Xây dựng làm chủ dự án);

 

Dự án 2: Giao thông toàn tuyến. Tổng chiều dài toàn tuyến 36,5 km có 2 cầu lớn là cầu Hùng Vương và cầu Đà Nông được chia thành 6 tiểu dự án. Sở Giao thông Vận tải làm chủ dự án các tiểu dự án 1 đến các tiểu dự án 5; Ban quản lý các công trình trọng điểm Tỉnh làm chủ đầu tư tiểu dự án 6;

 

Dự án 3: Kè bờ Nam sông Ba. Dự án có nhiệm vụ: chống xói lở, chống lụt cho thị trấn Phú Lâm (nay là phường Phú Lâm) và san nền khu đô thị mới    ( Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ dự án).

 

Dự án 4: Hạ tầng Khu đô thị mới Nam Tuy Hoà. Tổng diện tích 394,06 ha (Ban Quản lý công trình trọng điểm tỉnh làm chủ đầu tư).

 

Dự án 5: Đền bù, giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án, UBND huyện Tuy Hoà làm chủ dự án (nay là UBND huyện Đông Hoà và Thành phố Tuy Hoà).

 

- Tổng mức đầu tư dự kiến 1.290 tỷ đồng (thời giá 2004), sử dụng nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất ở của Khu đô thị mới Nam Tuy Hoà và Chính phủ hổ trợ từ ngân sách Trung ương 60 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng và tiến hành đền bù, giải toả, rà phá bom mìn.

 

2.  Về phương án tài chính để thực hiện dự án:

 

Theo dự án đã được phê duyệt, quy mô khu đô thị mới được tạm xác định là 350 ha, quỹ đất ở (đất khu dân cư) dự kiến sẽ đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất để huy động vốn cho đầu tư được xác định là 140 ha (theo tiêu chuẩn quy hoạch đô thị, quỹ đất ở cho dân cư chiếm tỷ lệ 40-45%, trong dự án này lấy tỷ lệ 40%). Vào thời điểm lập dự án (năm 2004), thị trường đất đang rất sôi động, giá cả tăng cao, giá đất ở khu đô thị Nam được tính toán trong dự án với mức 1 triệu đồng/m2 (ở thời điểm này giá đất ở đường Hùng Vương đưa ra đấu giá đạt trên 2 triệu đồng/ m2). Như vậy tổng số tiền thu được cộng với 60 tỷ đồng được hổ trợ từ Trung ương sẽ đủ để thực hiện toàn bộ dự án.

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại công văn 4020/VPCP-ĐP ngày 05/8/2004) để xây dựng thị xã Tuy Hoà thành đô thị có kiến trúc đẹp, hiện đại, cần phải làm tốt quy hoạch, nếu cần có thể thuê tư vấn nước ngoài. Tỉnh Phú Yên đã hợp đồng với tư vấn Singarpore thực hiện quy hoạch khu đô thị Nam. Với kết quả báo cáo của tư vấn, đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 có cơ cấu sử dụng đất như sau:

 

- Đất thương mại: 40,65 ha;

 

- Khách sạn: 9,81 ha;

 

- Giáo dục: 6,47 ha;

 

- Đất dân cư: 66,38 ha;

 

- Sử dụng hỗn hợp: 37,09 ha;

 

- Công viên và vườn hoa : 79,63 ha;

 

- Đất dân sự và cộng đồng: 20,06 ha;

 

- Đường và khoảng đệm xanh: 94,91 ha;

 

- Khu vực đất xanh để dành: 31,00 ha.

 

Theo đó quỹ đất dự kiến đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất như đồ án quy hoạch này chỉ còn 66,38 ha. Mặc khác, từ năm 2005 đến nay, thị trường đất không còn sôi động, giá cả hạ, thực tế huy động từ quỹ đất để đưa vào đầu tư của tỉnh từ năm 2005 đến nay liên tục bị giảm sút. Khả năng huy động vốn từ khu đô thị mới Nam Tuy Hoà không đủ để đầu tư toàn bộ dự án Hạ tầng đô thị Nam Tuy Hoà- Vũng Rô.

 

3. Hướng xử lý theo nhận thức vận hội mới luôn gắn với thách thức, do đó phải biến thách thức thành vận hội cho phát triển bền vững. 

 

Như ở trên đã nói, mục tiêu lớn nhất của dự án hạ tầng đô thị Nam Tuy Hoà-Vũng Rô là để hình thành kết cấu hạ tầng cho khu kinh tế Nam Phú Yên (đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho lập Đề án quy hoạch phát triển khu kinh tế Phú Yên). Đề án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương. Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư với các dự án có quy mô lớn đã có thủ tục đăng ký với UBND tỉnh đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên như: Dự án Nhà máy lọc dầu 4 triệu tấn/ năm, tổng mức đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD của Liên danh Công ty Technostar và Telloil; Công ty SP chemical, Singarpore đầu tư 2 dự án: Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hoá dầu 1.300 ha xây dựng đê chắn sóng làm cảng chuyên dùng với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu 700 triệu USD và Dự án Nhà máy hoá dầu 2 triệu tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD; ở giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư là 11 tỷ USD; dự kiến đóng góp cho ngân sách tỉnh giai đoạn 1 là 100 triệu USD/năm và giai đoạn 2 là 01 tỷ USD/năm; giải quyết việc làm từ 15.000-20.000 người.

 

Việc Tỉnh ta được Thủ tướng Chính phủ cho phép lập Đề án quy hoạch phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên bước đầu đã thu hút được hai nhà đầu tư lớn vào đây, tuy nhiên việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng (trước tiên là trục giao thông nối liền trung tâm hành chính tỉnh đến cảng Vũng Rô) và Khu kinh tế được chính thức thành lập mới là điều kiện tốt nhất để thu hút được nhiều nhà đầu tư vào đầu tư.

 

Để giải quyết vấn đề tài chính cho dự án hạ tầng đô thị Nam Tuy Hoà- Vũng Rô (theo dự kiến ban đầu nay bị hụt), UBND tỉnh báo cáo cho HĐND tỉnh về hướng xử lý như sau:

 

- Một là: Tiếp tục vận động các Bộ, ngành Trung ương ủng hộ tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu kinh tế Nam Phú Yên vào thời điểm trước năm 2010. Khi Khu kinh tế được chính thức thành lập sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước, chẳng những ưu đãi nhà đầu tư mà tỉnh cũng sẽ được hưởng chính sách đầu tư hạ tầng Khu kinh tế từ nguồn vốn ngân sách hổ trợ của Trung ương.

 

- Hai là: Kiến nghị HĐND tỉnh trong kỳ họp thứ 9 này đồng ý cho phép UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quy chế huy động vốn từ quỹ đất của khu đô thị mới để đưa vào đầu tư ngay trong quá trình xây dựng không chỉ đối với quỹ đất ở (Đất dân cư: 66,38 ha) mà cho phép huy động vốn đối với các loại đất khác như: Đất thương mại (40,65 ha), Đất Khách sạn (9,81 ha), Đất dân sự và cộng đồng (20,06 ha)…Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký với UBND tỉnh sẽ bỏ vốn đầu tư hạ tầng với phương thức thanh toán bằng tiền (tối đa 40%) và phần còn lại bằng quỹ đất (UBND tỉnh giao cho sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính, sở Tài nguyên MT tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ biên soạn Quy chế và có tham khảo ý kiến của Bộ chủ quản để xây dựng quy chế).

 

- Ba là: Hàng năm, ngân sách tỉnh bố trí bổ sung khi có các khoản vượt thu của ngân sách Tỉnh.

- Bốn là:  UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành chức năng đẻ sớm được hổ trợ vốn đầu tư cầu Hùng Vương (Tại văn bản số 43/VPCP ngày 4/1/2007 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hổ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư cầu Hùng Vương).

 

Theo ý kiến của đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (vào thăm Phú Yên năm 2006) và làm việc đồng chí Bộ trưởng  Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ trưởng Bộ Tài chính đều đề nghị Phú Yên phải làm cho có công trình, dự án được khai thác thì Bộ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ hoàn toàn vấn đề vốn theo tinh thần hỗ trợ tối đa ( vấn đề này nhiều tỉnh đã làm, không ngại gì cả).

 

Quyết tâm của tỉnh là phấn đấu đến cuối năm 2009 và đầu năm 2010 sẽ khai thác quỹ đất và hạ tầng khu đô thị Nam thành phố Tuy Hoà, khai thác theo từng phân khu chức năng không chờ hoàn chỉnh toàn bộ dự án.

 

Trên đây là ý kiến giải trình của Chủ tịch UBND tỉnh về những vấn đề liên quan đến chỉ đạo, điều hành một số công trình quan trọng của tỉnh. UBND tỉnh sẽ có giải pháp tích cực điều hành, đẩy nhanh tiến độ gắn với đảm bảo chất lượng công trình và tập trung chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành các dự án quan trọng đúng thời gian, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. 

____________________

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek