Không chỉ làm tròn nhiệm vụ trưởng thôn, ông Hồ Văn Thuân ở thôn Tân An, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) còn là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, giúp đỡ cho nhiều người dân trong thôn có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Ông Hồ Văn Thuân - Ảnh: T.HIẾU |
Cuộc sống gia đình quá khó khăn, năm 1989, sau khi tốt nghiệp lớp 12, ông Hồ Văn Thuân phải nghỉ học, rời quê hương Hà Tĩnh theo người thân vào Đồng Nai làm thuê kiếm sống. Trong gần 10 năm ở Đồng Nai, vì không có tiền mua đất canh tác nên ông phải đi làm thuê cho các chủ vườn. Ông Thuân kể: “Cơ duyên đưa tôi đến với xã Ea Bar này trong một lần tình cờ xem được bản tin Nhà nước mở đường đi từ Sông Hinh lên Đắk Lắk trên truyền hình. Xem xong, hôm sau tôi đón xe đò tìm về Ea Bar để khảo sát thì thấy ở đây đất đai rộng lớn, khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi trồng các loại cây công nghiệp. Thế là tôi quyết luôn, mang hết tiền dành dụm được lâu nay mua 3ha đất, đầu tư trồng cà phê và đưa cả gia đình về sinh sống từ năm 1998 đến nay. Để có thêm thu nhập, bên cạnh trồng cà phê, tôi còn khai hoang đất để trồng sắn, mía”.
Đến nay, vợ chồng ông Thuân sở hữu 9ha cao su, 300 gốc tiêu, 2ha sắn, 3ha keo lá tràm, bạch đàn, mỗi năm lợi nhuận được từ 300-500 triệu đồng. Ông Thuân khoe: “Nhờ nguồn thu từ các loại cây trồng, tôi xây dựng căn nhà gần 1 tỉ đồng, năm 2014, mua thêm một 1ha cao su của người dân bán lại với giá 300 triệu đồng và mua một chiếc ô tô gần 500 triệu đồng để đi lại. Ngoài ra, vợ chồng còn có điều kiện cho các con ăn học, hiện đứa lớn đã tốt nghiệp Trường đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh và đi làm, còn đứa nhỏ đang học lớp 10”.
Khi kinh tế gia đình ổn định, vợ chồng ông Thuân quay lại giúp đỡ cho nhiều người dân trong thôn có điều kiện làm ăn để thoát nghèo như cho mượn đất canh tác, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ phân bón… Gia đình ông Dương Văn Hà ở cùng thôn là một trường hợp như vậy. Hơn 3 năm về trước, hộ ông Hà thuộc diện khó khăn của địa phương, nhờ ông Thuân cho mượn 1ha đất trồng sắn mà đến nay đã thoát nghèo. Ông Hà nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của ông Thuân, đến nay nhà tôi chắc chưa thoát khỏi cảnh thiếu ăn. Hiện tôi đã mua được 1,5ha đất để trồng mía. Có được cuộc sống như ngày hôm nay, gia đình tôi rất biết ơn vợ chồng ông Thuân”. Còn Y Sét quê ở Đắk Lắk, dẫn gia đình xuống Ea Bar để làm thuê kiếm sống. Thấy cuộc sống hai vợ chồng Y Sét quá thắt ngặt, ông Thuân nhận vào cạo mủ cao su rồi cho mượn 5 sào ruộng để canh tác cải thiện cuộc sống. Nhờ vậy đến nay, kinh tế nhà Y Sét đã ổn định.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bar Hoàng Đình Chiến, thôn Tân An có 7 dân tộc thiểu số sinh sống và cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Nhờ ông Thuân đứng ra hướng dẫn cho các hộ làm thủ tục mà nhiều người đã tiếp cận được các nguồn vốn vay để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Có hộ được ông Thuân hướng dẫn cách trồng cây công nghiệp, nhờ đó đã thoát nghèo bền vững. Đến nay, thôn Tân An chỉ còn 90 hộ nghèo, giảm 106 hộ so với năm ngoái. Những hộ nghèo trên đa phần là người già neo đơn, bệnh tật nên không thể lao động được.
“Năm 2014, ông Hồ Văn Thuân được Hội Nông dân tỉnh tuyên dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Trước đó, năm 2007, gia đình ông Thuân được Bộ trưởng VH-TT-DL tặng bằng khen gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc”, ông Hoàng Đình Chiến cho biết.
NGUYỄN CHƯƠNG