Ban Tổ chức Giải thưởng KOVA vừa thông báo Trường đại học Phú Yên có hai sinh viên đạt giải thưởng này tại hạng mục Nghị lực. Đó là Nguyễn Thị Bích Diễm (Khoa Khoa học tự nhiên) và Nguyễn Thị Nguyệt (Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non).
Nguyễn Thị Bích Diễm và Nguyễn Thị Nguyệt trao đổi trong học tập - Ảnh: T.HẰNG |
Năm 2012, Nguyễn Thị Bích Diễm trúng tuyển vào ngành Sư phạm Toán Trường đại học Phú Yên. Từ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, cô sinh viên có vóc người nhỏ nhắn, ưa nhìn này khăn gói vào Tuy Hòa nhập học với số tiền chưa đến 2 triệu đồng. “Cha em bị bệnh tâm thần từ khi em còn rất nhỏ, một mình mẹ phải lo cho cả nhà bốn miệng ăn nên cuộc sống gia đình em rất khó khăn. Lần đầu tiên đến Tuy Hòa em rất lo, nhưng may mắn là khi vừa đến trường em gặp các chị đồng hương đang học tại đây nên được các chị cho ở chung”, Diễm nhớ lại.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay từ những ngày đầu nhập học, Diễm xin làm thêm tại các quán ăn, quán cà phê, sau đó thì đi làm gia sư với mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng. “Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, thời gian biểu một ngày của em hầu như đặc kín. Sáng lên giảng đường học tập, chiều tranh thủ qua thư viện tham khảo tài liệu hoặc trao đổi phương pháp học với các bạn, tối thì làm gia sư vừa để kiếm tiền trang trải cuộc sống vừa để rèn luyện nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân”, Diễm thổ lộ.
Vất vả là vậy, nhưng điểm trung bình 5 học kỳ vừa qua của Diễm đạt 9.16. Nói về thành tích học tập của mình, Diễm cho rằng có lẽ vì sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em tự nhủ mình cần phải cố gắng, nỗ lực thật nhiều. Em tin rằng mọi ước mơ đều có thể đạt được nếu mình có niềm tin, nghị lực và không ngừng cố gắng vươn lên.
Mơ ước được học ngành Kế toán nên ngay từ đầu, Nguyễn Thị Nguyệt thi đậu vào một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng sau khi xét thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn vì ba bị tàn tật, nhà lại có bốn anh chị em nên Nguyệt chuyển sang đăng ký xét tuyển vào ngành Giáo dục tiểu học Trường đại học Phú Yên. “Lúc đầu, em chỉ nghĩ học sư phạm cho mẹ đỡ tốn tiền chứ thật sự không yêu thích ngành học này. Tuy nhiên, sau 3 năm theo học ngành “gõ đầu trẻ” em thật sự thấy mình hợp với nghề giáo quá chừng. Mỗi ngành nghề đều có sự thú vị riêng, quan trọng là mình biết khai thác thế mạnh của bản thân, học và ứng dụng những điều mình học được thật hiệu quả”, cô sinh viên quê ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, này chia sẻ.
Tương tự Diễm, ngoài giờ học Nguyệt cũng đi làm gia sư với mức thu nhập 700.000 đồng/tháng. Công việc bận rộn nhưng em biết sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng đến học tập. Nguyệt luôn xác định phải hoàn thành tốt các môn học; các kỳ kiểm tra, kỳ thi. Đối với Nguyệt, sinh viên đi làm thêm không chỉ có thu nhập, giúp gia đình giảm bớt chi phí học tập, mà còn giúp em tự trau dồi, hoàn thiện rất nhiều những kỹ năng cần thiết để sau khi ra trường giảng dạy tốt hơn.
Chia tay Diễm và Nguyệt, tôi nhớ mãi nụ cười lạc quan của hai nữ sinh viên giàu nghị lực này, khi các em bảo: Tụi em phải cố gắng học giỏi, trước tích lũy kiến thức cho bản thân, sau còn “săn” học bổng để trang trải việc học. Những năm qua, tụi em đã nhận được nhiều học bổng nhưng chỉ ở cấp trường, còn lần này - Giải thưởng KOVA lại mang tính toàn quốc nên chúng em rất vui. Đây là động lực để chúng em tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong học tập.
MẠNH THÚY