Sắp kết thúc hai năm là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (2014-2016), Việt Nam đã và đang đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào công cuộc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người.
Nhân ngày Nhân quyền Thế giới 10/12, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao. Sau đây là nội dung phỏng vấn:
* Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Ông cho biết những đóng góp của Việt Nam vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người?
- Có thể nói, Việt Nam chào đón ngày 10/12 năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi Quốc hội Việt Nam khóa 13 vừa qua thông qua một loạt các bộ luật, luật liên quan trực tiếp đến quyền con người. Liên quan đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sắp kết thúc nhiệm kỳ hai năm là thành viên với những đóng góp rất đáng kể.
Ngay từ đầu chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, xây dựng Đề án tổng thể, nêu rõ chủ trương, mục đích, lộ trình tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Chúng ta đã có những đóng góp thực chất trong các phát biểu tham luận tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng như trong các cơ chế riêng biệt và trên tất cả các vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm.
Trước đây tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với tư cách quan sát viên, một năm chúng ta tham gia với 40-50 phát biểu. Từ khi trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, chúng ta tham gia tham luận tại Hội đồng Nhân quyền không dưới 100 phát biểu trong vòng một năm, tham gia phát biểu tại các diễn đàn quốc tế với tỉ lệ cao.
Trong quá trình thảo luận, chúng ta đóng góp vào những vấn đề cải thiện quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa, phát triển, quyền về việc làm, xóa đói giảm nghèo...
Những tham gia đó thể hiện sự tích cực, thực chất và được quốc tế quan tâm. Một mặt đề cao nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người đã đạt được trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, chúng ta còn tham gia thương lượng và tham vấn về nội dung các nghị quyết mà Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua nhằm bảo vệ lợi ích, quan điểm của Việt Nam về quyền con người cũng như đóng góp vào các nội dung tiến bộ phù hợp với các nước đang phát triển trong việc đảm bảo quyền con người.
Qua các đóng góp đó, cộng đồng quốc tế thấy rõ được sự tham gia của Việt Nam là có trách nhiệm, tích cực và xây dựng vào những vấn đề quốc tế quan tâm. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XI, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết 28 của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Mặc dù tình hình thế giới và tại Hội đồng Nhân quyền diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam đã đảm nhận tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, đặc biệt đã bảo vệ được các nguyên tắc, quan điểm, thúc đẩy lợi ích của Việt Nam về quyền con người tại diễn đàn và góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sự tham gia tích cực, chủ động của Việt Nam được các nước ghi nhận và đánh giá cao, qua đó thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác.
* Ông đánh giá như thế nào về việc cụ thể hóa quyền con người trong hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam thời gian gần đây?
- Ở Việt Nam quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp và được pháp luật bảo vệ. Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, tiếp tục kế thừa và phát triển các chế định quyền con người, quyền công dân, đồng thời phù hợp với nội dung, tinh thần các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Có thể thấy lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quyền con người, được thừa nhận là quyền tự nhiên, vốn có mà Nhà nước ghi nhận và bảo đảm thực hiện.
Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người ở Việt Nam cũng đã được triển khai đồng bộ và xuyên suốt thông qua các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và các chính sách, cơ chế nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền công dân.
Nhiều đạo luật quan trọng đã được ban hành và sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người ở Việt Nam.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua hoặc sửa đổi nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người như Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Quốc tịch, Luật quản lý tạm giam tạm giữ, Luật Trưng cầu ý dân...
* Theo ông, những thành tựu nổi bật trong việc triển khai thực hiện nhân quyền ở Việt Nam thời gian qua là gì?
- Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, trong đó nổi bật là người dân có mức sống ngày càng tăng và ngày càng được hưởng nhiều quyền và tự do hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử.
Trên thực tế, các thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội và việc tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế đã tạo ra các điều kiện vật chất và nguồn lực để Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người.
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu và Chính phủ thắt chặt và cắt giảm mạnh chi tiêu công, Việt Nam vẫn coi việc đảm bảo an sinh xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Ngân sách Nhà nước dành cho các chương trình an sinh xã hội không bị cắt giảm, thậm chí còn tăng trong nhiều lĩnh vực, nhất là đối với các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.
Tháng 11/2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật. Như vậy, Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước quốc tế chủ chốt của Liên Hợp Quốc về quyền con người.
Nỗ lực gia nhập ngày càng nhiều các công ước quốc tế về quyền con người thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người theo các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.
Việt Nam được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận đã đạt và vượt trước thời hạn 6/8 Mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển và hoàn thành các mục tiêu còn lại đúng hạn.
Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vào việc xây dựng và thông qua Chương trình nghị sự đến năm 2030, đồng thời cam kết thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các Mục tiêu phát triển bền vững.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Theo TTXVN/Vietnam+