Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành KH-ĐT (31/12/1945-31/12/2015), Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, về những đóng góp của ngành KH-ĐT Phú Yên đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đồng chí Huỳnh Tấn Việt nhấn mạnh:
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt - Ảnh: V.TOÀN |
Ngành KH-ĐT Phú Yên được thành lập năm 1975, ngay sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Qua 40 năm hình thành và phát triển, ngành KH-ĐT Phú Yên đã có bước trưởng thành vượt bậc và đóng góp quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong thời kỳ Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh, ngành KH-ĐT đã chủ động, sáng tạo tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và điều hành các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, huy động nguồn lực, nhất là đã phối hợp tham mưu tập trung khai thác tiềm năng để đầu tư phát triển, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa kinh tế - xã hội tỉnh vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu sau chiến tranh.
Đặc biệt, từ ngày tái lập tỉnh (1/7/1989) đến nay, mặc dù kinh tế - xã hội của tỉnh đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhất là xuất phát điểm của chúng ta thấp, công nghiệp, dịch vụ có quy mô nhỏ lẻ, nông nghiệp tuy chiếm tỉ trọng lớn nhưng không có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách, kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật hầu như chưa có gì, đời sống của nhân dân, nhất là ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn... Trong bối cảnh đó, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực, cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các mặt. Đáng chú ý, trong 10 năm trở lại đây, nền kinh tế tỉnh liên tục phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%/năm, thu ngân sách năm 2015 ước đạt 2.800 tỉ đồng, tăng bình quân 17,2%/năm (giai đoạn 2010-2015). GRDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đáng kể, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở y tế... đã bao phủ rộng khắp. Đến năm 2010, tỉnh ta cơ bản thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo...
Trong những thành tựu chung của tỉnh trên đây, ngành KH-ĐT có đóng góp rất quan trọng, nhất là trong việc thực hiện chức năng là cơ quan tổng hợp, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện và đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; thu hút, quản lý, phân bổ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ sự phát triển chung của tỉnh.
* Theo đồng chí, hiện nay, ngành KH-ĐT Phú Yên cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020?
- Đất nước ta đã và đang trong quá trình đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, với nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và toàn dân, nhưng trong đó, vai trò của các cơ quan tham mưu tổng hợp, đặc biệt là ngành KH-ĐT là rất lớn. Là cơ quan tham mưu tổng hợp về kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, ngành KH-ĐT cần tập trung nâng cao năng lực phân tích, dự báo tình hình; đổi mới tư duy, phương pháp nghiên cứu; nâng cao tầm nhìn trong tham mưu, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm và hàng năm, đảm bảo tính khả thi và tạo sự đột phá trong phát triển. Ngành cũng cần nâng cao chất lượng công tác thẩm định, nhất là việc thẩm định các đề án, dự án đầu tư, để thu hút được những nhà đầu tư lớn, có năng lực, kinh nghiệm, thực sự mong muốn đầu tư vào tỉnh. Đồng thời tiếp tục rà soát các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) cùng đoàn công tác nghe đại diện nhà đầu tư báo cáo về dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô - Ảnh: H.THỦY |
Bên cạnh đó, ngành KH-ĐT Phú Yên cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá việc triển khai các công trình, dự án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng; chủ động xử lý và tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm các quy định về đầu tư, nhất là việc chậm triển khai dự án. Ngoài ra, ngành cần quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời và quyết liệt các chủ trương và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Chủ động, năng động, sáng tạo trong việc nghiên cứu tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh cơ chế, chính sách kinh tế hợp lý, hiệu quả nhằm thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực đầu tư vào tỉnh; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức nhằm phấn đấu vì mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, ngành chú trọng tham mưu, đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI).
Đặc biệt, ngành KH-ĐT phải quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành có trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực công tác và tâm huyết với công việc.
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt (bìa phải) giao lưu với nhà đầu tư nước ngoài tại Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT |
* Lãnh đạo tỉnh sẽ làm gì để hỗ trợ ngành KH-ĐT thực hiện những nhiệm vụ trên, thưa đồng chí?
- Trong quá trình lãnh đạo hoạt động chung của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ theo dõi sát sao để kịp thời hỗ trợ ngành KH-ĐT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngành KH-ĐT trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, trách nhiệm của ngành là phải chủ động phát hiện, tham mưu, đề xuất các nội dung, vấn đề liên quan, cả về cơ chế, chính sách và nguồn nhân lực. Sắp tới đây, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh sẽ tổ chức làm việc với lãnh đạo chủ chốt Sở KH-ĐT để nghe và cho ý kiến về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong giai đoạn 2016-2020. Trách nhiệm của sở là phải nghiên cứu đề xuất lãnh đạo tỉnh các giải pháp trọng tâm, căn cơ để lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Trước mắt, trong năm 2016, sở phải tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực lớn đầu tư vào tỉnh; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp, kinh tế tập thể trên địa bàn, tạo sự đột phá trong việc thu hút nguồn lực, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Để có sự thay đổi tốt, thì rất cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo của toàn hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp của ngành KH-ĐT. Tôi tin tưởng sâu sắc và trao gửi niềm tin vào sự cố gắng đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức của ngành KH-ĐT sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đột phá, tham mưu xây dựng, điều hành hiệu quả kế hoạch phát triển của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Tấn Việt |
LÊ HẢO (thực hiện)