Sáng 4/12, tại Hà Hội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Xây dựng lòng tin ở châu Á”. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada, Phó chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Phạm Văn Đức, cùng nhiều chuyên gia, học giả nổi tiếng trong và ngoài nước cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada cho rằng, thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa các quốc gia có vai trò quan trọng để đạt được hòa bình và thịnh vượng tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh tình hình đang có những diễn biến và thay đổi to lớn hiện nay, ASEAN cần tăng cường hơn nữa vai trò trung tâm của mình, thông qua các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa phương hiện có để thúc đẩy hợp tác thực chất, hướng tới xây dựng lòng tin giữa các quốc gia.
Đại sứ Hiroshi Fukada khẳng định, duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á và trên thế giới chính là tiền đề quan trọng cho sự phát triển, phồn vinh và thịnh vượng của các quốc gia. Phó chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Phạm Văn Đức cho biết, châu Á, trong đó có khu vực Đông Bắc Á đang giữ vị trí quan trọng trên bản đồ địa chính trị của thế giới, đồng thời cũng là trung tâm phát triển năng động hiện nay với nguồn tài nguyên phong phú, liên kết kinh tế nhanh chóng và tập trung nhiều tuyến đường vận tải huyết mạch trên biển… Tuy nhiên, môi trường an ninh khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức liên quan đến tư tưởng dân tộc, tôn giáo cực đoan, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và thiếu vắng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia…
Phó chủ tịch Phạm Văn Đức nhấn mạnh, hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà nghiên cứu thảo luận, đề xuất một tầm nhìn tương lai cùng với những giải pháp và bước đi thích hợp để các quốc gia châu Á xây dựng mối quan hệ hữu nghị, tin cậy lẫn nhau thông qua những cơ chế hợp tác bền vững trong bối cảnh đầy biến động của khu vực. Ông Phạm Văn Đức cho rằng, hội thảo sẽ giúp các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách tăng cường giao lưu và trao đổi nghiên cứu để thắt chặt quan hệ hợp tác giữa các bên, kiến nghị những giải pháp lựa chọn cũng như chính sách phù hợp nhất, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực.
Tại hội thảo, Giáo sư Nguyễn Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, trước bối cảnh tình hình đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các quốc gia trong khu vực cần thúc đẩy và tăng cường hơn nữa việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa các bên, trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu gồm: Hợp tác tuần tra chung giữa lực lượng hải quân, cảnh sát biển của các nước trong khu vực biển Đông; Giảm bớt các hoạt động quân sự đơn phương; Tăng cường khả năng hợp tác cùng phát triển trên một số lĩnh vực ít nhạy cảm; Thực hiện nghiêm túc quy định của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế và các thỏa thuận tại khu vực; Thành lập các trung tâm chia sẻ thông tin giữa các bên; Thành lập trung tâm kiểm soát an ninh hàng hải của khu vực…
Giáo sư Oba Mie của Trường Đại học Khoa học Tokyo cho rằng, cần phát huy hơn nữa hiệu quả của các cơ chế và diễn đàn đa phương tại khu vực như: Diễn đàn Biển ASEAN (AMF), Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… để thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa các bên tại khu vực. Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác, tăng cường liên kết trên các lĩnh vực an ninh, chính trị giữa các quốc gia ASEAN với các nước ngoài khu vực cũng là điều kiện căn bản để xây dựng lòng tin, đảm bảo an ninh tại khu vực.
Theo TTXVN