Trong tháng cuối của năm 2015, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn; triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ còn lại của năm 2015, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
Ảnh minh họa |
Đồng thời, chuẩn bị tốt việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Đây là nội dung tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa được Chính phủ ban hành.
Bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỉ giá
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỉ giá và thanh khoản của nền kinh tế, nhất là dịp cuối năm. Tích cực mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển đã được giao, nhất là các chương trình, dự án ODA và các dự án quan trọng, cấp bách.
Bên cạnh đó, khẩn trương chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2016 theo tinh thần lựa chọn một số mục tiêu, nhiệm vụ then chốt để quyết liệt tập trung chỉ đạo, điều hành có hiệu quả, tạo chuyển biến thực sự trong năm 2016.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp quản lý thu ngân sách nhà nước, thu hồi nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ; phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý, chống gian lận, trốn thuế; kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước năm 2015. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn để huy động tối đa nguồn vốn trong xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là dịp trước Tết Nguyên đán.
Cung ứng đầy đủ nguồn hàng phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; mở rộng thị trường, tập trung khai thác lợi thế xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; đồng thời, chú trọng phát triển thị trường trong nước. Chuẩn bị kế hoạch cung ứng đầy đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tích cực triển khai công tác chuẩn bị thực thi các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhất là việc rà soát, điều chỉnh luật pháp, chính sách, cải cách thủ tục hành chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển mạnh hình thức chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo dõi sát diễn biến thời tiết và chủ động phương án phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn...
Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương chỉ đạo, rà soát, xác định hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo mới. Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chính sách tạo việc làm và giảm nghèo bền vững, nhất là đối với người có công với cách mạng, đối tượng chính sách xã hội, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông
Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai các giải pháp giảm quá tải bệnh viện gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; khẩn trương thực hiện, bảo đảm tiến độ ứng dụng tin học hóa tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, phục vụ việc giám định, thanh toán bảo hiểm y tế. Chú trọng các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, nhất là dịch bệnh có khả năng lây lan cao, diễn biến phức tạp. Phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bộ Công an tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là dịp cuối năm. Thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Bộ TT-TT chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và những kết quả đã đạt được để tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường đoàn kết trong Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khẩn trương xây dựng định mức phân bổ vốn Chương trình giảm nghèo bền vững
Cũng tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tổ chức triển khai có hiệu quả các Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đặc biệt là Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định liên quan đến giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016, phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2016. Đồng thời, tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/1/2015 của Chính phủ, gửi Bộ KH-ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Các bộ chủ trì chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi các chương trình; rà soát 21 chương trình mục tiêu; loại bỏ các nội dung trùng lặp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 01/2016 để làm căn cứ tổng hợp Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Các bộ: NN-PTNT; LĐ-TB-XH; Ủy ban Dân tộc khẩn trương xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, bao gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững, trình Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 12/2015.
Các bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thiện việc trả lời bằng văn bản đối với các chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII theo phân công. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện.
Tập trung cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành
Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp; đẩy nhanh việc sắp xếp các nông lâm trường quốc doanh theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị.
Về thời gian phê duyệt quyết định đầu tư các dự án khởi công mới năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ cho phép các bộ, ngành, địa phương được bố trí vốn đầu tư kế hoạch năm 2016 cho các dự án khởi công mới có quyết định đầu tư đến ngày 31/3/2016; việc bố trí vốn cho các dự án khởi công mới được thực hiện theo thứ tự ưu tiên quy định tại Luật đầu tư công và Nghị quyết số 101/2015/QH13 ngày 14/11/2015 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.
Theo Chinhphu.vn