Tốt nghiệp nữ hộ sinh trung học vào năm 1996, không tìm được việc, chị Lê Thị Dung Thoa làm nội trợ cho gia đình. Mãi đến 12 năm sau, chị mới tham gia làm nhân viên y tế thôn bản (YTTB) thôn Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa). Tuy có phần “lận đận” với công việc, nhưng chị luôn tận tâm vì sức khỏe cộng đồng.
Chị Thoa nhớ lại: “Năm 2010, hai lần được mời tham gia xem mô hình Hội YTTB tại tỉnh Quảng Trị, nhưng tôi đều từ chối vì ngại tiếp xúc. Không hiểu sao mình nhút nhát vậy mà được mọi người bầu vào Ban Chấp hành Hội YTTB Phú Yên nhiệm kỳ 2011-2016”.
Nhận nhiệm vụ mà lòng chị không yên. Chị thường mặc cảm nghĩ rằng mình là nhân viên YTTB, một cấp bậc và trình độ chuyên môn thấp nhất trong ngành Y; tiếng nói, nhu cầu ít được quan tâm. Bây giờ giữ vai trò Phó chủ tịch Hội YTTB Phú Yên, chị phải đi làm việc, đối thoại với các lãnh đạo ban, ngành, tổ chức để triển khai các hoạt động của hội thì rất ngại. “Tôi còn nhớ lần đầu báo cáo tổng kết hội, trước mặt đông đảo đại biểu và các vị lãnh đạo, hai chân tôi run cầm cập, người đổ mồ hôi, môi run run”, chị Thoa kể.
Với trách nhiệm được giao, chị Thoa luôn trăn trở làm thế nào để hội ngày càng phát triển. Được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam hướng dẫn phương pháp xây dựng các kỹ năng và khả năng hoạt động, chị vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chị được tham gia vào nhóm hỗ trợ hướng dẫn đánh giá tổ chức, xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm cho Hội YTTB Phú Yên và có khả năng hỗ trợ các hội khác. Đây là điểm mốc quan trọng đối với chị, nhờ đó, chị cảm thấy tự tin hơn.
Rồi chị được tập huấn những kỹ năng truyền thông sáng tạo như ca hò vè, kịch tương tác, kịch bóng mờ, múa rối, cùng tham gia làm video, ảnh biết nói, tham vấn cho người dân tự tìm cách giải quyết vấn đề của mình. Chị Thoa cho biết: “Chúng tôi đã áp dụng ngay những phương pháp này vào các buổi truyền thông tại cộng đồng hay những sự kiện rất hiệu quả”.
“Có lần chúng tôi đến thôn Long Mỹ (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân) tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Sau khi thảo luận với người dân tại đây về các vấn đề chăm sóc sức khỏe, chúng tôi thống nhất chọn phương pháp cùng làm video. Người dân ở đây thấy cách làm lạ nên rất tò mò, và do ai cũng muốn được xem mình trên TV như thế nào nên nhiệt tình tham gia đóng vai, tự dàn dựng kịch bản theo câu chuyện có thật, sau đó nhập vai rất tốt. Khi chiếu video, người dân ở đây rất hào hứng, thảo luận sôi nổi về cách thức giải quyết vấn đề. Hay phương pháp truyền thông bằng “Ảnh biết nói” cũng được Hội YTTB áp dụng tại nhiều cộng đồng, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe”, chị Thoa nhớ lại.
Tham gia công việc này, chị Thoa không ngại khó, ngại khổ. Dù mưa to gió lớn hay đường xa, chị vẫn cùng các hội viên đến giúp các chi hội địa phương, giúp hội người cao tuổi thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông. Từ những bước chập chững ban đầu, chị Thoa ngày một vững vàng hơn trong công việc YTTB, qua đó làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng, cho nhiều đối tượng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh), thư ký Hội YTTB Phú Yên, nhận xét: “Chị Thoa luôn nhiệt tình, làm việc rất trách nhiệm. Về chuyên môn, chị ấy luôn có những sáng tạo, nắm vững phương pháp truyền thông cộng đồng để truyền đạt kiến thức chăm sóc sức khỏe một cách mạch lạc cho người khác. Nhờ có sự đóng góp của chị, mà trong những năm qua hoạt động của Hội YTTB ngày một khởi sắc”.
VŨ HOÀNG