Thứ Sáu, 15/11/2024 08:32 SA
Chú trọng "hậu" giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội
Thứ Hai, 16/11/2015 17:11 CH

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn tại hội trường - Ảnh: TTXVN

Ngày 16/11, tại phiên họp giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn, Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội.

 

Báo cáo nêu rõ, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tính đến giữa năm 2015, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao thông qua xem xét báo cáo chuyên đề và tổ chức hoạt động chất vấn tại 8 kỳ họp; ban hành 8 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 8 nghị quyết về chất vấn.

 

Để đánh giá rõ hơn, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn; thực hiện Nghị quyết số 74/2014/QH13, ngày 24/6/2014 về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao nội dung xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến năm 2015.

 

Mục đích hoạt động giám sát là đánh giá toàn bộ việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đối với các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015; tạo sự chuyển biến thực sự trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát; rút ra những bài học kinh nghiệm, đưa hoạt động xem xét việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát trở thành thường xuyên hơn trong hoạt động của Quốc hội.

 

Về cơ bản, các báo cáo của Chính phủ đã bám sát các nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, chỉ có một số báo cáo theo lĩnh vực có nội dung đáp ứng đúng yêu cầu đề cương đã gửi (các báo cáo thuộc lĩnh vực xây dựng, tài nguyên và môi trường, lao động, thương binh và xã hội, tư pháp).

 

Một số báo cáo đã bám sát đề cương nhưng còn thiếu phần báo cáo tổng hợp tình hình trả lời phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội (các báo cáo thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nội vụ, công an, thanh tra, dân tộc).

 

Một số báo cáo, phần tồn tại, hạn chế, nguyên nhân còn chưa thật rõ (các báo cáo thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải). Một số báo cáo còn chưa bám sát đề cương, chủ yếu nêu kết quả đạt được và biện pháp thực hiện trong thời gian tới, chưa nêu rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm liên quan (các báo cáo thuộc lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông).

 

Về hoàn thiện hệ thống pháp luật, các đạo luật được Quốc hội yêu cầu hoàn thiện đã được Chính phủ lên kế hoạch và thực hiện, trình dự thảo, tờ trình đúng tiến độ. Một số dự án luật đang trong quá trình chuẩn bị, trình Quốc hội, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều Nghị định, văn bản chỉ đạo phục vụ điều hành những công việc liên quan theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản pháp luật chưa được ban hành; nhiều văn bản hướng dẫn thi hành các luật còn ban hành chậm.

 

Chính phủ đã tích cực, khẩn trương, chủ động triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các yêu cầu được nêu tại các nghị quyết của Quốc hội; có những chương trình hành động riêng hoặc gắn kết với các nội dung trong các chương trình, đề án chung của Chính phủ khi triển khai các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.

 

Các bộ, ngành đã chủ động và nâng cao trách nhiệm, vừa cố gắng thực hiện nhiệm vụ chung theo chức năng, vừa tập trung chỉ đạo thực hiện các yêu cầu tại các nghị quyết, tạo sự chuyển biến khá rõ trong một số lĩnh vực, được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

 

Nhiều chỉ tiêu, công việc hoặc thời hạn mà Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu, như việc thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu có chuyển biến tích cực; đã ban hành một số chính sách hỗ trợ giá hợp lý cho các đối tượng chính sách; cơ cấu nợ Chính phủ có chuyển dịch tốt; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn bảo đảm trong giới hạn cho phép.

 

Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã từng bước hoàn thiện, bảo đảm tăng dần tổng mức đầu tư; việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đạt kết quả bước đầu tích cực. Công tác rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện đạt tiến độ và kết quả thiết thực.

 

Ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, chính sách để phát triển ngành giao thông vận tải khá toàn diện, có những chuyển biến rõ nét; hoàn thành các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên theo tiến độ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ bản đạt yêu cầu.

 

Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế sẽ đạt xấp xỉ 75% vào cuối năm 2015 và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo hiểm y tế. Hoàn thành rà soát quy hoạch tổng thể hạ tầng viễn thông. Việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đảm bảo theo kế hoạch. Công tác bảo đảm an ninh quốc gia; tăng cường pháp luật về phòng, chống tội phạm có chuyển biến tốt.

 

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu mà Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện nhưng còn chưa đạt được đầy đủ yêu cầu, như việc ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ; việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp; việc xử lý các cơ sở sản xuất, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài; việc giải quyết dứt điểm 528 vụ việc khiếu nại về đất đai phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tiến độ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục tiêu giảm số người chết do tai nạn giao thông; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế-xã hội; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; chế độ trợ cấp đối với đội ngũ giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên; chế độ phụ cấp đối với một số đối tượng giáo viên mầm non; việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.

 

Một số vấn đề đã được chất vấn hoặc giám sát chuyên đề nhưng trong thực tế chuyển biến còn chưa thật rõ nét, vẫn được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tại diễn đàn Quốc hội và cử tri quan tâm, cần sự chỉ đạo, điều hành chung, quyết liệt hơn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống tham nhũng; tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước...

 

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý các vấn đề liên quan chung còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện vấn đề để xử lý còn chưa kịp thời; một số cơ quan, đơn vị bộ máy thực thi công vụ còn hạn chế.

 

Báo cáo cho biết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã tham gia trả lời chất vấn trực tiếp các vị đại biểu Quốc hội tại 1 kỳ họp Quốc hội (kỳ họp thứ 6). Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao đã được chuẩn bị nghiêm túc, phản ánh khá đầy đủ các nội dung theo đề cương; đánh giá được kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII; đã chỉ ra được một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

 

Tuy nhiên, việc gửi báo cáo còn chậm, mới tập trung đánh giá về những kết quả đã đạt được; việc nêu và đánh giá về những tồn tại, hạn chế còn sơ lược, thiếu các thông tin, số liệu cụ thể; chưa đi sâu phân tích làm rõ thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải pháp mang tính đột phá để khắc phục.

 

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tham gia trả lời chất vấn trực tiếp các vị đại biểu Quốc hội tại 1 kỳ họp (kỳ họp thứ 5). Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã gửi báo cáo kịp thời, đúng tiến độ; số liệu cập nhật phù hợp, đầy đủ.

 

Nội dung báo cáo cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo đề cương, bám sát theo Nghị quyết số 52/ 2013/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn. Tuy nhiên, báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao còn chú trọng nêu thành tích, kết quả đạt được, phần tồn tại, hạn chế, nguyên nhân còn chưa thật rõ. Báo cáo đã nêu rõ các vấn đề đặt ra sau giám sát.

 

Sau khi kết thúc giám sát nội dung này, tại kỳ họp thứ 10, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện và hoàn thành các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề để đánh giá về việc thực hiện nghị quyết của các cơ quan chịu sự giám sát; đồng thời làm cơ sở để các cơ quan có liên quan tiếp tục triển khai, thực hiện các mục tiêu đề ra, Quốc hội khóa XIV có cơ sở để tiến hành giám sát về nội dung này.

 

Công tác hậu giám sát cần được tiếp tục triển khai để đảm bảo các nghị quyết của Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; đánh giá được sự chuyển biến như thế nào so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội.

 

Ngoài báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát, việc đánh giá cần dựa trên nhiều nguồn thông tin tin cậy khác (như báo cáo kiểm toán, kết luận thanh tra, niên giám thống kê, báo cáo giám sát có liên quan, báo cáo khác của chính cơ quan chịu sự giám sát, báo cáo của các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội khoa học…).

 

Nên giao cho một cơ quan làm đầu mối đôn đốc, chủ trì tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết sau giám sát để định kỳ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cần thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm cá nhân, công tác phối hợp hành động để thực hiện có hiệu quả hơn các nghị quyết của Quốc hội; chú trọng công tác ban hành văn bản pháp luật có liên quan quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật và phục vụ chỉ đạo, điều hành.

 

Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, cần ban hành kế hoạch triển khai, phân công thực hiện đối với từng nghị quyết, giao cơ quan chủ trì báo cáo, đầu mối phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Những vấn đề cần phối hợp nhiều cơ quan, cần có lãnh đạo cấp trên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện. Báo cáo thực hiện cần phân tích, đánh giá đầy đủ về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp, kèm theo số liệu minh họa.

 

Theo TTXVN, Vienam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek