Chiều 18/9, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đặng Thị Kim Chi đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật An toàn thông tin (sửa đổi) với sự tham dự của các ĐBQH và đại diện các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
Dự án Luật An toàn thông tin (sửa đổi) có 8 chương, 63 điều và các đại biểu cơ bản thống nhất như dự thảo. Nhiều đại biểu thống nhất cao là trong điều kiện bùng nổ internet, mạng xã hội… như hiện nay, việc sửa đổi luật này là rất cần thiết. Đại biểu đề nghị đổi tên thành Luật An toàn thông tin mạng cho phù hợp với nội dung dự thảo luật; nên quy định cụ thể hơn về việc bảo vệ thông tin cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân theo Hiến pháp, Bộ luật Dân sự… Về các hành vi bị nghiêm cấm quy định ở Điều 8 của luật, có đại biểu cho rằng chỉ mới đề cập đến hành vi vi phạm của các cá nhân mà chưa nói đến các tổ chức như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thông tin. Vì thế, cần bổ sung cho toàn diện hơn. Ở Điều 31 quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng, đại biểu đề nghị cần thay từ cá nhân bằng từ “công dân Việt Nam” vì việc ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng không phải là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân người nước ngoài vì xuất phát từ nguyên tắc quốc tịch…
Sáng cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo dự án bộ luật này. Đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung, từ ngữ để bổ sung, điều chỉnh cho bộ luật này sát thực tiễn, tránh vướng mắc khi ban hành thực hiện…
B.THẠCH - T.THẢO