Nhân dịp khai mạc Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 70, ngày 16/9, đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại New York đánh giá về kết quả hoạt động của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 69, những định hướng lớn trong hoạt động của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 70; những hoạt động, đóng góp của Việt Nam trong khóa họp 69 và ưu tiên của Việt Nam trong khóa họp mới.
Đánh giá về kết quả hoạt động của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 69, đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 69 đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong việc thực hiện những mục tiêu cao cả mà Hiến chương Liên Hợp Quốc đề ra là thúc đẩy hòa bình, an ninh thế giới, phát triển và tiến bộ xã hội và quyền con người.
Theo đại sứ Nguyễn Phương Nga, trong những tiến trình thương lượng, đàm phán trong năm qua, các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã đạt được những kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng như đạt được sự nhất trí về Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình Nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững”; Chương trình nghị sự phát triển mới với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể; Chương trình hành động Addis Ababa, tạo khuôn khổ mới về tài chính cho phát triển.
Bên cạnh các mục tiêu về phát triển, Liên Hợp Quốc cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới, ứng phó với các thách thức toàn cầu, cả truyền thống và phi truyền thống, như xử lý khủng hoảng ở Yemen, Syria, Trung Đông, châu Phi, ứng phó với bạo lực cực đoan, dịch bệnh Ebola, tiếp tục triển khai các hoạt động gìn giữ và kiến tạo hòa bình; những nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc và thúc đẩy tiến trình cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc theo hướng minh bạch, công khai, dân chủ và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết thế giới cũng đang đứng trước những thách thức rất to lớn như vẫn còn hơn 1 tỉ người sống trong nghèo đói, nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) chưa đạt kết quả như mong muốn. Các thách thức về đói nghèo, dịch bệnh, bất công xã hội, cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột, khủng hoảng, tình trạng bạo lực, bất ổn, căng thẳng gia tăng tại nhiều nơi đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Theo đại sứ Nguyễn Phương Nga, trong bối cảnh đó, trọng tâm lớn của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 70 là huy động mọi lực lượng và các thành phần xã hội tập trung thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và Chương trình nghị sự phát triển đến năm 2030, trong đó, mục tiêu trước mắt là đạt được một thoả thuận toàn cầu tham vọng với cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP21 tại Paris. Ngoài ra, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực hòa giải, gìn giữ và kiến tạo hòa bình để chấm dứt chiến tranh và xung đột, không chỉ ở Syria và khu vực lân cận; giải quyết khủng hoảng người tị nạn đang bùng nổ và diễn biến phức tạp; chống bạo lực cực đoan, thúc đẩy giải trừ quân bị, nhất là vũ khí hạt nhân, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, xây dựng pháp quyền và quản trị tốt; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, nhất là đối với những nhóm yếu thế như người già, trẻ em, người khuyết tật, thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đại Hội đồng và tiếp tục tiến trình cải tổ Hội đồng Bảo an để ứng phó được với các thách thức mới ngày càng phức tạp hơn.
Đánh giá về các hoạt động của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tích cực trên nhiều phương diện nhằm nâng cao vai trò của mình tại Liên Hợp Quốc và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã phát huy vai trò, tiếng nói của mình tại các diễn đàn của Liên Hợp Quốc trên các lĩnh vực hòa bình - an ninh, phát triển và quyền con người, luôn luôn bảo vệ và đề cao các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần vào các nỗ lực chung nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh thế giới và khu vực. Việt Nam đã cử các sĩ quan đầu tiên tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; tích cực tham gia vào các tiến trình đàm phán để thực hiện các trọng tâm ưu tiên của Liên Hợp Quốc, cụ thể là xây dựng Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030, chương trình hành động Addis Ababa, thiết lập được khuôn khổ tài chính toàn cầu mới cho phát triển.
Trong quá trình thương lượng, Việt Nam đã phối hợp với Nhóm G77, tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển, đề xuất nhiều nội dung quan trọng về chuyển giao công nghệ, hiệu quả của hợp tác quốc tế và ODA, tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc trong thực hiện phát triển bền vững.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh một trong những nội dung rất quan trọng mà Việt Nam cùng các nước thúc đẩy và được phản ánh trong văn kiện là vai trò của nghị viện trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đại Hội đồng liên nghị viện thế giới (IPU132) được tổ chức thành công tại Việt Nam với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: từ lời nói đến hành động” và Chương trình hành động Hà Nội là một đóng góp tích cực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Việt Nam là một trong những nước đi đầu thực hiện các MDG do Liên Hợp Quốc đề xướng, được coi là một trong những nước thí điểm thành công mô hình "Thống nhất hành động"; tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất với các cơ quan của Liên Hợp Quốc, huy động và khai thác hiệu quả hỗ trợ của Liên Hợp Quốc đối với công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, góp phần cải tiến phương thức hoạt động của Liên Hợp Quốc để đáp ứng được yêu cầu của các nước thành viên và tình hình mới. Điểm nổi bật đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Liên Hợp Quốc là thành công chuyến thăm Việt Nam của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tháng 5/2015 và chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Liên Hợp Quốc tháng 7/2015.
Ngoài ra, Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động để quảng bá hình ảnh của mình đến với bạn bè quốc tế, như triển lãm ảnh giới thiệu chính sách, thành tựu phát triển, thực hiện các MDG tại Việt Nam, phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu ẩm thực Việt Nam…
Đề cập tới trọng tâm của Việt Nam tại diễn đàn ngoại giao đa phương quan trọng nhất này trong thời gian tới, đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết trọng tâm đầu tiên của Việt Nam chính là cùng Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các SDG thông qua việc phổ biến, tuyên truyền, lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực thực hiện ở cấp khu vực và toàn cầu thông qua chia sẻ kinh nghiệm, triển khai các hình thức hợp tác Nam - Nam, hợp tác ba bên, tăng cường phối hợp với các tổ chức Liên Hợp Quốc, các nhà tài trợ; nỗ lực đóng góp vào quá trình thương lượng về biến đối khí hậu, nhất là tại Hội nghị COP 21, phấn đấu để đạt một thoả thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần ngăn chặn và ứng phó hiệu quả hơn với một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.
Theo đại sứ Nguyễn Phương Nga, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp và xuất phát từ chủ trương đối ngoại chung của mình, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò trong việc bảo vệ, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia; tích cực tham gia các nỗ lực cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cũng như của hệ thống phát triển Liên hợp quốc. Đại sứ cho biết Việt Nam đang tích cực vận động để được bầu làm thành viên Hội đồng kinh tế xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 (bầu cử sẽ tiến hành vào tháng 10 tới), đồng thời xúc tiến vận động để ứng cử thành công làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đồng thời, Việt Nam nỗ lực hoàn thành tốt trọng trách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Khai thác lợi thế của diễn đàn Liên Hợp Quốc, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh tập hợp 193 quốc gia trên thế giới, Việt Nam thúc đẩy phát triển quan hệ song phương với các nước thành viên Liên Hợp Quốc, thông qua các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, phối hợp lập trường trong những vấn đề cùng quan tâm; đóng góp tích cực hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Việt Nam đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị để từ năm 2016 có thể sẵn sàng cử bệnh viện dã chiến cấp 2 và đơn vị công binh, đồng thời tiếp tục cử các sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của mình.
Theo TTXVN/Vietnam+