Trưa 22/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia- Lào- Myanmar- Việt Nam lần thứ 7 và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady- Chao Phraya- Mekong lần thứ 6.
Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay quốc tế Nay Pyi Taw có Bộ trưởng Bộ Năng lượng Myanmar U Zay Yar Aung, đại diện Bộ Ngoại giao Myanmar, đại sứ Việt Nam tại Myanmar Phạm Thanh Dũng, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar…
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia- Lào- Myanmar- Việt Nam lần thứ 7 (CLMV 7) và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady- Chao Phraya- Mekong lần thứ 6 (ACMECS 6) nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, kết nối khu vực, bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao vị thế của Việt Nam, thể hiện vai trò dẫn dắt trong hợp tác Mekong và củng cố quan hệ với các nước trong khu vực cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Myanmar.
Thời gian qua, hợp tác Tiểu vùng Mekong diễn ra sôi động, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác lớn trong và ngoài khu vực. Hiện có hơn 10 cơ chế hợp tác Mekong đang hoạt động và bổ trợ hữu hiệu cho hợp tác song phương giữa các quốc gia, thúc đẩy phát triển bền vững tại Tiểu vùng. Các cơ chế hợp tác giữa các nước Mekong và các đối tác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của Tiểu vùng.
Tình hình an ninh chính trị tại Tiểu vùng Mekong nhìn chung ổn định. Các nước Mekong duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá, trung bình đạt khoảng 6-7%/năm. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành cuối năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cũng như thách thức đối với các nước thành viên, đặc biệt là các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Theo chinhphu.vn