Báo chí đang cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội và chưa bao giờ các cơ quan báo chí lại đối mặt với nhiều thử thách như hiện nay. Các báo phải “giữ mình” như thế nào trong cuộc cạnh tranh đó để tồn tại và phát triển? Những người làm báo cần phải làm gì để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc? Phóng viên Báo Phú Yên đã phỏng vấn nhà báo Phạm Quốc Toàn - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Người làm báo - xoay quanh những vấn đề trên.
ĐỔI MỚI ĐỂ KHÔNG TỤT HẬU
* Thưa ông, trong tình hình hiện nay, khi báo chí không còn là kênh độc quyền trong việc cung cấp thông tin, các cơ quan báo chí và các nhà báo đối mặt với những thách thức nào?
Nhà báo Phạm Quốc Toàn |
- Hiện nay, mạng xã hội rất phát triển, thông tin tràn ngập trên facebook, blog…, báo chí không còn là kênh độc quyền trong việc cung cấp thông tin. Có những trang face, blog gần như là tờ báo, chứa đựng nhiều thông tin. Với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính, người ta có thể truy cập bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu để cập nhật thông tin trên khắp thế giới. Như vậy, phải chăng người ta không còn chờ mua báo để nắm bắt thông tin? Điều này chỉ đúng với một số bạn đọc, chứ người ta vẫn mua báo in nếu muốn đọc những bài viết chuyên sâu, những bài bình luận sắc sảo. Trong tình hình đó, báo chí phải đổi mới để tồn tại và phát triển, phải cập nhật thông tin một cách nhanh nhạy và cách thể hiện cũng khác trước, chứa đựng nhiều thông tin chứ không viết theo kiểu dây cà ra dây muống. Thứ hai, bên cạnh báo in thì phải có báo điện tử; bản thân những người làm báo cũng cần đổi mới cách làm việc, nhanh nhạy khẩn trương.
Tóm lại là phải luôn khẩn trương và có những cái mới trên mặt báo, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Nếu không đổi mới thì tờ báo sẽ quay lưng với người đọc và sẽ tụt hậu, mất uy tín.
* Có ý kiến cho rằng hiện nay, không có báo nào nhanh như “báo” facebook. Và muốn cạnh tranh với mạng xã hội thì báo chí phải “nóng”. Ông nghĩ như thế nào về điều này?
- Đúng là không có kênh nào nhanh như mạng xã hội. Nhưng “nóng” phải được hiểu theo nghĩa cập nhật thông tin nhanh, kịp thời, không để “nguội” và phải chính xác. Chứ nếu “nóng” mà vội vã, đưa tin theo kiểu chụp giật, câu khách là không được. Cái “nóng” của báo chí phải có định hướng và phải chuẩn xác.
* Theo ông, đâu là tố chất cần thiết nhất của nhà báo hiện nay?
- Người làm báo phải nhanh nhạy trong mọi tình huống. Tác phong làm báo bây giờ là phải nhanh và chính xác, tiếp cận với cách làm báo đa phương tiện. Đấy là những điều rất cần của người làm báo hiện nay. Và như nhà báo Hữu Thọ từng nói, nhà báo phải luôn giữ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Các nhà báo tác nghiệp trong một sự kiện - Ảnh: M.NGUYỆT |
THIẾU TÍNH CHIẾN ĐẤU SẼ MẤT ĐI SỰ TIN CẬY
* Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của các báo Đảng địa phương trong công tác thông tin tuyên truyền?
- Những năm qua, các báo Đảng địa phương đã rất cố gắng và làm tốt vai trò định hướng thông tin của cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và nhân dân địa phương. Vì vậy sắp tới, khi thực hiện chủ trương quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí, báo địa phương gồm báo in và báo điện tử vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Đó là sự cần thiết. Vấn đề là những người làm báo địa phương phải trau dồi và vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới.
* Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, các báo địa phương cần phải làm gì để tăng sức hấp dẫn bạn đọc, thưa ông?
- Bên cạnh việc thông tin nhanh nhạy chính xác, báo địa phương phải có những bài chuyên sâu, phân tích kỹ, đánh giá những sự kiện để làm nổi bật thông tin, đáp ứng nhu cầu của người đọc. Ngoài ra, báo địa phương cũng cần phải có những hoạt động sau mặt báo để quảng bá và tờ báo gần hơn với đời sống của người dân.
Có những thông tin, báo địa phương không nên chờ các báo trung ương đưa rồi mới đưa, tất nhiên khi đưa thì phải có định hướng. Và một yêu cầu quan trọng khác là báo địa phương phải có tính chiến đấu, chiến đấu có định hướng, chiến đấu để xây dựng, chiến đấu vì sự phát triển. Nếu báo địa phương không có tính chiến đấu thì sẽ mất đi sức hấn dẫn và cũng sẽ mất đi sự tin cậy của người đọc.
* Xin cảm ơn ông!
YÊN LAN (thực hiện)