Một trong những nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và đông đảo người dân là phương hướng công tác nhân sự mà Ban Chấp hành (BCH) Trung ương đã bàn bạc, thông qua trong Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XI) vừa qua.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân rất đồng tình khi nghe Trung ương thông báo: “Kiên quyết không để lọt vào BCH Trung ương những người có một trong các khuyết điểm như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”.
Thông báo trên rất quan trọng bởi Đảng ta có trong sạch, vững mạnh hay không trước hết phải từ các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ủy viên BCH Trung ương. Mà muốn có nguồn nhân sự trong sạch thì phải bảo đảm ngay từ “đầu vào” của BCH Trung ương, tức là các cấp ủy viên do đại hội đảng bộ các cấp bầu ra. Xin đề xuất một khía cạnh:
Công tác nhân sự của Đảng dựa vào nhân dân mới thành công theo yêu cầu đề ra. Nhân sự đại hội nhất thiết phải có sự tham gia của các tổ chức đại diện cho nhân dân cũng như sự đóng góp, xây dựng trực tiếp của quần chúng nhân dân thì mới thành công. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành hai quyết định về vấn đề giám sát, phản biện xã hội (GS-PBXH) của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội (ĐTCTXH) cũng như sự tham gia góp ý của các tổ chức này trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong đó có công tác cán bộ. Vì vậy, đại hội đảng bộ các cấp là dịp rất thuận lợi để MTTQ, các ĐTCTXH triển khai làm tốt công tác GS-PBXH, góp ý tất cả các nội dung của đại hội, trong đó có công tác nhân sự. Vậy công tác GS-PBXH cũng như góp ý với các tổ chức đảng nên tiến hành như thế nào? Dưới đây xin có vài suy nghĩ về một số khía cạnh trong công tác đặc biệt quan trọng này.
Trước hết, khẳng định sự cần thiết và vai trò rất quan trọng của MTTQ Việt Nam, các ĐTCTXH trong GS-PBXH về công tác nhân sự trước khi đưa ra bầu cấp ủy trong các đại hội đảng. Phải chăng GS-PBXH, góp ý trong công tác nhân sự là đánh giá, phân tích, đề xuất, góp ý kiến về phẩm chất chính trị, năng lực, hiệu quả công tác, lối sống, mối quan hệ với quần chúng... đối với những cán bộ, đảng viên do cấp ủy đảng quản lý, lãnh đạo đồng thời đối chiếu với các tiêu chuẩn của cấp ủy các cấp mà Bộ Chính trị đề ra để đề xuất, giới thiệu những đảng viên tham gia cấp ủy đảng trong nhiệm kỳ tới?
Hiện nay, MTTQ Việt Nam, các ĐTCTXH phản biện, góp ý công tác nhân sự như thế nào, vào thời điểm nào, trước khi cấp ủy “chốt” danh sách hay sau khi đã có danh sách nhân sự để trình các cơ quan có thẩm quyền? Vì đây là công tác rất quan trọng nhưng lại vô cùng phức tạp, nhạy cảm, tế nhị liên quan đến việc nhận xét, đánh giá, bố trí, sử dụng con người cho nên việc phản biện, nhận xét, góp ý phải thật sự khách quan, công tâm, khoa học, tạo nên sự thống nhất cao, là tiền đề rất quan trọng để đại hội lựa chọn, quyết định bầu ra cấp ủy của mình.
Tuy nhiên, dường như hiện nay, các tổ chức đảng cũng như hệ thống tổ chức MTTQ, các ĐTCTXH chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thống nhất trong công tác này. Nếu công tác này không được coi trọng và thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ bỏ qua mất cơ hội, một “kênh” thông tin quan trọng trong nhận xét, đánh giá, thẩm định, giới thiệu những đảng viên trước khi bầu cấp ủy đảng các cấp. Nên khi triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác GS-PBXH của MTTQ Việt Nam và các ĐTCTXH cần có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.
Thứ hai, PBXH trong công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp cần thực hiện như thế nào? Đây là vấn đề khó, chưa có tiền lệ nên có làm thì nhiều nơi sẽ lúng túng, nhưng không thể không làm. Bởi vì công tác của Đảng cũng chính là việc của dân.
Đại hội Đảng bầu ra cấp ủy cũng chính là bầu người lãnh đạo, phục vụ nhân dân, là “công bộc” của dân, cho nên người dân có quyền tham gia ý kiến với các cấp ủy đảng thông qua người đại diện của mình là cần thiết và đúng đắn. Do đó, cần thay đổi quan điểm coi công tác nhân sự trong các đại hội đảng là “công việc riêng của các tổ chức đảng”, thậm chí là việc “bí mật” cho đến phút cuối. Như thế người dân không có điều kiện, cơ hội trong lựa chọn, giới thiệu cho cấp ủy đảng những người có đức có tài, được nhân dân tín nhiệm cao.
Do vậy, một trong những việc mà các cấp ủy đảng cần làm là trước khi đại hội Đảng diễn ra cần công khai danh sách nhân sự cấp ủy, thậm chí là các phương án nhân sự để MTTQ và các ĐTCTXH, thậm chí để người dân được biết, tham gia ý kiến, PBXH. Theo đó, nên chăng, cấp ủy đảng các cấp lãnh đạo, phối hợp với MTTQ các ĐTCTXH thành lập các Hội đồng phản biện công tác cán bộ, trong đó có nhân sự cấp ủy. Trong Hội đồng phản biện có Chủ tịch Hội đồng và các thành viên đại diện cho các ĐTCTXH; có các thư ký hội đồng để theo dõi ghi chép, giúp việc hội đồng.
Trên cơ sở danh sách nhân sự, các phương án của cấp ủy đảng đề ra, các thành viên hội đồng lấy ý kiến quần chúng, nhân dân ở nơi công tác, nơi cư trú, tập trung vào xem xét những mặt dễ có những biểu hiện ảnh hưởng đến chất lượng cấp ủy như: suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, không kê khai đầy đủ tài sản, tiêu cực, xa dân và nhất là hiệu quả công tác trong thực tiễn không rõ, không ghi dấu ấn cá nhân trong quá trình lãnh đạo, quản lý thời gian qua. Hội đồng họp để nghe các thành viên hội đồng phản ảnh ý kiến của quần chúng nhân dân, tổ chức về từng nhân sự cấp ủy. Cuối cùng, hội đồng bỏ phiếu kín.
Kết quả bỏ phiếu là một “kênh” quan trọng để cấp ủy đảng tham khảo. Còn quyết định các phương án nhân sự vẫn do cấp ủy đảng quyết và chịu trách nhiệm với cấp trên và người dân về quyết định của mình. Về lâu dài, nên chăng MTTQ các cấp cần thành lập Hội đồng Tư vấn công tác cán bộ nhằm cụ thể hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý công tác cán bộ đồng thời phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các ĐTCTXH trong công tác này một cách thường xuyên, nền nếp.
Thứ ba, bản thân các tổ chức đảng, đoàn thể có liên quan cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ cho phù hợp với Quyết định của Bộ Chính trị về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các ĐTCTXH. Còn nhớ, Nghị quyết Đại hội X của Đảng có đề ra nhiệm vụ “xây dựng quy chế GS-PBXH của MTTQ, các tổ chức CTXH và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả công tác tổ chức và cán bộ”.
Tuy nhiên, sau một nhiệm kỳ, nhiệm vụ này chưa thực hiện được. Đến tháng 12/2013, Bộ Chính trị ban hành Quy chế GS-PBXH của MTTQ và các ĐTCTXH. Tuy nhiên, trong quyết định này, phần phản biện chưa thấy đề cập cụ thể vấn đề PBXH trong công tác tổ chức, cán bộ. Nhưng trong phần giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền mà trong quyết định của Bộ Chính trị đề ra thì có phần giám sát, góp ý xây dựng cán bộ, đảng viên.
Do vậy, trong quá trình cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định của Đảng nhất thiết phải có sự đồng bộ trong các công tác, trong đó có nhiệm vụ GS-PBXH trong công tác cán bộ. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, MTTQ Việt Nam, các ĐTCTXH cần quán triệt và lồng ghép, chủ động trong xây dựng kế hoạch, dự thảo các nội dung, đối tượng của công tác này trong quá trình chuẩn bị đại hội Đảng; cần coi đây là một nội dung quan trọng, không thể thiếu, góp phần thành công đại hội đảng bộ các cấp cũng như Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng.
Các tổ chức, cấp ủy đảng cần coi công tác GS-PBXH là một khâu nhất thiết phải có trong quá trình đánh giá, nhận xét, cất nhắc, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ. Làm được như thế thì mới thật sự góp phần cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta: “Dựa vào dân để xây dựng Đảng”. Từ lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5, trang 297).
VŨ NGỌC LÂN (XDĐ)