Chủ Nhật, 17/11/2024 21:37 CH
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm
Thứ Bảy, 13/06/2015 17:14 CH

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn - Ảnh: SGGPO

Trong phiên họp của Quốc hội sáng nay (13/6), thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tiếp thu, giải trình một số ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội.

 

Theo Phó thủ tướng, trong 5 tháng đầu năm kinh tế nước ta tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng đạt 5,18%, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, tỉ giá và thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, xuất khẩu 5 tháng tăng 7,3%, thu ngân sách tăng 7,9% so với cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,6%, giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi đạt 11,8%. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,5%, vốn đăng ký tăng 26,3%, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động giảm 5,3% so với cùng kỳ.

 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, kinh tế nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Thiên tai, hạn hán diễn ra phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tiêu thụ một số nông sản như cao su, cà phê, lúa gạo, trái cây... còn nhiều khó khăn. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6%; vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

 

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2015 đã được Quốc hội thông qua. Cụ thể, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, vật nuôi cây trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương. Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường, doanh nghiệp và người dân, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh nông sản, phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, ưu tiên nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Chuẩn bị tốt các điều kiện, khai thác tối đa các ưu đãi, lợi thế khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh kết nối cung cầu, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

 

Về đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong điều kiện nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng còn rất lớn, cần đa dạng hóa các hình thức, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng. Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến huy động vốn ngoài Nhà nước khoảng 171.000 tỉ đồng đầu tư vào đường bộ, khoảng 44.000 tỉ đồng vào kết cấu hạ tầng hàng hải, 13.000 tỉ đồng vào kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, 45.000 tỉ đồng vào các cảng hàng không và 14.000 tỉ đồng vào các nhà ga, kho bãi, dịch vụ đường sắt.

 

Về nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó thủ tướng cho biết đã giảm thời gian nộp thuế từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm; tỉ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 95%. Từ đầu năm 2015, thực hiện luật thuế sửa đổi, đã giảm thêm 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm. Thời gian nộp bảo hiểm xã hội giảm từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Thời gian thông quan từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 13 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu…Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Phấn đấu đến hết năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của ASEAN 6 và đến hết năm 2016 một số tiêu chí đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4. Đồng thời, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các vấn đề xã hội như giảm nghèo bền vững, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số; dạy nghề và đào tạo việc làm; chăm sóc sức khỏe nhân dân; giáo dục đào tạo; bảo đảm an toàn lao động… Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và  tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông tiếp tục được quan tâm sâu sát hơn nữa.

 

Chất vấn trực tiếp tại hội trường, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhận định rằng tham nhũng đang diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện, gây bức xúc cho nhân dân. “Xin được hỏi Phó thủ tướng, thời gian qua Chính phủ xử lý được bao nhiêu vụ, thu hồi tài sản được bao nhiêu? Giải pháp nào mạnh hơn để xử lý vấn đề này?”. Trả lời đại biểu, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã được làm quyết liệt, đạt được nhiều thành quả, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Năm 2014, đã điều tra xử lý 256 vụ, 593 bị can; tăng 25 vụ, 25 bị can. Tài sản thu hồi năm 2013 trên 10%; năm 2014 đạt trên 22%. Về giải pháp sắp tới, theo Phó thủ tướng, tại phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận 8 biện pháp lớn. Đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể, không nên, không dám” tham nhũng. Điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các trường hợp tham nhũng, kết hợp với nhiều giải pháp khác.

 

Theo SGGPO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek