Vừa qua, Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương đã về khảo sát tình hình 5 năm thực hiện Quyết định 290 của Bộ Chính trị tại Phú Yên. Qua khảo sát, đoàn đã đánh giá cao những kết quả đạt được và cho rằng công tác dân vận có nhiều chuyển biến tích cực, sát dân, sát việc.
NIỀM TIN CỦA NGƯỜI DÂN ĐƯỢC CỦNG CỐ
Qua 5 năm thực hiện Quyết định 290 của Bộ Chính trị gắn với Quyết định 4177 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh, công tác dân vận của hệ thống chính trị toàn tỉnh được củng cố và tăng cường; nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận trong các cấp, ngành, địa phương, cơ sở được nâng lên, đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động quần chúng; vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và tổ chức tốt Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong công tác dân vận, ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên… Qua đó góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, việc quản lý điều hành của Nhà nước.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thời gian qua, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, Mặt trận và các đoàn thể đã vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, sát dân, sát việc. Từ thực tế ở từng địa phương mà có nhiều mô hình, nhiều cách tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân đem lại hiệu quả cao. Còn theo bà Đặng Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông qua công tác dân vận, các cấp hội phụ nữ đã xây dựng được nhiều mô hình hay, nhiều câu lạc bộ hữu ích như: “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “hũ gạo tình thương”, tiết kiệm vì phụ nữ nghèo… Các phong trào hỗ trợ vốn, cây con giống giúp nhiều hộ gia đình phụ nữ vươn lên thoát nghèo, tạo niềm tin cho nhân dân.
Ngoài ra, việc tổ chức tốt quy chế công tác dân vận trong lực lượng vũ trang tỉnh đã góp phần tích cực trong việc xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân và tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân, góp phần động viên nhân dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, tích cực tham gia giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội. Qua đó, góp phần ổn định tình hình địa bàn trọng điểm, phức tạp. Đồng thời phối hợp tham gia thực hiện tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo và là lực lượng nòng cốt trong phòng tránh, khắc phục thiên tai trên địa bàn tỉnh…
Hội LHPN tỉnh tham gia làm tốt công tác dân vận giúp đỡ hộ nghèo trong tỉnh. Trong ảnh: Hội LHPN tỉnh vận động BIDV xây nhà đại đoàn kết trao cho hộ dân ở huyện Tuy An - Ảnh: T.THẢO |
“NÂNG CHẤT” DÂN VẬN
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, đến nay, 9/9 huyện, thị, thành ủy ban hành quy chế dân vận của hệ thống chính trị; các đảng ủy công an, quân sự, bộ đội biên phòng và Đảng đoàn Mặt trận tỉnh, hội, đoàn thể, Tỉnh đoàn cũng đã triển khai thực hiện quyết định này đến các đơn vị trực thuộc. Cụ thể, hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh. Đồng thời ký kết chương trình phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định về công tác dân tộc, công tác tôn giáo vùng giáp ranh của 2 tỉnh. Các đoàn thể chính trị - xã hội ký kết chương trình phối hợp với công an, quân sự, các ngành cùng cấp. Qua việc thực hiện các chương trình phối hợp, công tác quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ngày càng được tăng cường; thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Dân vận khéo”; phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nhân đạo, từ thiện được triển khai rộng khắp trên các địa bàn dân cư.
Định kỳ 3 tháng, 6 tháng, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức giao ban với các huyện, thị, thành ủy, Mặt trận, các hội, đoàn thể và các cơ quan liên quan để nghe phản ánh tình hình của nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng , những vấn đề bức xúc, liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền có biện pháp giải quyết kịp thời. UBND tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận thành chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương…
Công tác dân vận ở Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực
Qua 5 năm thực hiện Quyết định 290, công tác dân vận ở Phú Yên có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Nhất là công tác tăng cường chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận; chú trọng phân công cấp ủy, cán bộ, đảng viên phụ trách công tác dân vận và thực hiện nhiệm vụ về công tác dân vận; công tác vận động nhân dân hiến đất xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế công tác dân vận còn bộc lộ những khuyết điểm. Chính vì vậy, trong thời gian đến, Phú Yên cần nâng cao vai trò tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận; nâng cao trách nhiệm thực hiện quy chế công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; công tác cải cách hành chính cần triển khai đồng bộ; cần khắc phục sự phối hợp, tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở còn lúng túng…
Ông Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương
|
PHONG NHÃ