Ngày 30/5, Hãng Thông tấn Nhà nước Algeria (APS) và nhật báo El Moudjahid đã đưa tin về chuyến thăm chính thức nước này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 31/5 đến ngày 2/6 theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Abdelmalek Sellal, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế song phương.
Các báo trên cho biết chuyến thăm này sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo 2 nước đánh giá tổng thể mối quan hệ song phương, qua đó nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước từ hơn nửa thế kỷ qua, tăng cường hợp tác nhiều mặt nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời thúc đẩy cơ chế thực hiện các dự án, chương trình hợp tác đã đề ra.
Báo El Moudjahid nhấn mạnh, chuyến thăm Algeria lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra vào thời điểm quan trọng trong mối quan hệ của hai nước. Trong những năm qua, nhiều cuộc gặp cấp bộ trưởng đã diễn ra nhằm xem xét khả năng hợp tác song phương và 2 bên đã thống nhất đưa ra nhiều các dự án hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp, năng lượng và nuôi trồng thủy sản. Năm 2014, hai bên đã tiến hành xem xét khả năng hợp tác trong các lĩnh vực thể thao và đào tạo nghề.
Báo trên cũng đã dẫn lời đại sứ Việt Nam tại Algeria Vũ Thế Hiệp cho biết quan hệ kinh tế giữa 2 nước thời gian qua phát triển nhanh chóng, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm 30%. Năm 2014, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đã đạt 365 triệu USD. Hai nước có tiềm năng vô cùng to lớn cần phải được khai thác, nhằm tăng hơn nữa giá trị trao đổi thương mại song phương. Cũng theo đại sứ Vũ Thế Hiệp, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào Algeria trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở, xuất khẩu lao động, thủy sản, dược phẩm…
Nhân dịp này, nhật báo Horizon cũng đã ca ngợi sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Báo này dẫn báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt 6% năm nay và sẽ tăng lên 6,2% năm 2016. Tỉ lệ đói nghèo giảm xuống còn 4,5% năm 2015. Tỉ lệ này giảm xuống chứng tỏ niềm tin và sự lạc quan của WB đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Báo này dẫn lời ông Sudhir Shetty, một nhà kinh tế trưởng của WB, nhấn mạnh đến sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trong lĩnh vực sản xuất, môi trường kinh doanh được cải thiện… Ông Shetty cũng nhấn mạnh Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi, nhất là các thỏa thuận thương mại, một khi được ký, sẽ giúp quốc gia Đông Nam Á này có thêm được nhiều thị trường xuất khẩu.
Theo TTXVN/Vietnam+