Thứ Hai, 18/11/2024 03:46 SA
Chính thức ký kết FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu
Thứ Bảy, 30/05/2015 11:23 SA

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng 5 nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, lãnh đạo Ban thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu tại Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do - Ảnh: VGP

* Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Kazakhstan

 

Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, chiều tối 29/5, tại Kazakhstan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu.

 

Đây là hiệp định có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. Được chính thức khởi động tại Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 28/3/2013, sau khoảng 2 năm đàm phán và sau khi hoàn tất các thủ tục phê duyệt nội bộ, các bên đã ký kết hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.

 

Hiệp định bao gồm các chương chính về Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và thể chế. Về hàng hóa, Liên minh Kinh tế Á-Âu (Liên minh) đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến. 

 

Một nội dung quan trọng của hiệp định này là phía liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Cùng với việc xóa bỏ thuế quan, hai bên sẽ triển khai tích cực Chương về SPS, trong đó có các nội dung về công nhận tương đương đối với các biện pháp hoặc hệ thống quản lý trong lĩnh vực liên quan, công nhận lẫn nhau về các khái niệm về thích ứng với điều kiện khu vực, sử dụng kết quả kiểm toán, thông tin của các tổ chức quốc tế lớn; thúc đẩy hợp tác, triển khai các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập cơ chế tham vấn hiệu quả giữa 2 bên.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Medvedev tại lễ ký - Ảnh: VGP

 

Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Riêng đối với các mặt hàng nông sản, tuy là các mặt hàng được phía liên minh coi thuộc diện ưu tiên và đã được Việt Nam đồng ý mở cửa ngay, chẳng hạn như sữa và các sản phẩm sữa, một số sản phẩm ngũ cốc..., nhưng trong bối cảnh hiện nay, do sản xuất nông nghiệp của phía bạn chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và chưa tập trung cho xuất khẩu nên dự báo trong 5 năm đầu thực thi hiệp định, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ không bị tác động rõ rệt bởi việc nhập khẩu mặt hàng nông sản từ liên minh. Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

 

Theo đánh giá bước đầu của liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên sẽ đạt 10-12 tỉ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỉ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm.

 

Những nội dung về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phát triển bền vững... của hiệp định chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và tại các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, tạo khung khổ để 2 bên có thể xem xét hợp tác sâu hơn khi thấy phù hợp.

 

Có thể nói, Liên minh Kinh tế Á-Âu có dân số hơn 175 triệu người với tổng GDP khoảng 2.500 tỉ USD, tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hướng tới một không gian kinh tế thống nhất. Việc ký kết Hiệp định tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu. Về mặt kinh tế, mục tiêu chủ yếu của Việt Nam trong đàm phán, ký kết và các cam kết hội nhập kinh tế nhằm đạt được lợi ích căn bản về kinh tế thông qua việc nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất trong nước, tạo cơ hội cho thúc đẩy thương mại, dịch vụ, đầu tư, đa dạng hoá các thị trường xuất nhập khẩu, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường. Sau khi ký kết, hai bên sẽ tiếp tục hoàn thành các thủ tục nội bộ để phê chuẩn Hiệp định nhằm mục tiêu để Hiệp định này có hiệu lực trong thời gian sớm nhất.

 

Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, là một thành viên năng động của ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực để Liên minh Kinh tế Á-Âu mở rộng quan hệ với Cộng đồng ASEAN - một thị trường thống nhất phát triển năng động có trên 600 triệu dân với GDP đạt khoảng 2.500 tỉ USD. Đồng thời, Thủ tướng cho biết, Việt Nam cũng đang đẩy nhanh kết thúc đàm phán nhiều FTA với các đối tác lớn, như vậy, khi đầu tư, kinh doanh với Việt Nam, doanh nghiệp của các nước thành viên Liên minh sẽ có cơ hội thuận lợi trong tiếp cận thị trường của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Canada, Úc, New Zealand, Hàn Quốc…). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các bên cùng nhau nhanh chóng hoàn tất các thủ tục phê duyệt nội bộ để Hiệp định sớm có hiệu lực và triển khai thành công, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và nhân dân các nước liên quan. Thủ tướng cũng đề nghị các nước chân thành thảo luận những vấn đề mới nảy sinh trong tiến trình thực hiện hiệp định với tinh thần hữu nghị, cùng thắng, cùng phát triển.

 

Thủ tướng Nga Medvedev thì khẳng định, hiệp định là thỏa thuận quan trọng mà các nước thành viên liên minh và cũng như Việt Nam mong muốn. Với cơ cấu kinh tế, hàng hóa bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và các nước thành viên liên minh, hiệp định sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, tăng trường trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực.

 

Bày tỏ hài lòng trước việc liên minh và Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do, Chủ tịch Ban thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu Viktor Khristenko cho đây là một sự kiện lịch sử đối với liên minh bởi Việt Nam là một trong những đối tác đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại tự do với liên minh. Việt Nam cũng là đối tác chiến lược của liên minh tại Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ qua. Hơn 2 năm qua, quá trình đàm phán các bên đã đạt được kết quả mang tính cân bằng và có tính đến tất cả những lợi ích chung. Đó là sự khởi đầu mới trong việc phát triển quan hệ hợp tác giữa các nước Việc thiết lập cơ chế tự do thương mại giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam đã mở ra cơ hội mới cho tất cả các nước thành viên.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam-Kazakhstan và bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu mà đất nước Kazakhstan đã đạt được - Ảnh: VGP

 

* Trong khuôn khổ tham dự Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. Tổng thống Kazakhstan và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển trong quan hệ giữa 2 nước thời gian qua và cho rằng mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước đã góp phần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư.

 

Về vấn đề biển Đông, Tổng thống Kazakhstan bày tỏ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực. Hai bên đều nhấn mạnh ý nghĩa của việc Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu sau hơn 2 năm đàm phán tích cực đã cùng nhau thống nhất được nội dung của Hiệp định Thương mại tự do và chính thức ký kết văn bản này tại Kazakhstan; cho đây là bước đột phá thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và 5 nước thành viên Liên minh nói chung, cũng như với Kazakhstan nói riêng.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Nazarbayev đều nhất trí rằng 2 bên cần tích cực tìm hiểu thị trường của nhau hơn nữa; tiếp tục duy trì và củng cố hợp tác trong các lĩnh vực then chốt, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Hai bên bày tỏ ủng hộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Kazakhstan (KazMunaiGaz) tham gia các dự án thăm dò, khai thác dầu khí trên lãnh thổ của nhau.

 

Đêm 29/5 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng nước chủ nhà Karim Massimov. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn quan tâm phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và coi Kazakhstan là đối tác quan trọng tại khu vực Trung Á.  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò và sáng kiến của Kazakhstan tại các diễn đàn quốc tế, như tại hội nghị về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á và đề nghị Kazakhstantích cực ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn tự do hàng hải hàng không tại biển Đông, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và xây dựng Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC). 

 

Hai thủ tướng nhất trí cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Kazakhstan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật để tạo thuận lợi mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng của hai bên, trong đó có hợp tác khai thác và chế biến dầu khí giữa Petrovietnam và KazMunaiGaz tại Kazakhstan, cũng như tại nước thứ ba; tăng cường trao đổi thương mại, tạo điều kiện cho các mặt hàng nông thủy hải sản là thế mạnh của Việt Nam nhập khẩu vào Kazakhstan.

 

Kết thúc cuộc gặp làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Thủ tướng Karim Massimov đã chứng kiến lễ ký giữa hai nước liên quan đến Biên bản trao đổi Văn kiện phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp, Chương trình hợp tác giai đoạn 2015 -2017 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Kazakhstan, Thỏa thuân hợp tác Văn hóa giai đoạn 2015-2017 giữa Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Kazakhstan.

 

* Cũng trong đêm 29/5, tại tỉnh Burabai, Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Kyrgyzstan Sariev. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Sariev thống nhất thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực nhất là trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu vừa được ký kết. Hai bên nhất trí trước mắt tăng cường trao đổi Đoàn các cấp, hoàn thiện cơ sơ pháp lý cho hợp tác song phương, trong đó xem xét đàm phán và ký kết các văn bản hợp tác trong lĩnh vực thuế, bảo hộ đầu tư, kiểm dịch động – thực vật…

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Nga Medvedev - Ảnh: VGP

 

* Tiếp tục các hoạt động bên lề Lễ ký chính thức Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nga Medvedev. Trong trao đổi, hai bên bày tỏ hài lòng trước việc Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu sau một thời gian đàm phán tích cực và khẩn trương đã cùng nhau thống nhất được nội dung của Hiệp định Thương mại tự do. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của Nga với tư cách là nước đầu tàu trong liên minh đã hợp tác và thúc đẩy để kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định theo đúng kế hoạch đề ra. Thủ tướng đề nghị Nga cùng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu sớm hoàn thành thủ tục phê chuẩn hiệp định để có thể tận dụng được tối đa những ưu đãi, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư trong giai đoạn mới.

 

Thủ tướng Medvedev cho rằng việc Việt Nam là đối tác đầu tiên ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh càng khẳng định vai trò và vị trí của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới, tin tưởng rằng Hiệp định không chỉ mở rộng hợp tác song phương, tăng kim ngạch thương mại mà còn tạo đà thúc đẩy việc thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên trên lãnh thổ của nhau, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga đi vào chiều sâu và hiệu quả.  

 

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Medvedev cũng đã trao đổi và nhất trí tích cực triển khai những thỏa thuận đạt được sau chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Medvedev, đặc biệt là dự án trọng điểm của hợp tác song phương trong các lĩnh vực năng lượng, đầu tư, an ninh-quốc phòng…

 

Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Medvedev khẳng định Liên bang Nga ủng hộ giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  gặp Thủ tướng Armenia Hovik Abrahamyan - Ảnh: VGP

 

* Chiều 29/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp với Thủ tướng Armenia Hovik Abrahamyan. Hai bên nhất trí cần tăng cường hơn nữa tiếp xúc và đối thoại ở các cấp, đẩy mạnh các kênh hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương 2 nước, qua đó nâng cao hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị 2 bên sớm thành lập Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật; các bộ, ngành 2 nước cần phối hợp chặt chẽ, tạo chuyển biến thực chất trong hợp tác giữa hai nước thời gian tới, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh chính thức có hiệu lực. Hai thủ tướng nhất trí thời gian tới cần tập trung xây dựng cơ chế triển khai Hiệp định Thương mại; tận dụng các ưu đãi để đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hợp tác song phương; xem xét thiết lập cơ chế phù hợp để cùng triển khai các lĩnh vực hợp tác cụ thể; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin… giữa các doanh nghiệp 2 nước.

 

Về vấn đề biển Đông, hai thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực này; ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác, tổ chức các đoàn trao đổi và hội thảo, tiến tới xây dựng một số chương trình hợp tác chuyên đề khoa học-công nghệ trong thời gian tới.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á-Âu, Victor Khristenko - Ảnh: TTXVN

 

* Nhân dịp tham dự Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, chiều 29/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á- Âu, ông Viktor Khristenko. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc ký kết hiệp định và coi đây là một Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, hiện đại và toàn diện với các linh hoạt cần thiết, có mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, tính đến điều kiện cụ thể của từng bên; cho rằng đây là bước đột phá cho quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên liên minh. 

 

Chủ tịch Ban Thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu cho biết việclLiên minh chọn Việt Nam là đối tác ngoài khối đầu tiên để đàm phán và ký Hiệp định Thương mại tự do thể hiện sự đánh giá cao vị thế cũng như tiềm năng phát triển của Việt Nam; mong muốn Việt Nam đóng vai trò cầu nối tích cực giữa Liên minh với khối ASEAN.  Hai bên tin tưởng rằng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ tạo tiền đề để liên minh mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

 

Hai bên nhất trí sẽ hợp tác triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do một cách hiệu quả, thiết thực trên tinh thần hữu nghị, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và các nước thành viên liên minh.

 

BTV (tổng hợp từ chinhphu.vn, VOV, TTXVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek