Thứ Hai, 18/11/2024 07:50 SA
Xây dựng nền đạo đức mới theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
Thứ Ba, 19/05/2015 11:00 SA

Đông đảo cán bộ, nhân dân Phú Yên dự Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà thờ Bác Hồ - Ảnh: K.MY

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của sự toàn thiện, toàn mỹ về đạo đức: yêu nhân dân, nhân loại; kiên quyết nhưng bao dung, độ lượng; uyên bác mà rất khiêm tốn; có tầm nhìn xa trông rộng nhưng cũng rất cụ thể; vĩ đại nhưng cũng rất mực bình dị. Người không chỉ để lại một hệ thống quan điểm về đạo đức mới mà còn là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về sự nhất quán giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm. Trong tư tưởng của Người, nội dung tư tưởng đạo đức cách mạng tập trung, nổi bt ở lun điểm: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”.

 

“NGƯỜI CÁCH MẠNG PHẢI CÓ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG”

 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn luôn quan tâm chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên của Đảng. Người cho rằng, điều kiện tiên quyết để người cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là phải có đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1).

 

Đạo đức là cái gốc của người cách mạng bởi vì nó liên quan trực tiếp đến khả năng và quyết định hiệu quả gánh vác công việc của đảng cầm quyền. Người luôn suy nghĩ và trăn trở về nguy cơ có thể xảy ra đối với một đảng cầm quyền, đó là sự sai lầm về đường lối chính trị, sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Theo Hồ Chí Minh, đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo nhà nước, nếu như cán bộ, đảng viên không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thì mặt trái của quyền lực có sức tàn phá ghê gớm, làm tha hóa bản chất con người. Vì thế, Người căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Muốn làm cách mạng, trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, có đạo đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và đối với dân tộc, luôn phải kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: “Người cách mạng, phải có đạo đức cách mạng”(2). Đây không chỉ là yêu cầu về phẩm chất, năng lực mà còn là vấn đề có tính nguyên tắc trong chỉ đạo nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.

 

Dù đề cao đạo đức là gốc, chiếm vị trí hàng đầu trong thang giá trị nhân cách người cách mạng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn đặt đạo đức và tài năng trong mối quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung và quy định lẫn nhau. Người khẳng định: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”(3).

 

Những chuẩn mực đạo đức mới, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là những chuẩn mực đạo đức cách mạng giúp con người hướng tới “chân, thiện, mỹ”; thể hiện ở những phẩm chất: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, nhân đạo. Người cho rằng, căn cứ vào nhiệm vụ từng giai đoạn lịch sử của cách mạng mà Đảng cần phải có chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng sao cho vừa “hồng” vừa “chuyên”. Vì vậy trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, những yêu cầu về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên vừa mang những giá trị truyền thống của dân tộc vừa phải đáp ứng được những đòi hỏi của sự phát triển mới như: Trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; gương mẫu về đạo đức lối sống; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có ý thức tổ chức kỷ luật cao; xây dựng khối đoàn kết trong Đảng; tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

 

Lực lượng vũ trang tỉnh báo công tại Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) - Ảnh: H.CHƯƠNG

 

XÂY DỰNG NỀN ĐẠO ĐỨC MỚI THEO TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

 

Trong điều kiện hiện nay, nhất là từ khi nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bên cạnh những yếu tố tích cực như đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính tích cực, tự chủ, tự lập, đề cao tính nguyên tắc… thì mặt trái của nền kinh tế thị trường kích thích thói ích kỷ, tự tư tự lợi, tạo ra lối sống hưởng lạc, thực dụng… Những biến đổi về hệ thống thang giá trị chuẩn mực xã hội đã được hình thành trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng đất nước như: Từ chỗ coi trọng đạo lý, đề cao nghĩa tình đến chỗ đề cao các giá trị vật chất, sùng bái đồng tiền; chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng có điều kiện phát triển, mục tiêu làm giàu và coi trọng lợi ích vật chất đã và đang trở thành cái đích hướng tới của không ít người; với cán bộ, đảng viên, đặc biệt với những người có chức, có quyền nếu thiếu sự tu dưỡng đạo đức cách mạng, họ rất dễ bị cám dỗ và sa ngã bởi lợi ích vật chất, từ đó nảy sinh việc lợi dụng chức quyền, tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính dẫn đến suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biến chất về phẩm chất chính trị là hệ quả tất yếu.

 

Thực tiễn cho thấy, tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến lĩnh vực đạo đức đặt ra rất nhiều thách thức đối với công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nói chung; giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói riêng. Đó chính là cuộc đấu tranh giữa hai lối sống; lối sống vì mục tiêu, lý tưởng cộng sản với lối sống thực dụng, cơ hội, suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng. Hơn lúc nào hết, chúng ta đều nhận thức rất rõ rằng: Thời gian qua, những biểu hiện tiêu cực liên quan đến đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền để lại dư luận và hình ảnh xấu… đã và đang cản trở bước tiến của cách mạng, là một trong những thử thách nghiêm trọng đối với sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

 

Xây dựng nền đạo đức mới trong tình hình hiện nay theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cần phải khai thác và phát huy tốt mặt tích cực, đồng thời phải kiên quyết đấu tranh chống lại và khắc phục cho được mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường và những tác hại do nó gây ra. Do vậy việc xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên vừa có tâm, có tầm, có đức, có tài, giữ vai trò đầu tàu, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là yêu cầu cấp bách hiện nay. Những năm qua Đảng ta đã phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa định hướng nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của cuộc vận động là luận điểm “Đạo đức là gốc của người cách mạng” mà Người đã nêu ra. Với mỗi cán bộ, đảng viên, luận điểm đó chính là định hướng cơ bản, xuyên suốt và là tiêu chí hàng đầu trong học tập, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng. Đó cũng là liều thuốc hữu hiệu giúp chúng ta phòng chống những tác hại tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường một cách hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.

 

Để việc giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả cao hơn cần phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp; trong đó, cần tập trung vào các nội dung:

 

Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng và phát huy tính tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi vì, sự hình thành và phát triển những phẩm chất cách mạng không diễn ra tự phát mà phải trải qua quá trình giáo dục và tự rèn luyện của mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”4. Kết hợp giáo dục đạo đức với giáo dục chính trị, tư tưởng và giáo dục pháp luật, đẩy mạnh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân - chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tệ nạn tiêu cực đã và đang nảy sinh, tồn tại trong xã hội thời gian qua.

 

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và những tác động của nó, sự biến đổi thang giá trị đạo đức và các chuẩn giá trị đạo đức của thời kỳ mở cửa, hội nhập đang diễn ra một cách nhanh chóng. Do vậy, việc định hướng giá trị đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cần được đầu tư nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay; trên cơ sở đó đưa ra những yêu cầu về nội dung cũng như biện pháp thực hiện thật cụ thể, giúp cán bộ, đảng viên chủ động phòng chống, ngăn chặn những tác động tiêu cực, xây dựng định hướng phấn đấu, rèn luyện một cách thiết thực, không chung chung.

 

Giữ vững và phát huy giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã được xây dựng và bồi đắp qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước như yêu nước, thương nòi, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, nhân nghĩa, đề cao nhân phẩm, tình người, trung thực, cần kiệm. Kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trong công cuộc đổi mới là một tất yếu của sự phát triển. Đó là cái gốc cơ bản để phát triển đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên.

 

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Với di sản tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người, cuộc vận động này đã đáp ứng kịp thời yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn công cuộc đổi mới hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng đạo đức sát với thực tế, thiết thực, hiệu quả, coi trọng giáo dục mục tiêu, lý tưởng cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa. Biểu dương khen thưởng kịp thời các gương điển hình, nêu gương người tốt việc tốt… tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

 

-----------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr252-253

(2,3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr172,283

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr 293

 

Thạc sĩ LÊ THỊ BÍCH HẠNH

Hiệu trưởng Trường Chính trị Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek