Tháng 5, bầu trời như cao hơn và trong xanh hơn. Trong nắng sớm ban mai, khắp các địa phương trong tỉnh, từng đoàn người cùng hướng về Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) báo công, dâng hương, dâng hoa… nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
NƠI HỘI TỤ LÒNG NGƯỜI
Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng VH-TT, kiêm Trưởng ban Quản lý khu di tích Nhà thờ Bác Hồ, cho biết: “Những ngày vừa qua, không ngày nào không có người đến viếng, thắp hương, dâng hoa tại khu di tích Nhà thờ Bác Hồ. Anh chị em làm nhiệm vụ tiếp đón rất vui và ấm lòng khi mọi người cùng hướng về Bác”. |
Nhà thờ Bác nằm trên một ngọn đồi cạnh ĐT643 đã được trải nhựa, đổ bê tông phẳng phiu, thuộc thôn Hòa Bình, xã Sơn Định. Xung quanh ngôi nhà được bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm. Chuyện kể rằng, 46 năm trước, sau khi hay tin Bác mất qua radio, lãnh đạo tỉnh quyết định tổ chức lễ truy điệu và lập bàn thờ tại đây để cán bộ và nhân dân đến thắp hương viếng Bác. Chỉ trong thời gian ngắn, cán bộ, nhân viên các cơ quan của tỉnh, lực lượng thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc vùng giải phóng của huyện Sơn Hòa, góp sức góp công làm nên công trình thiêng liêng này. Một ngôi nhà bằng gỗ rừng, mái tranh được dựng lên, đơn sơ nhưng chứa đựng tấm lòng của người dân Phú Yên đối với Bác - Người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, người đã làm rạng rỡ non sông ta, dân tộc ta, đất nước ta.
Đến năm 2003, Nhà thờ Bác Hồ được xây dựng lại khang trang, kiên cố trên diện tích 1.500m2 theo thiết kế kiểu nhà truyền thống của người miền Trung. Trên bàn thờ, ánh điện luôn tỏa sáng, tượng Bác, lư hương… được đặt trang nghiêm theo phong cách văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.
Ngày 22/8/2008, Nhà thờ Bác Hồ được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhân dân huyện Sơn Hòa và đoàn viên thanh niên cả tỉnh đã trồng hàng nghìn cây cảnh, cây ăn quả tạo cảnh quan cho khu di tích, tạo không gian mát mẻ, trong lành. Mỗi dịp sinh nhật Bác và các ngày lễ trọng đại, các lực lượng vũ trang, cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trong tỉnh đều về đây báo công, dâng hương, dâng hoa viếng Bác. Hàng ngày, người dân địa phương mỗi khi qua lại khu di tích cũng không quên ghé thăm, bày tỏ lòng thành kính đối với Người.
NHỚ MÃI ƠN NGƯỜI
Có mặt từ khi bình minh vừa ló dạng, sau khi kính cẩn nghiêng mình thắp hương lên bàn thờ Bác, ông Ma Tam (81 tuổi, dân tộc Chăm H’roi ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa), nguyên Huyện đội trưởng Miền Tây, bùi ngùi nhớ lại: “Tôi có vinh dự hai lần được gặp Bác. Lần đầu vào năm 1957 tại Nam Đàn - quê Bác, và lần thứ hai năm 1961 khi Bác đến thăm cán bộ, học viên Trường sĩ quan Pháo binh (Sơn Tây, Hà Nội). Bác ân cần hỏi chúng tôi - những học sinh miền Nam - ăn có no không, có nhớ miền Nam không. Bác dặn chúng tôi phải ra sức học tập thật giỏi để sau nay về lại miền Nam xây dựng quê hương đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Ngày được tin Bác qua đời, chúng tôi cùng òa khóc nức nở. Luôn canh cánh trong lòng nỗi nhớ miền Nam, nhưng chưa kịp nhìn thấy ngày nước nhà độc lập, thống nhất toàn vẹn thì Bác đã đi xa. Bản thân tôi và đồng bào miền núi chúng tôi luôn ghi nhớ mãi công lao trời biển của Bác Hồ”.
Anh Nguyễn Xuân Thọ (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu), con trai của Bà mẹ Việt Nam an hùng Hồ Thị Đề, lần đầu tiên đến Nhà thờ Bác, bày tỏ: “Tôi thật sự ngỡ ngàng khi ở giữa không gian bạt ngàn núi đồi này lại có một khu di tích Nhà thờ Bác Hồ vô cùng đặc biệt, thiêng liêng. Cảnh quan nơi đây rất đẹp, thanh bình, phù hợp với hình ảnh giản dị của Bác. Chắc không chỉ riêng tôi mà ai về thăm Nhà thờ Bác, dâng hương, dâng hoa mừng sinh nhật Người cũng cảm thấy bao nhiêu xúc cảm dâng tràn”.
Chị So H’Hiểu, người dân tộc Ba Na, Phó trưởng thôn Hòa Ngãi (xã Sơn Định) tự hào bày tỏ: “Tôi rất tự hào khi Nhà thờ Bác được xây dựng ngay tại địa phương của mình. Đây là điều kiện để bà con đồng bào dân tộc chúng tôi thường xuyên đến thăm, viếng Bác. Là một cán bộ thôn, tôi sẽ thường xuyên vận động bà con tham gia giữ gìn, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia thiêng liêng này để ngày càng có nhiều người đến với Bác hơn. Đồng thời ra sức học tập Bác, làm theo lời dạy của Người, ra sức xây dựng làng buôn, quê hương, đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như ước nguyện của Người”.
Một tin vui đến với người dân Sơn Hòa nói riêng và mọi người trong dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch UBND tỉnh vừa ra quyết định công nhận khu di tích Nhà thờ Bác Hồ là điểm du lịch đặc biệt của tỉnh. Và trong tương lai không xa, ở vùng căn cứ cách mạng này sẽ hình thành một huyện mới gồm các xã: Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa) và một số xã thuộc huyện Tuy An hiện nay. Đây sẽ là điều kiện để vùng cao nguyên này phát triển về mọi mặt; để mọi người dân trong tỉnh và du khách về thăm, viếng Bác ngày một đông hơn.
XUÂN HIẾU