Miền Nam đi trước về sau, cuộc chiến đấu hôm nay là sự tiếp tục mạnh lên gấp bội tiến tới toàn thắng. Điều mà chúng ta cần nhớ và tự hào nhất là lá cờ đỏ sao vàng ra đời trong máu lửa quê hương.
Đồng chí Cao Xuân Thiêm đóng khố “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con các dân tộc ở chiến khu Thồ Lồ (9/1954-1/1961) |
Nhiều người trong các anh, các chị, các chú, các bác còn nhớ thuở nhỏ, ở quê nhà, trong tiếng chày giã gạo rộn ràng, nghe ba má và các cụ già kể chuyện thầm thì về người chiến sĩ phong trào Cần vương Lê Thành Phương bị giặc bắt vẫn chửi vào giặc. Các sĩ phu yêu nước như các ông Bá Sự, Võ Trứ phất cờ khởi nghĩa sa vào tay giặc, bị chúng đưa ra pháp trường xử bắn, đứng trước mũi súng quân thù, đã kiên cường bất khuất như thế nào và nói những gì với đồng bào, bà con cô bác hồi đó nhớ hết.
Sau này, khi Đảng Cộng sản ra đời, ý thức cách mạng, ý thức về một Tổ quốc chân chính của nhân dân ta đã thấm vào các anh hùng chiến sĩ, thấm vào mỗi chúng ta cùng với dòng sữa mẹ. Không có gì lạ nếu chúng nó bịp bợm xoen xoét cái mồm “quốc gia”, “dân tộc” chi chi nữa cũng là bọn tội phạm chiến tranh, bọn lừa gạt lịch sử.
Khi tầm mắt vươn lên nhìn thẳng về phía trước thì con người ta càng có thêm muôn vàn lý do để tin yêu và chiến thắng, sẽ phát ra ngọn lửa chiến đấu bình dị nhưng dữ dội.
Trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này, nếu không có cách mạng, có Đảng, nếu không có tâm hồn và sức mạnh nòng cốt già dặn mà tươi trẻ đó của dân tộc thì cả cuộc đời ta đi đến đâu? Kẻ địch đang lồng lộn như hổ đói tìm mồi, biết bao lần chúng xông tới nhưng dễ gì chúng có thể đớp được mồi. Người cộng sản có mặt khắp mọi nơi, ở đâu có dân thì ở đó có người cộng sản ngẩng cao đầu không chút do dự, hiên ngang mà bình tĩnh đang đi giữa Phú Yên, đi giữa miền Nam.
Tính đến 15/5/1955, ngoài các chiến sĩ bộ đội và công an, Tỉnh ủy đã đưa 860 cán bộ dân chính Đảng chưa kể vợ con cán bộ và các cháu học sinh lên đường đi tập kết.
Khi hoàn thành công việc chuyển quân, khu và Tỉnh ủy quyết định phân công một số cán bộ ở lại hoạt động bí mật gồm các đồng chí: Nguyễn Đình Thành, Công Minh, Trần Quang Hiệu, Bùi Thị Vân, Lương Thúc Quý, Phạm Ngọc Giáo, Nguyễn Kiết, Võ Phi Phụng… (Tuy Hòa); Nguyễn Như, Lư Tý, Đặng Cược, Lương Đạt, Võ Lô, Lê Chí, Nguyễn Đức… (Tuy An); Đỗ Hòa Thái, Nguyễn Bảo, Nguyễn Thị Hữu… (Sông Cầu); Lương Công Huề, Lê Hàm, Nguyễn Duy Luân, Đinh Từ, Thung… (Sơn Hòa); Võ Mông, Cao Xuân Thiêm (Văn Công), Ma Noa, Ma Cử, Tô Trác, Bô… (Khu B - miền Tây); Lê Đài, Trần Suyền (Thường vụ Tỉnh ủy); Ba Vinh, Sơn, Sa, Dung, Phong, Liêm, Thông, Be, Hà, Hinh, Khánh (Văn phòng Tỉnh ủy). Số cán bộ đảng viên toàn tỉnh ở lại hoạt động bí mật lúc bấy giờ chưa được 50 đồng chí. Đầu năm 1960, khi Nghị quyết 15 ra đời, lúc đó, các bộ máy mới được tăng cường.
Hiệp định Geneve chưa ráo mực, chỉ tính từ tháng 9 đến tháng 11/1954, toàn tỉnh bị giặc thủ tiêu 720 người. Nhà lao Ngọc Lãng chật kín cán bộ, đảng viên và những người kháng chiến yêu nước. Từ nay đến tổng tuyển cử, hai miền thống nhất còn hy sinh biết bao sinh mạng nữa?
Mỗi cán bộ ở lại tùy theo trình độ, năng lực, vị trí công tác, quen thuộc địa bàn nào được phân công bám địa bàn ấy gọi là cán bộ “nằm vùng”. Tuyệt đối phải giữ bí mật, bí mật là sinh mệnh sống còn. Cán bộ công tác vùng nào chỉ biết vùng ấy. Công việc của địa phương nào chỉ biết địa phương ấy. Nơi ăn chốn ở của người nào chỉ biết người ấy. Quan hệ giao dịch với quần chúng phải có ý kiến cấp trên. Cấp trên phổ biến tình hình nhiệm vụ cho cấp dưới phải trực tiếp đến chỗ hẹn, gặp riêng từng đồng chí. Sinh hoạt chi bộ cơ sở thường sinh hoạt đơn tuyến, không họp chung. Những vấn đề quan trọng chỉ bí thư, phó bí thư biết. Đi lại phải soi nhiều đường, ở phải chọn nhiều hướng, nhiều địa điểm. Khi muốn đi ngang qua khu vực cơ quan đóng phải rút dép, nhón gót chân hoặc phải bẻ cành lá vừa đi vừa quét để xóa dấu vết.
Cột võng vào thân cây không để dấu lằn trên vỏ cây. Hút thuốc xong phải vò tàn. Nấu ăn xong phải đào lỗ phi tang dấu vết. Không được dùng sổ tay ghi chép linh tinh. Khi nghe cơ sở hay một đồng chí nào bị sa lưới giặc, lập tức phải dời chỗ ngay. Những đồng chí được cấp vũ khí chỉ trường hợp địch nổ súng trước mới được bắn trả…
Giai đoạn từ cuối 1954-1959, cán bộ nằm vùng sống vô cùng cơ cực. Có nhiều lúc phải ăn sắn hoang, rau rừng, nước suối, đốt rễ tranh ăn thay muối.
Số đồng chí hoạt động ở miền Tây, sống giữa rừng núi âm u, gia tài mang trên vai vỏn vẹn chỉ có cái gùi, tấm ni lông và tấm võng chống chọi với mưa nắng, đến bữa treo cà mèng lên cành cây nấu ăn, thậm chí không có ống diêm, ống quẹt, phải dùng một thanh thép nhỏ cọ vào đá cho có lửa ra mới có lửa nấu cơm.
Từ năm 1955 đến 1961, tôi phải cải trang đóng khố, để tóc dài quần chúng hóa. Có như vậy mới len lỏi được vào buôn, vào rẫy. Bọn địch từ Củng Sơn, La Hai, Vân Canh thường xuyên lên lùng sục. Chúng công bố trước mọi người “hễ ai bắt được cộng sản sẽ thưởng tiền”. Lúc ấy tôi phải đặt tên bốn lần: Ma Pốp, Ma Xí, Ma Xong, Văn Công. Anh Võ Mông đổi tên là Ma Tam. Anh Môn đổi tên là Ma Noa. Anh Khỏe đổi tên là Ma Cử… Ở đồng bằng còn khó khăn gấp bội, cán bộ thường xuyên phải thay đổi vùng.
Muốn bám được dân, muốn giữ vững được địa bàn hoạt động lâu dài phải có phong trào quần chúng đấu tranh. Muốn có phong trào đấu tranh trực diện với địch phải có cơ sở làm nòng cốt, làm chỗ dựa, làm cầu nối giữa Đảng với quần chúng. Phải tìm ra được những hạt giống đỏ vào thời ấy thật vô cùng khó khăn, gian khổ. Nếu chủ quan “bốc lấy lửa” thì chẳng những bản thân và gia đình cơ sở bị tù tội chém giết mà cả buôn làng, thôn xóm cũng sẽ bị triệt hạ.
Muốn sử dụng cơ sở vào bất cứ một công việc gì cần phải điều tra phân loại, nắm chắc tư tưởng, thái độ, hành động, quan hệ xã hội, giao việc đơn giản để thử thách, rèn luyện hết sức công phu, hiểu được lòng người ở thời buổi trời nghiêng, đất ngửa này quả là không dễ dàng. Xin đơn cử ra đây một vài loại cơ sở: Cơ sở nắm tình hình địch, nắm tình hình quần chúng; cơ sở nuôi giấu cán bộ; cơ sở đưa tài liệu, truyền đạt chủ trương; cơ sở mua hàng; cơ sở dẫn đường; cơ sở phát động quần chúng đấu tranh; cơ sở binh địch vận… cơ sở này không được biết tới cơ sở kia. Thậm chí trong một gia đình cũng vậy, nếu là cha, là mẹ, là chồng, là con dâu… đã thành cơ sở của cách mạng vẫn tuyệt đối giữ bí mật, không được cho người kia biết.
Với lứa tuổi thanh niên, chúng tôi hồi ấy chuyện sống chết không ngại, chuyện gian khổ càng coi thường mà chỉ “ngán” những cái “nguyên tắc bí mật ấy”. Đôi lúc thật gò bó căng thẳng. Sinh mệnh con người đúng như người xưa nói “ngàn cân treo sợi tóc”. Một vài anh em chọn lúc kín đáo “tâm tình” với nhau, cứ cơ sự này tức là mình hữu khuynh quá rồi còn gì? Tại sao ép mình? Nếu cứ tin vào Hiệp định Geneve, tin vào phương châm đấu tranh chính trị một chiều kéo dài kiểu này thì đến bao lâu nữa mới kết thúc. Thử tính xem chưa hết năm 1956 mà hơn một nửa cán bộ nằm vùng bị bắn chết. Mất ba đồng chí bí thư huyện trong số năm đồng chí. Ban Chấp hành Tỉnh ủy còn lại một đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền.
Nói là nói như vậy, vì thấy cảnh máu đổ đầu rơi nói cho hả, bớt ấm ức, dằn vặt trong người chứ thực ra không phải không nhận thức được cái khó khăn phức tạp. Thực lực trong tay lúc này “không có một tấc sắt”, chưa một thôn xã nào có chi bộ Đảng thì làm sao mà đánh với đấm? Nôn nóng khởi sự lúc này là phiêu lưu, nguy hiểm, sẽ bị chúng tiêu diệt, một số cán bộ sa vào lưới giặc xét cho cùng không phải là Mỹ - ngụy tài giỏi mà do các anh em bị mất cảnh giác, chủ quan thiếu kinh nghiệm hoạt động trong vùng địch. Việc xây dựng cơ sở “chọn mặt gửi vàng” cứ theo cảm tính nên “bốc phải lửa”.
Ở miền núi khác hơn đồng bằng. Đất rộng, người thưa, núi rừng hiểm trở, giai cấp đối kháng ít quyết liệt hơn miền xuôi, lòng dân ta nắm, chủ làng ta tranh thủ thuyết phục, các tổ chức chính trị xã hội hầu hết chịu sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền cơ sở của địch chỉ là cái vỏ bên ngoài, bên trong ta nắm (chính quyền hai mặt).
Tuy nhiên, đối với kẻ địch, chúng cũng thừa hiểu những đặc điểm của miền núi. Do đó, chúng cũng có mưu kế bám chặt, luồn sâu bằng mọi thủ đoạn nắm cho được các già làng, mua chuộc đi đôi với khủng bố, dồn dân, cố cắt đứt quan hệ giữa Đảng với quần chúng, giữa đồng bằng với miền núi. Thế nhưng, chúng cũng không moi được tin tức và dấu vết ăn ở đi lại của cán bộ.
Có thể khẳng định rằng, trong những năm tháng cách mạng cực kỳ đen tối, nếu không có lòng dân với dãy Trường Sơn hùng vĩ nuôi nấng, che chở thì lực lượng cách mạng khó khăn biết chừng nào. Có hiểu rõ lịch sử các dân tộc trên rừng núi Tây Nguyên và miền Tây tỉnh Phú Yên mới thấy được cây cách mạng đâm chồi nảy lộc ra hoa.
PHAN THANH
(Ghi theo lời kể của đồng chí Cao Xuân Thiêm, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ)