Thứ Hai, 18/11/2024 09:18 SA
Một chủ đề, một giải thưởng giàu sức cuốn hút và lan tỏa
Thứ Sáu, 15/05/2015 10:05 SA

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, thành lập Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (sau đây gọi tắt là Giải thưởng).

 

Lễ trao giải thưởng vào tối 13/5 - Ảnh: Internet

 

Trong gần 5 năm qua, đã có hàng chục nghìn tác phẩm, công trình của hàng trăm, hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân tham gia sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên các phương tiện, loại hình văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản. Lĩnh vực văn học, nghệ thuật là các bộ môn văn xuôi, thơ, kịch nói, kịch hát, truyện kể dân gian, lý luận phê bình, mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, múa, điện ảnh... Lĩnh vực báo chí là báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, ảnh báo chí...

 

Điều ghi nhận đầu tiên là rất nhiều nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học, người làm công tác sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia Giải thưởng với tâm huyết, trách nhiệm và lao động sáng tạo bền bỉ, nghiêm túc. Đó là đóng góp quý báu của giáo sư Trần Văn Giàu và gia đình qua tác phẩm “Hồ Chí Minh - chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại”. Đó là tác phẩm và đóng góp quý báu của giáo sư Phong Lê với tác phẩm “Thơ văn Hồ Chí Minh - Những giá trị vĩnh cửu”; là sáng tác mới của nhạc sĩ Đinh Quang Hợp và nhiều bậc cao niên khác, tuy tuổi đã cao nhưng mạch nguồn cảm xúc, bút lực và khả năng nghiên cứu, sáng tạo về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn luôn dồi dào, mới mẻ. Đó là công trình tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” của các tác giả Phạm Bá Đua, Lê Lạng Lương và các đơn vị thuộc tỉnh Gia Lai thực hiện; loạt bài “Các mô hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Đồng Nai” của Hà Thị Thanh Thúy, Báo Đồng Nai; tác phẩm “Già làng Hồ Văn Dinh làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Nguyễn Văn Sơn, Tạp chí Cộng sản; loạt bài “Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị - Kinh nghiệm ở Lào Cai” của các tác giả Lê Ngọc Long, Nguyễn Hồng Hải, Lại Nguyên Thắng, Báo Quân đội nhân dân...

 

Mảng đề tài mang đậm tính thời sự, tính chính luận: bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc được nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo quan tâm và thể hiện thành công: tranh khắc gỗ “Kỷ vật người lính biển” của Phạm Hùng Cường; tranh lụa “Làm chủ biển khơi” của Việt Anh; ảnh nghệ thuật “Biển gọi” của Minh Nhật; tác phẩm múa “Lính đảo” của Hoàng Minh Hưng; tranh sơn dầu “Mắt đảo” của Phạm Phi Trường, tác phẩm báo in “Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông: học Bác từ những việc nhỏ” của Cẩm Vân... Đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” được nhiều tác giả thể hiện thành công...

 

Từ nhiều phương trời, các tác giả là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc xa Tổ quốc và các bạn nước ngoài có tình cảm sâu nặng với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tích cực tham dự giải. Đảng viên Nhữ Đình Cường, tổ đảng vùng Tam-bốp, thuộc Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Liên bang Nga với tác phẩm tranh vẽ “Chân dung Hồ Chủ Tịch”; tác giả Nguyễn Minh Châu, Hội người Việt Nam tại Viêng Chăn, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, với tác phẩm thơ “Cảm xúc xuân”; tác giả Thennacun, công dân Sri Lanka với tác phẩm tranh vẽ “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” tác giả I.Vaxingiê, tiến sĩ ngôn ngữ học Cộng hòa Séc với tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam”; tác giả A.Anphrét, nguyên Tham tán Công sứ Hunggari tại Việt Nam với tác phẩm “Gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm không bao giờ quên”... Đảng ủy Ngoài nước vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng sưu tầm, bảo quản, giới thiệu, quảng bá hơn 160 tư liệu, hiện vật, công trình, tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài sáng tác, ca ngợi Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Ở đợt trao giải thưởng lần thứ hai này (tháng 5/2015), điều đáng mừng là số lượng các tác phẩm, danh sách các đơn vị, cá nhân tham dự Giải thưởng tăng gần gấp hai lần so với đợt một. Có gần 300 tác phẩm, công trình được chọn vào vòng chung khảo. Trong số các tác giả, tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, có một số người thuộc các dân tộc thiểu số như nhà văn Y Điêng (dân tộc Ê Đê), nhà văn Hoàng Quảng Uyên, nhà thơ Hoàng Choóng (dân tộc Tày), nhà thơ Prékimalamak (dân tộc Chơ Ro), nhà văn Phú Văn Hẳn (dân tộc Chăm)...; có những bậc cao niên như các giáo sư Vũ Khiêu, Hà Minh Đức, Trần Văn Bính... và rất nhiều người trẻ; có cả người nước ngoài như họa sĩ M.Roi-a người Chilê; có tập thể, cá nhân đang công tác, học tập ở nước ngoài và kiều bào ta ở Anh, Australia, Sri Lanka... Các tác phẩm được trao giải A đợt này vừa bám sát chủ đề, vừa có nhiều sáng tạo, giàu cảm xúc, giàu tính văn hóa và sức lan tỏa, đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật. Đó là tác phẩm “Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người” của giáo sư Hà Minh Đức; loạt bài “Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 ở tỉnh Bình Thuận” của Ngọc Long, Tấn Tuân, Kim Anh, Báo Quân đội nhân dân; tuyển tập thơ dân gian “Người vùng cao nhớ ơn Bác Hồ” của Chi hội Văn nghệ dân gian Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang; công trình kiến trúc “Khu nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị” của kiến trúc sư Nguyễn Thị Tuyết Mai và các cộng sự; tác phẩm ảnh “Sức mạnh chính nghĩa trên biển Đông” của Nguyễn Đăng Khoa, Báo Nhân Dân; phim truyện “Thầu Chín ở Xiêm” của Đinh Thiên Phúc (biên kịch), Bùi Tuấn Dũng (đạo diễn); vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử”, biên đạo: Phạm Anh Phương, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Thị Tuyết Minh, âm nhạc: Đỗ Hồng Quân, Đặng Hùng, Đỗ Bảo; hợp xướng “ATK - Hồ Chí Minh” của Minh Quang; tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang” của Lê Lạng Lương, Nguyễn Hồng Phong, Phạm Bá Đua; vở kịch “Quyết đấu giữa sương mù” của Chu Lai (kịch bản), Lê Hùng (đạo diễn); đơn vị duy nhất được trao giải A về thành tích quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí là Nhà xuất bản Công an nhân dân.

 

Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Giải thưởng ghi nhận, biểu dương các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân đã có nhiều nỗ lực và sáng tạo trong việc quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong mấy năm qua. Tiêu biểu là Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, TTXVN, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Báo Hà Nội mới, Thư viện Quốc gia Việt Nam và nhiều đơn vị, cá nhân được trao giải thưởng đợt một và đợt hai.

 

Để góp phần tạo nên sức bền, sức lan tỏa, tác dụng, hiệu quả của giải, có đóng góp không nhỏ của các đơn vị: Ban Tuyên giáo Trung ương - cơ quan chỉ đạo và thường trực giải thưởng; các đơn vị tham gia phối hợp đã nêu ở trên. Các cơ quan này đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc chỉ đạo, tổ chức, động viên các cơ quan báo chí, văn hóa, văn nghệ và đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ nhà báo đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, cống hiến rất đáng trân trọng đó đã góp phần làm nên thành công của giải thưởng; góp phần thực hiện một cách thiết thực, sinh động Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; về vị trí, vai trò của đạo đức đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội; khẳng định đạo đức là “gốc” của mỗi con người, mỗi đơn vị, nhất là người cán bộ cách mạng; cần thường xuyên trau dồi, vun đắp để gốc vững, cành tươi, đơm hoa, kết trái trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Hồ Chí Minh - cuộc đời và sự nghiệp của Người; tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, những đóng góp hết sức xuất sắc của Người cho đất nước và nhân loại trên tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới luôn là niềm tự hào, sự ngưỡng mộ, nguồn cảm hứng lớn lao cho nhiều người, nhiều giới, nhiều dân tộc, nhiều nước, cả trên phương diện chính trị, văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí... Chúng ta còn nhớ, trong những sáng tác của mình, có bạn nước ngoài từng viết “Tên Người là Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh - Việt Nam”, “... Ở Hồ Chí Minh tỏa ra ánh sáng của một nền văn hóa, không phải của châu Âu, có lẽ là nền văn hóa của tương lai”. Chủ đề về Hồ Chí Minh, về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, về sự hóa thân tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống hôm nay và mai sau sẽ là nguồn cảm hứng, sự thôi thúc sâu xa, nhu cầu sáng tạo tự thân của mỗi nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ. Thiết nghĩ, từ kết quả và bài học đã có, các cơ quan văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, anh chị em văn nghệ sĩ, nhà báo cần tiếp tục đẩy mạnh việc sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đưa giải thưởng này tiếp tục thu được nhiều thành tựu và đóng góp to lớn, quan trọng.

 

238 giải thưởng cho sáng tác chủ đề học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

 

Thiết thực kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 13/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương tổ chức Lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đợt 2 (2013-2015).

 

Theo Ban Chỉ đạo Giải thưởng, trong đợt sáng tác, quảng bá các tác phẩm lần này, số lượng các đơn vị, cá nhân tham gia tăng, không chỉ ở các thành phố, đô thị mà nhiều tác giả ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Không ít tác giả đang sống và làm việc tại Anh, Australia, Sri Lanka; là người các dân tộc Chăm, Châu Ro, Tày, Ê Đê...; là người nước ngoài...

 

Phần lớn các tác phẩm, các công trình đã bám sát chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; góp phần động viên, khuyến khích, cổ vũ, nhân lên những việc làm tốt trên các lĩnh vực đời sống, công tác. Sau nhiều vòng xét chọn với 700 tác phẩm thuộc các thể loại từ các địa phương, hội văn học nghệ thuật, Hội đồng Chung khảo đã thẩm định và chọn 217 tác phẩm, công trình, ấn phẩm tiêu biểu; 21 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá, đề nghị Ban Chỉ đạo Giải thưởng trao giải. Trong đó, Phú Yên có 3 tác phẩm đạt giải, gồm: Tác phẩm “Kể chuyện đời tôi theo thời gian” của nhà văn Y Điêng (huyện Sông Hinh) giải B; ca khúc “Khắc ghi lời Bác dạy” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang (Hội VHNT tỉnh) giải C; tranh sơn dầu “Con của biển” của họa sĩ Trần Quyết Thắng (TP Tuy Hòa) giải C.

 

Phát biểu lại Lễ trao giải, đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá cao và biểu dương Ban Chỉ đạo Giải thưởng, các đơn vị tham gia phối hợp như Văn phòng Trung ương Đảng; Bộ VH-tt-dl; Bộ TT-TT; Bộ Quốc phòng… Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng; các ban, bộ, ngành, đoàn thể và địa phương; Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải thưởng tăng cường chỉ đạo, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tác giả sáng tác, quảng bá nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí có giá trị, góp phần thiết thực, triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; lan tỏa những điển hình tập thể và cá nhân, những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, sáng tạo, những hình tượng nghệ thuật làm lay động lòng người; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc về tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Theo nhandan

 

PGS, TS NGUYỄN THẾ KỶ

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek