Chiến dịch Hồ Chí Minh thực chất là “chiến dịch chiến lược tổng hợp tiến công và nổi dậy”. Đây là một trong ba đòn tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, là đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Trong đó, vấn đề cơ bản nhất là lật đổ chính quyền tay sai Mỹ, giành chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân.
Trước hết, sự hình thành “chiến dịch chiến lược”, bắt đầu từ tạo thế của lực lượng vũ trang tại chỗ. Với sự kiện giải phóng tỉnh lỵ Phước Long cùng những thắng lợi giòn giã trên toàn chiến trường miền Nam từ đầu mùa khô 1974-1975, Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam. Nhưng cho đến lúc đó cũng chưa đủ cơ sở để có thể xác định phương hướng cụ thể cho cuộc tổng tiến công chiến lược trong năm 1975. Phải đến sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị mới chính thức khẳng định: “Với Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, cuộc tổng tiến công chiến lược thực tế đã bắt đầu”. Đồng thời chỉ rõ thời cơ chiến lược mới đã xuất hiện và hạ quyết tâm tiến hành đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng vào sào huyệt ngụy quyền tại Sài Gòn trong thời gian nhanh nhất, với phương châm hành động: “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Như vậy, Chiến dịch Hồ Chí Minh trên thực tế được hình thành trong quá trình cuộc tiến công nổi dậy, mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp theo là Chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Đó là 3 đòn tiến công chiến dịch nối tiếp và liên kết chặt chẽ với nhau. Trong đó vai trò Chiến dịch Hồ Chí Minh là đòn quyết định, với địa bàn là chiến trường Nam Bộ, hướng tiến công chiến lược là miền Đông Nam Bộ, mục tiêu chủ yếu là Sài Gòn - Gia Định.
Quá trình phát triển chiến dịch chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn tác chiến tạo thế trực tiếp: bắt đầu từ trận tiến công Xuân Lộc - Long Khánh cho đến khi hoàn thành triển khai thế bao vây chia cắt chiến lược và chiến dịch xung quanh Sài Gòn (8 đến 25/4).
Giai đoạn thực hành tổng tiến công và nổi dậy: bắt đầu từ khi các quân đoàn cơ động chuyển sang tổng tiến công tuyến phòng thủ vòng ngoài, đến lúc giải phóng hoàn toàn TP Sài Gòn - Gia Định (26 đến 30/4).
Giai đoạn phát triển thắng lợi: Tiếp tục tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (30/4 đến1/5).
Sau khi ta giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và phần lớn vùng ven biển miền Trung, địch chủ trương co về giữ Quân khu 3 và Quân khu 4, trong đó có Sài Gòn - Gia Định, với lực lượng khá lớn: 10 sư đoàn tăng cường, 3 sư đoàn không quân, 8 liên đoàn biệt động quân, 11 thiết đoàn, 33 tiểu đoàn pháo binh, 27 liên đoàn địa phương quân… Tuy tinh thần quân ngụy hoang mang giao động mạnh nhưng chưa đến mức tan rã, hỗn loạn; phần lớn lực lượng địch được bố trí tập trung thành nhiều tuyến xung quanh Sài Gòn… Với khả năng chi viện tối đa hỏa lực không quân, pháo binh, địch hy vọng có thể ngăn chặn, làm chậm sự phát triển tiến công của quân ta, cố kéo dài đến mùa mưa để gượng lại nếu được Mỹ tiếp sức, hoặc có thể tranh thủ một giải pháp thương lượng ít thua thiệt nhất.
Để tạo thế trận cho chiến dịch như vậy, quân và dân miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định đã trải qua những cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt trong suốt 18 ngày đêm.
Về phía địch, đây cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và khả năng trụ lại chống đỡ của quân ngụy đang trên đà sụp đổ. Đánh giá về giai đoạn này với trận mở đầu Xuân Lộc, Alan Dawson, bình luận viên quân sự Mỹ, viết: “Xuân Lộc là chìa khóa phòng thủ Sài Gòn. Để mất Xuân Lộc là mở cửa cho thủ đô bị tiến công trực diện. Cũng ngang tầm quan trọng như vậy, việc mất Xuân Lộc sẽ làm cho Sài Gòn sa sút nặng đến mức sự đầu hàng có phải được cân nhắc thành một giải pháp tích cực”.
Về phía ta, với thắng lợi đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc và thế trận tạo ra được trong giai đoạn 1 của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã làm tiêu tan những hy vọng mỏng manh cuối cùng về khả năng có thể gượng dậy của quân ngụy, đồng thời châm ngòi cho giai đoạn mới của sự hỗn loạn trong tuyệt vọng của ngụy quyền Sài Gòn trước giờ phút sụp đổ hoàn toàn.
Cũng chính thế trận như vậy đã diễn ra giai đoạn thực hành tổng tiến công và nổi dậy giáng đòn sấm sét quyết định vào hang ổ địch, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân:
Từ 26 đến 28/4, thực hành tổng tiến công đột phá toàn bộ tuyến phòng thủ mạnh nhất trực tiếp bảo vệ Sài Gòn, kìm giữ để tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của Quân đoàn 3 và lực lượng tổng trù bị còn lại, đè bẹp mọi sự đề kháng của địch ngay từ đầu bằng sức mạnh áp đảo.
Từ 29 đến 30/4, tiếp tục phát triển tiến công trên toàn bộ chính diện, từ nhiều hướng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm 5 mục tiêu đầu não của địch, kết hợp với cao trào tổng nổi dậy giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn TP Sài Gòn - Gia Định.
Với nghệ thuật chiến dịch và chiến lược được xác định đúng ngay từ đầu và thực hành hết sức linh hoạt sáng tạo trong điều kiện thực tế tương quan lực lượng giữa ta và địch diễn biến từng ngày, ta đã thực hành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, quân và dân ta đã tiến công bằng một chiến dịch hiện đại quân binh chủng hợp thành với quy mô lớn nhất (tương đương 5 quân đoàn tăng cường, không kể lực lượng địa phương), kết hợp chặt chẽ với cao trào nổi dậy của quần chúng nhân dân để giải phóng một thành phố lớn có tầm cỡ quốc tế trong một thời gian kỷ lục.
S.THÀNH - T.BÌNH