Những ngày cuối thang 4/1975, tình hình diễn biến cho thấy thế trận của ta bày ra rất hiểm và đưa địch vào con đường chết. Chúng biết hướng tiến công chủ yếu của ta là bắc và tây bắc Sài Gòn nên bố trí ở đây 2 sư đoàn 5 và 25 với ý định phòng ngự từ xa hoặc co cụm về giữ Sài Gòn. Nhưng thế trận sáng 30/4 thì các sư đoàn 5 và 25 dù muốn rút về Sài Gòn cũng không còn được nữa vì ta đã vây chặt ở vòng ngoài và phóng những mũi đột kích vào nội thành. Mất Đồng Dù, Sư đoàn 25 tan rã, cửa phía tây bắc coi như đã trống trơn.
Sư đoàn 10, đơn vị thọc sâu của Quân đoàn 3 sau khi đập nát căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) ngày 29/4, đã đánh chiếm chi khu Hóc Môn, quân trường Quang Trung, tiến xuống ngã ba Bà Quẹo.
Sáng 30/4, Sư đoàn 10 tiến công sân bay Tân Sơn Nhất và một bộ phận phối hợp với Quân đoàn 1 đánh vào Bộ tổng tham mưu ngụy. Pháo binh quân đoàn bắn mạnh vào Bộ tư lệnh Quân dù, Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh Không quân và Sở Chỉ huy Sư đoàn 5 không quân ngụy; yểm trợ cho bộ binh và xe tăng ta từ Bà Quẹo tiến xuống ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả. Địch dùng quân dù và xe tăng, có máy bay từ sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) lên yểm trợ, ngăn chặn ta. Trung đoàn 24 xe tăng của quân đoàn bị thương vong nhiều. Bộ tư lệnh Quân đoàn phải tăng cường pháo 85 cho Trung đoàn 24, bắn thẳng, diệt các ổ đề kháng và xe tăng địch, yểm trợ cho bộ binh đánh tan lực lượng địch ngăn chặn. Giữa bom đạn khói lửa mù mịt, Trung đoàn 24 tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất lúc 9 giờ 30, theo hai cổng số 4 và số 5, sau đó lần lượt đánh chiếm khu thông tin, Sở chỉ huy Sư đoàn 5 không quân, Bộ tư lệnh dù và Bộ tư lệnh Không quân ngụy; bắt liên lạc với phái đoàn quân sự ta ở trại Davis. Đến 13 giờ, ta làm chủ hoàn toàn sân bay.
Cùng thời gian trên, Trung đoàn 28 và Tiểu đoàn 2 xe tăng thuộc Trung đoàn 273 diệt các ổ đề kháng của địch, đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy từ phía cổng số 1. Tại đây một bộ phận của Lữ đoàn đặc công - biệt động 316 và Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B thuộc Quân đoàn 1 đã chiếm một phần lớn căn cứ này từ phía cổng 2, cổng 3 và cắm cờ trên tòa nhà Bộ tổng tham mưu ngụy.
Trên hướng bắc, Sư đoàn 5 ngụy giữa căn cứ Lai Khê trên đường 13, cách Sài Gòn 50km, bị Quân đoàn 1 tiến công dữ dội. Đây vốn là căn cứ Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” Mỹ thiết lập từ năm 1965. Khi mất liên lạc với Sở chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy và nhận thấy tình hình Sài Gòn cực kỳ nguy ngập, chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ, tư lệnh Sư đoàn 5 ra lệnh tập trung xe cộ chuyển toàn bộ sư đoàn về Sài Gòn. Nhưng đường lui quân đã bị ta chiếm giữ, chúng không còn biết rút đi đâu. Lê Nguyên Vĩ rút súng tự sát. Sư đoàn phó chạy trốn, cơ quan tham mưu Sư đoàn 5 ngụy bị bắt gọn.
Một cánh quân khác của Sư đoàn 312 thuộc Quân đoàn 1 tiến công tiêu diệt, bức hàng toàn bộ quân địch ở căn cứ Phú Lợi gần lực lượng tiểu khu Bình Dương và một bộ phận của Sư đoàn 5.
Dự đoán đúng đường rút lui của địch, quân ta bố trí tại khu vực An Lợi trên đường 14, bắt gọn 36 xe và 1.200 tên. Tại khu vực Búng trên đường 13, quân ta bắt 7.000 sĩ quan, binh lính thuộc Sư đoàn 5 ngụy chạy về Lái Thiêu.
Trong khi đó, Sư đoàn 320 với sự phối hợp của các binh chủng của Quân đoàn 1 đánh chiếm Lái Thiêu, tiến về cầu Bình Triệu. Trên đường tiến quân, đơn vị đã tiêu diệt, phá hủy và bắt 180 xe các loại của Lữ đoàn 3 kị binh, sau đó phát triển về khu vực bộ tư lệnh các binh chủng của địch ở Gò Vấp. Đến 10 giờ 30, cùng một bộ phận của Lữ đoàn Đặc công 316 chiếm các căn cứ Cổ Loa, Phù Đồng (Bộ tư lệnh Pháo binh - thiết giáp) và chiếm cầu An Phú Đông. Một cánh quân khác của sư đoàn phát triển qua cầu Bình Phước (nơi Trung đoàn 115 đặc công đã đánh chiếm và đang giữ), tiến về Bình Triệu, diệt và làm tan rã lực lượng còn lại của Lữ đoàn 3 kỵ binh, bắt xe tăng địch dẫn đường cho quân ta tiến về Bộ tổng tham mưu ngụy.
Sư đoàn 18 trên đường rút chạy về Thủ Đức, quá hoảng sợ khi thấy quân ta đã chặn ở phía trước. Tư lệnh sư đoàn và sĩ quan tham mưu trút bỏ quân phục, trang bị, trà trộn vào đám tàn quân hỗn loạn rút về hướng Sài Gòn.
Trên hướng đông, Quân đoàn 4 (từ 7 đến 9 giờ sáng) tập trung lực lượng đánh chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy, Hốc Bà Thức (sát sân bay Biên Hòa), đánh tan quân địch chống cự ở Hố Nai, Tam Hiệp, cấp tốc tiến vào Sài Gòn.
Cánh quân đoàn 2 sau một đêm điều chỉnh đội hình bổ sung hiệp đồng, sáng 30/4, binh đoàn thọc sâu, dưới sự chi viện của 3 trận địa hỏa lực, có đặc công - biệt động dẫn đường, vượt cầu xa lộ sông Đồng Nai, nhắm thẳng hướng Sài Gòn. Dọc đường tiến quân đã diệt các ổ đề kháng ở Thủ Đức và phía bắc cầu Rạch Chiếc. (Cầu này do Lữ đoàn 316 đặc công - biệt động đã đánh chiếm và giữ nguyên vẹn từ 28/4). 9 giờ 30, đơn vị xe tăng dẫn đầu đội hình quân đoàn đã tiến qua cầu Rạch Chiếc.
Những bộ phận đi đầu của Đoàn 232 trên hướng tây nam và nam, tiến gần về phía Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát ngụy.
Trên đường số 4, quân ta vận động tiến công tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Sư đoàn 22 ngụy mới khôi phục và Liên đoàn 6 biệt động ngụy, giải phóng TX Tân An, đánh chiếm chi khu Thủ Thừa.
Trong cơn tuyệt vọng, ngụy quyền Sài Gòn còn cố vớt vát bằng cách triệu tập các tổng trưởng ngụy tại dinh Độc Lập để làm lễ ra mắt “tân nội các” vào lúc 10 giờ. Tuy nhiên trước đó vào lúc 9 giờ 25, họ đã được tin 4 Sư đoàn: 5, 18, 22, 25, các lữ đoàn thủy quân lục chiến, thiết giáp bị đánh tan nát, giải phóng quân đã chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu, xe tăng đã vượt qua các cầu trên sông Sài Gòn, thành phố bị chia cắt hẳn với Quân khu 4 ở đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình không còn gì nữa, nội các mới đưa ra bản tuyên bố và ghi âm rồi đưa sang đài phát thanh Sài Gòn. Nội dung bản tuyên bố, Dương Văn Minh đề nghị “ngừng bắn… để cùng thảo luận về phương thức bàn giao chính quyền trong trật tự”. Đến lúc này mà địch còn dùng thủ đoạn hòng ngăn chặn bước tiến của quân ta đến đích toàn thắng. Bản tuyên bố được phát lúc 9 giờ 30, nhưng nhiều bộ phận quân ngụy vẫn tiếp tục chống cự.
Chặn đứng âm mưu của địch, Bộ Chính trị chỉ thị ngay cho mặt trận: “Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch”.
Bộ chỉ huy chiến dịch, sau khi thảo luận, ra mệnh lệnh gửi ngay cho các quân khu, quân đoàn và các đơn vị trên toàn mặt trận:
“Các quân khu, quân đoàn, đơn vị tiếp tục phát triển tiến công thật nhanh vào các khu vực và mục tiêu đã quy định trong thành phố và địa phương.
Kêu gọi quân địch đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí, bắt giữ và tập trung các sĩ quan từ cấp tá trở lên.
Nếu nơi nào địch chống cự thì lập tức tiến công tiêu diệt ngay”.
Khi nhận được mệnh lệnh, các đơn vị tuyệt đối chấp hành. Mặc dù vậy, trước đó, khi chưa nhận được mệnh lệnh khẩn cấp này, nhưng nghe tin địch yêu cầu ngừng bắn, cán bộ, chiên sĩ ta vẫn hừng hực khí thế tiến vào Sài Gòn và “tuyên bố” không có chuyện ngừng bắn, cứ tiếp tục tiến công, thời cơ ngàn năm có một!
Lúc này khí thế nổi dậy của nhân dân các địa phương và từ ngoại thành vào nội đô càng mạnh mẽ. Trên các hướng bộ đội hành tiến, những rừng cờ giải phóng mọc lên; đồng bào ra đường vẫy cờ chào đón, hợp sức với lực lượng tại chỗ giành chính quyền, truy bắt tàn binh và gọi hàng địch, hướng dẫn các cánh quân vào thành phố… Sức mạnh của quần chúng nhân dân được kích thích, hợp với sức mạnh vũ bão của các đạo quân, tạo nên một sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn đè bẹp quân thù trong giờ phút lịch sử.
Năm cánh quân đánh chiếm 5 mục tiêu đầu não địch trong thành phố, đến lúc này Quân đoàn 3 và Quân đoàn 1 đã hoàn thành nhiệm vụ chiếm giữ Bộ tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực các binh chủng của địch ở Gò Vấp.
Quân đoàn 2 sau khi vượt cầu Rạch Chiếc, đoàn xe tăng dẫn đầu đến cầu Sài Gòn. Hai xe đi đầu đội hình tăng tốc vượt được nửa cầu thì bị 2 xe tăng địch phía tây cầu bắn cháy. (Cầu này Tiểu đoàn 4 Thủ Đức đánh chiếm và giữ, nhưng đến 7 giờ sáng 30/4 mới chiếm được phía đông cầu. Phía tây (Sài Gòn) địch còn chốt giữ). Đội hình xe tăng phải dừng lại ở đầu cầu phía đông để tổ chức hỏa lực diệt địch ở đầu cầu phía tây. Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ cầm cờ hiệu và điện đài chỉ huy tốp xe dẫn đầu vượt cầu, bị trúng đạn địch và hy sinh trên tháp pháo. Đoàn tăng tiếp tục vượt và bị địch bắn hỏng hai chiếc. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy đại đội 4 vượt qua cầu. Địch bỏ chạy về phía ngã tư Hàng Xanh. Ta bám sát bắn cháy 1 xe tăng và tiếp tục bắn cháy 1 xe tăng khác cùng 1 chiếc thiết giáp đang ngoan cố chống trả ở đầu cầu Thị Nghè.
Qua cầu Thị Nghè, một nữ chiến sĩ biệt động của Lữ đoàn 316 lên xe tăng cùng Đại đội trưởng Phạm Duy Đô làm nhiệm vụ dẫn đường cho binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến về dinh Độc Lập theo đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) rồi rẽ trái vào đại lộ Thống Nhất (nay là Lê Duẩn). Một số chiến sĩ biệt động đã có mặt trước dinh tổng thống ngụy. Trong dinh cũng đã có mặt một số cán bộ tình báo chiến lược của ta như: Tô Văn Cang, Vũ Ngọc Nhạ…
Chiếc xe tăng đầu tiên của Quân đoàn 2 húc đổ cánh cổng sắt, tiến vào dinh Độc Lập… Xe tăng vừa dừng trước tiền sảnh dinh, chiến sĩ lái xe Bùi Ngọc Vân cầm cờ giải phóng chạy lên tầng 2 phất mạnh trước sự reo mừng của đồng bào đứng trước cổng. Trong lúc đó, trung úy Bùi Quang Thận cùng một số chiến sĩ tiến thẳng lên ban công tầng thượng (tầng 6), giật bỏ cờ ngụy, kéo lá cờ giải phóng lên. Lúc đó là 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, báo hiệu thời điểm kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Trong lúc đó, Trung đoàn Phó Phạm Xuân Tuệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ xe tăng, bộ binh, công binh, pháo binh, vệ binh của binh đoàn và một số chiến sĩ biệt động Sài Gòn tiến vào phòng nội các, bắt toàn bộ bọn đầu sỏ ngụy quyền trung ương.
Lữ đoàn trưởng Nguyễn Tấn Tài và Chính ủy Lữ đoàn 203 xe tăng, chỉ huy đơn vị đánh chiếm mục tiêu dinh Độc Lập, là những người đầu tiên thay mặt quân ta bắt Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đến máy ghi âm bản tuyên bố đầu hàng, đọc trên đài phát thanh, nguyên văn:
“Tôi Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực Việt Nam cộng hòa bỏ vũ khí đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng. Tôi tuyên bố chính quyền từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao toàn bộ cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
HỒ SĨ THÀNH