Tối 24/4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Phi, kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955, 10 năm Quan hệ Đối tác chiến lược mới Á - Phi.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (hàng đầu, thứ 5 từ phải sang) chụp ảnh chung với các trưởng đoàn dự Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung - Ảnh: TTXVN |
Nhân dịp này Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trả lời phỏng vấn TTXVN về kết quả chuyến tham dự.
* Xin thứ trưởng cho biết ý nghĩa của Hội nghị Á - Phi 1955 đối với thế giới và Việt Nam?
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, một trật tự thế giới mới dần được hình thành. Tuy nhiên, các nước mới giành được độc lập chưa có được vị trí và tiếng nói tương xứng trong trật tự đó. Rất nhiều nước Á - Phi còn sống dưới chế độ thực dân. Hội nghị Bandung năm 1955 là hội nghị đa phương đầu tiên của các nước đang phát triển, các nước mới giành được độc lập để phối hợp hành động vì các lợi ích chung là xoá bỏ chủ nghĩa thực dân và hợp tác để phát triển.
Hội nghị có 3 ý nghĩa quan trọng: Thứ nhất, cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội của Việt Nam năm 1954, Hội nghị trước hết là sự cổ vũ mạnh mẽ cho Phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới. Chỉ trong vòng 5 năm sau Hội nghị, có trên 20 nước châu Phi giành được độc lập.
Thứ hai, hội nghị là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới về hợp tác, đoàn kết giữa các nước đang phát triển, đưa đến sự thành lập Phong trào KLK năm 1961, Nhóm 77 năm 1964 và cơ chế hợp tác Nam-Nam…
Thứ ba, với việc thông qua 10 nguyên tắc Bandung, hội nghị đã có đóng góp to lớn vào việc xây dựng những quy tắc ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia, trong đó có những nguyên tắc rất quan trọng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm lược hoặc đe dọa xâm lược hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Với Việt Nam, chúng ta đến dự Hội nghị sau chiến thắng Điện Biên Phủ, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với Phong trào giải phóng dân tộc, các nước Á - Phi nói chung và là đóng góp hết sức có ý nghĩa đối với Hội nghị nói riêng. Đồng thời, Hội nghị Bandung là diễn đàn rất quan trọng để chúng ta tranh thủ sự đoàn kết, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, cũng như làm nền tảng cho sự hợp tác phát triển sau này.
* Xin thứ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả chính của hội nghị năm nay?
- 60 năm sau Hội nghị Bandung, các nước Á - Phi đều đã trở thành các quốc gia độc lập, có chủ quyền, nhưng vẫn chịu những sự bất công, bất bình đẳng và nhiều thiệt thòi trong quan hệ quốc tế.
Diễn ra vào lúc tình hình thế giới có những chuyển biến phức tạp, đồng thời Liên Hợp Quốc đang hoàn tất xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, hội nghị lần này là dịp để các nước Á - Phi cùng thống nhất hành động, phấn đấu vì một trật tự thế giới công bằng hơn, ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức chung về hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Hội nghị đã thông qua 3 văn kiện gồm Thông điệp Bandung về Tăng cường hợp tác Nam - Nam để thúc đẩy hoà bình và thịnh vượng trên thế giới, Tuyên bố về Tăng cường sức sống của Quan hệ đối tác chiến lược mới Á - Phi và Tuyên bố về Palestine gồm các nội dung chính sau:
Thứ nhất, về chính trị, các văn kiện nhấn mạnh vai trò của Liên Hợp Quốc trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế phù hợp các nguyên tắc Bandung, trong đó có các nguyên tắc không sử dụng vũ lực, không gây sức ép, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Vai trò của các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa và giải quyết hoà bình các tranh chấp ở khu vực đó cũng được đề cao. Từ đó, có thể thấy những hoạt động và đóng góp của ASEAN trên lĩnh vực này, trong đó có vấn đề biển Đông, là việc làm đi đúng hướng, phù hợp với mong muốn chung của hầu hết các nước.
Thứ hai, về kinh tế, 2 khu vực cần phát huy tiềm năng, thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối, ưu tiên các lĩnh vực như an ninh nông nghiệp, lương thực, nguồn nước và năng lượng, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng. Nền kinh tế biển và dựa vào hàng hải được nêu đậm, trong đó có yêu cầu bảo đảm tự do đi lại trên biển, an toàn, an ninh hàng hải.
Thứ ba, các nước khẳng định sự ủng hộ trước sau như một đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Palestine nhằm thực hiện quyền tự quyết của mình.
Có thể nói, Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2015 vừa tiếp nối tinh thần Bandung của 60 năm trước, vừa góp phần giải quyết những vấn đề đang nóng bỏng hiện tại, những vấn đề mà các nước Á - Phi, trong đó có Việt Nam chúng ta, đang phải đối mặt.
* Xin Thứ trưởng cho biết đóng góp của đoàn Việt Nam đối với hội nghị lần này?
- Chúng ta đến với hội nghị đầy ý nghĩa này với tư cách là một trong những nước sáng lập Hội nghị Bandung 1955, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng các nước Á - Phi. Điều này thể hiện trên 3 điểm:
Thứ nhất, chúng ta cùng các nước cử đoàn cấp cao tham dự tất cả các sự kiện có ý nghĩa quan trọng với các nước đang phát triển diễn ra cùng lúc tại Indonesia. Trong đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Á - Phi, lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955 và kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược Á - Phi.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng tham gia đoàn Chủ tịch nước dự Hội nghị cấp cao Á - Phi và dự Hội nghị nghị viện Á - Phi, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á.
Thứ hai, những phát biểu của lãnh đạo cấp cao ta đã giúp bạn bè hiểu rõ hơn nỗ lực của Việt Nam cùng các nước ASEAN xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng; trong đó nhấn mạnh yêu cầu giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo đảm tự do và an ninh, an toàn hàng hải, hàng không; đồng thời chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm của Việt Nam thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển với các nước châu Phi, hợp tác Nam - Nam.
Thông điệp mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu tại Hội nghị về “Tăng cường kết nối Á - Phi vì hoà bình thịnh vượng thế giới trên cơ sở luật pháp quốc tế” được sự hoan nghênh và nhất trí cao của bạn bè Á - Phi, là một trong những nội dung xuyên suốt trong hội nghị.
Thứ ba, chúng ta đã tích cực đóng góp xây dựng cho các văn kiện của hội nghị vừa phản ánh quan tâm chung của các nước Á - Phi, vừa lồng ghép những nội dung quan trọng đối với Việt Nam liên quan đến biển Đông, an ninh nguồn nước…
Bên lề hội nghị, trưởng đoàn và các thành viên đoàn ta đã gặp gỡ trưởng đoàn 25 nước để thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là về thương mại và đầu tư, từ đó thắt chặt thêm tình đoàn kết với các nước Á - Phi, giành thêm sự ủng hộ của các nước trên các vấn đề ta quan tâm.
Qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, có thể thấy nổi bật là sự đánh giá cao của bạn bè đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như đổi mới, xây dựng đất nước của nhân dân ta; đồng thời mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi trên cơ sở mối quan hệ chính trị hữu nghị truyền thống rất tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước đang phát triển Á - Phi.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo TTXVN, Vietnam+