Thứ Hai, 18/11/2024 17:47 CH
Giải phóng quần đảo Trường Sa và Côn Đảo
Thứ Bảy, 25/04/2015 08:23 SA

Các chiến sĩ tù Côn Đảo chiến thắng trở về trong ngày giải phóng

Trong mùa xuân 1975, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra ngoài kế hoạch tác chiến ban đầu. Đó là sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy Sài Gòn đóng giữ.

 

Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Quân ủy Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị Trung ương Đảng: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo ngụy đang chiếm đóng”.

 

Kiến nghị này đã được ghi vào nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975. Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu Bộ Tổng tham mưu, Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về các đảo, quần đảo thuộc vùng biển Việt Nam, đồng thời chỉ thị cho Cục Quân báo nắm tình hình địch ở biển Đông.

 

Nhãn quan chiến lược quân sự của bộ thống soái tối cao đã nhìn rõ vấn đề. Cần tổ chức giải phóng kịp thời phần đất này. Nếu chậm trễ để quân đội nước ngoài xâm chiếm, tình hình sẽ rất phức tạp. Khó khăn lớn nhất là phải đánh chiếm các đảo với lực lượng hải quân của ta còn nhỏ bé.

 

Ngày 2/4/1975, tại tổng hành dinh, sau khi nghe báo cáo trận Đà Nẵng, Đại tướng trực tiếp chỉ thị cho thượng tướng Lê Trọng Tấn: Ngoài nhiệm vụ chỉ huy cánh quân phía Đông, còn phải truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.

 

Mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương được Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh hải quân triển khai tức khắc.

 

Ngày 9/4, Cục Quân báo phát hiện địch chuẩn bị rút quân khỏi các đảo ở biển Đông. Quân ủy Trung ương điện “tối khẩn” cho đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân, đồng thời điện cho đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh hải quân ở Đà Nẵng, chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm có thể quân nước ngoài chiếm trước.

 

Đại tướng điện cho đồng chí Chu Huy Mân nhắc việc đánh chiếm đảo cần thực hiện đúng thời cơ: nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay. Nếu quân nước ngoài chiếm thì ta đánh chiếm lại…

 

Nhận được chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đồng chí Hoàng Hữu Thái ra lệnh cho các tàu hải quân ngụy trang giả dạng tàu đánh cá, xuất phát vào lúc 4 giờ sáng 11/4. Bằng phương tiện nhỏ và ít, đối mặt với tàu chiến lớn của địch và đại dương mênh mông, bộ đội hải quân bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ chiếm mục tiêu. Đúng 4 giờ 30 sáng 14/4, sau hơn một giờ triển khai đội hình tiến công, ta nhanh chóng tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch giải phóng đảo Song Tử Tây, kéo cờ Tổ quốc lên cột cờ trên đảo. Tiếp theo, ngày 25/4, ta chiếm đảo Sơn Ca, ngày 24/4, giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Ngày 28/4, giải phóng đảo Trường Sa. Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, các chiến sĩ hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, kịp thời phối hợp với Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành lại phần lãnh hải thiêng liêng rộng lớn, giàu tài nguyên với vị trí chiến lược hết sức quan trọng thuộc chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.

 

Các nữ tù Côn Đảo trong ngày giải phóng 30/4/1975

 

CÔN ĐẢO - ĐỊA NGỤC CỦA NHỮNG NGƯỜI TÙ YÊU NƯỚC ĐÃ ĐƯỢC GIẢI PHÓNG

 

Côn Đảo là một trong 14 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Lôn rộng 66km2, là đặc khu của trung ương ngụy quyền Sài Gòn, nhưng là một huyện của tỉnh Sóc Trăng do Quân khu 9 trực tiếp quản lý. Nơi đây, tính đến đầu năm 1975, địch giam giữ trên 7.000 tù nhân, trong đó có khoảng 4.000 tù chính trị. Trên đảo, địch xây dựng 8 trại giam và nhiều trại phụ, có 1 tiểu đoàn bảo an và 1 đại đội cảnh sát canh giữ.

 

Chiều 29/4, cố vấn Mỹ ở Côn Đảo rút chạy. Đêm ấy, tên chúa đảo cùng vợ con bí mật trốn ra tàu. Trưa 30/4, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cuộc tháo chạy hỗn loạn của địch diễn ra cho tới nửa đêm thì chấm dứt. Trong lúc các trại giam tích cực chuẩn bị để sáng 1/5 tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động thì một nhóm công chức và giám thị vào trại 7 mở cửa báo tin Sài Gòn giải phóng. Anh chị em tù nhân nhanh chóng mở cửa trại, đục tường ra ngoài. Từ rạng sáng 1/5, trong vòng một tiếng đồng hồ, toàn bộ 496 xà lim của 18 khu trại được hoàn toàn giải phóng. Khoảng 3 giờ sáng, các đồng chí lãnh đạo trại 7 họp, thành lập đảng ủy lâm thời, đề ra chương trình hành động… Đến 18 giờ, lực lượng tù chính trị nổi dậy làm chủ toàn bộ Côn Đảo, không nổ một phát súng nào. Ta thu 27 máy bay. Tối 2/5, trạm vô tuyến trên đảo bắt được liên lạc với đất liền, báo tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng.

 

Về sự kiện giải phóng Côn Đảo trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, một số nhân chứng là tù chính trị kể lại:

 

“Từ ngày 29/4/1975, Côn Đảo trở thành điểm “trung chuyển” của một số ngụy quân, ngụy quyền và gia đình trước khi chạy ra Hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài biển Đông. Sân bay Cỏ Ống tấp nập hơn lúc nào hết. Hai chiếc máy bay vận tải, 21 trực thăng đáp vội xuống đường băng, có chiếc đáp ngay trên mé nước của bãi Đầm Trâu. Thêm 2 chiếc trực thăng đáp xuống đảo Hòn Tre Lớn. Tất cả hoảng sợ tranh nhau thoát thân, vứt bỏ đồ dùng vương vãi khắp nơi.

 

Trung tá chúa đảo Lâm Hữu Phương hô hào “tử thủ” Côn Đảo trước quan chức, nhân viên, binh lính, nhưng tối 29/4, y lái xe Jeep chở vợ con sang hướng bến Đầm, xuống ca nô thoát ra hạm đội Mỹ.

 

Sáng 30/4, đại úy Phạm Huỳnh Trung chỉ huy phó đặc khu họp an ninh, quân đội để bàn biện pháp triển khai kế hoạch tử thủ, trong đó có việc tiêu diệt toàn bộ số tù nhân chính trị đang bị giam trong các xà lim trại 7 (Phú Bình). Đang họp thì được tin trung tá chúa đảo đã bỏ trốn, tiếp theo được tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn giải phóng, chúng cầm cố tất cả tù nhân và túc trực canh gác.

 

Nhân lúc lộn xộn, số tù thường phạm và quân phạm ở bên ngoài tỏa ra cướp bóc, phá phách.

 

Linh mục Phạm Gia Thụy cho mời Phạm Văn Sơn, thư ký quản lý đầu ngành ở đảo để bàn cách vãn hồi tình hình trật tự trên đảo. Phạm Văn Sơn chính là Đỗ Văn Nha, cán bộ tình báo của ta được cài vào hàng ngũ địch. Tại nhà thờ, anh Sơn bàn với Linh mục Thụy ra liên hệ với viên chức ngụy còn lại trên đảo và mời số “chính trị phạm” đứng ra quản lý mới mong ổn định được tình hình. Cha Thụy đồng ý.

 

4 giờ chiều 30/4, một máy bay trực thăng thả một bảng thông báo lớn bằng cái bàn xuống sân vận động với nội dung “lệnh cho tất cả phải di tản gấp ra hướng bãi Cạnh, sẽ có tàu đón trước khi phi pháo hủy diệt Côn Sơn”.

 

Toàn đảo trở nên náo loạn, hốt hoảng. Bọn địch tranh nhau cướp ghe, thuyền chạy ra bãi Cạnh. Đám ác ôn hầu như bỏ chạy. Các đồn bót bỏ trống, chỉ còn một vài nơi như trại Bắc Bình Vương, đài ra đa trên núi Thánh Giá còn bóng dáng một vài tên. Số người còn lại đều tập trung về nhà thờ hy vọng nơi đây có hầm tránh pháo, gần núi dễ trú ẩn và nhất là tránh được sự cướp bóc phá phách của đám trật tự viên…

 

Tại nhà thờ, cuộc họp giữa Linh mục Thụy với các viên chức thống nhất phải mời “chính trị phạm” ra trực tiếp quản lý mới ổn định được tình hình. Họ còn mời đồng chí Lê Câu, trung tá tình báo đang bị giam ở trại 7 để làm đầu mối liên lạc với tù chính trị.

 

Sau khi kiểm chứng đúng là Sài Gòn đã giải phóng, đồng chí Lê Câu đồng ý và cùng với 2 đồng chí khác đi gặp Linh mục Thụy bàn kế hoạch quản lý đảo và mở cửa cho tất cả tù chính trị ra ngoài.

 

Trưởng trại Nguyễn Văn Rồng cho bọn “trật tự” mở cửa tất cả các xà lim.

 

3 giờ sáng 1/5, toàn bộ tù trại 7 ra khỏi nhà giam. Đảo ủy lâm thời nhanh chóng được thành lập gồm 9 người. Theo chỉ đạo của đảo ủy, sáng 1/5, Ủy ban hòa giải dân tộc Côn Sơn được hình thành. Do vẫn chưa liên hệ được với đất liền, đảo ủy quyết định triển khai chiến đấu, trấn áp bọn ác ôn. Hải quân đã kịp ra tiếp quản Côn Đảo.

 

Chiều 4/5, 549 anh chị em thuộc diện “tử tù”, bệnh đau đã lên tàu về đất liền chuyến đầu tiên.

 

Côn Đảo hoàn toàn giải phóng, vĩnh viễn chấm dứt “địa ngục trần gian” sau 113 năm trên xương máu của những người con yêu nước bị địch tra tấn, tù đày.

 

HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek