Chị dịu dàng, đằm thắm, luôn đứng phía sau chồng, thầm lặng chăm lo cho gia đình và nén lòng dõi theo từng con sóng mỗi khi chiếc tàu của chồng ra khơi. Bên trong dáng dấp “liễu yếu” ấy là một nghị lực lớn giúp chị trở thành điểm tựa cho chồng trên bước đường vươn khơi bám biển.
LÀM DÂU XÓM BIỂN
Phan Thị Mỹ Dung, sinh năm 1979, là con gái vùng quê lúa Hòa Thành (huyện Đông Hòa). Năm vừa tròn 22 tuổi, chị rời quê, về làm dâu ở thôn Phú Thọ 1, xã Hòa Hiệp Trung (nay là khu phố Phú Thọ 1, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa). “Thuở mới yêu nhau, anh ấy thường kể chuyện ra biển buông lưới, thả câu, bắt được con cá tươi, con mực sống đem lên ghe nấu ăn ngay, vị nó ngon, ngọt đậm đà tận ruột. Anh còn kể khi lặn xuống biển, thấy những rạn san hô đẹp lung linh, huyền ảo. Rồi, đi hát karaoke, anh luôn hát những bài hát về biển; mỗi lần nghe, tôi cứ thấy lòng dạt dào, thêm yêu thích biển… Đến lúc về làm vợ người xứ biển mới thấm thía, hễ nghe trời động, ngoài biển gió lớn mà chồng còn lênh đênh ngoài khơi là tôi không thể nuốt nổi chén cơm, tay chân run rẩy, tim cứ như muốn ngừng đập”, người con dâu làng biển cười duyên bộc bạch.
Chị Dung cho biết, 14 năm làm dâu, chị được gia đình, bạn bè, bà con xóm biển chỉ dạy, rồi bản thân cũng tự học hỏi để trở thành một phụ nữ làng biển thực thụ. Chị Nguyễn Thị Son, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hòa Hiệp Trung nói rằng, bây giờ chị Dung không chỉ bơi giỏi, đan lưới rành rẽ mà còn thông thuộc từng loại cá biển, con nào sống ở rạn, ở gành, con nào ở tầng đáy, tầng giữa, tầng cao; rành mạch cả chuyện con nước, con trăng, luồng lạch nơi cửa biển. “Ngẫm nghĩ thì thấy, tôi đi làm dâu xóm biển giống như đi học đại học chuyên ngành về biển vậy”, chị Dung hài hước nói.
Chỉ lên tấm bản đồ, chị khoanh vào vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cho biết đây là vị trí chồng tôi thường gọi về nói đang đánh cá nơi ấy. Thời điểm nghe tin các tàu nước ngoài lấn át uy hiếp ngư dân Việt Nam, chị với con trai lớn thường rà xem trên bản đồ, đọc sách, mở internet, đối chiếu với tài liệu. Khi biết chắc chắn đấy là vùng biển thuộc quyền chủ quyền nước mình, chị vừa ấm ức, vừa buồn, lo, rối bời.
Bây giờ chị đã mạnh mẽ, cứng cỏi hơn, không chỉ mỗi khi có tin gió bão, mà ngay cả lúc biết tin tàu nước ngoài uy hiếp ngư dân mình. Chị Dung cho biết, lúc này, ngư dân thường lập thành nhóm, tổ đội, đánh bắt theo vùng ngư trường để hỗ trợ nhau. Thêm vào đó, tàu thuyền máy móc đã hiện đại hơn, có thể vượt được sóng gió cấp 7, cấp 8. Tàu nào cũng có đủ máy bộ đàm, máy định vị và nhiều thiết bị khác trợ giúp nên ngư dân rất chủ động lúc ra khơi, nhất là khi nghe có gió bão, gặp tàu nước ngoài uy hiếp. “Với cách làm hiện nay, ai cũng yên tâm bám biển, có chuyến đi hơn 1 tháng, cơ hội tìm được luồng cá cũng khá hơn”, chị tự tin chia sẻ.
Chị Dung cùng chồng sửa soạn ngư cụ chuẩn bị đi biển - Ảnh: P.OANH |
ĐIỂM TỰA CHO CHỒNG
Chị em xóm biển Phú Thọ 1 nói rằng, sự trưởng thành trong chức phận phụ nữ làng biển ở chị Dung không chỉ lớn dần theo thời gian, mà còn tăng tiến nhanh theo quy mô phát triển con tàu của gia đình.
Theo những ngư dân làng biển Hòa Hiệp, gần 10 năm nay, nghề biển nhiều đận thăng trầm, ghe thuyền cập bờ khi đói, khi no nhưng những chuyến biển của anh Trà Chí Tú - chồng chị Dung, cá luôn đầy khoang, chưa bao giờ bị lỗ tổn. Nhờ vậy, gia đình họ có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang và liên tục nâng cấp con tàu ngày càng lớn.
Hồi mới cưới về, anh Tú lái con tàu 60 mã lực, đi đánh lưới rút ven bờ. Chị ở nhà lo chuyện cơm nước, có nghề may vá, chị làm thêm kiếm tiền phụ chồng rồi chăm sóc con, đợi chồng đi biển về. Năm 2005, từ vốn tích lũy, chồng bàn với chị sắm chiếc tàu 320 mã lực, bắt đầu vươn ra ngư trường xa bờ hành nghề. “Chồng tôi vốn là người can trường sóng gió, lại có thêm kinh nghiệm của cha truyền lại nên tay nghề rất vững, ra biển là nhất định phải có cá trong khoang mới trở về”, chị nói đầy tự hào. Chị kể, năm ngoái, con tàu gặp được mẻ cá hàng chục tấn, lưới kéo lên chứa đầy khoang hầm mà vẫn chưa hết luồng cá. Về nhà, anh cứ ao ước, giá như có tàu to hơn, chắc chắn chuyến biển sẽ thắng lợi gấp nhiều lần. Vậy là, anh lại ấp ủ ý định tiếp tục nâng cấp tàu.
Sau nhiều đêm thao thức, suy tính, hoạch định phương án làm ăn, tiết kiệm, trả nợ, chị gật đầu với anh. “Nghĩ thương chồng, cả đời lênh đênh trên biển, đêm xuống cũng tròng trành theo ghe chứ đâu được nằm nhà êm ấm. Vì vậy, tôi quyết định bằng mọi giá xoay xở, đóng cho được con tàu lớn để thỏa ước mơ bám biển cho chồng”, chị Dung tâm sự.
Giữa mùa biển năm ngoái, chồng đang ở biển, chị ở nhà xem được ngày, được tháng cho thợ dựng xỏ đóng mới con tàu 800CV, dài 17,5m, rộng 5m, tổng giá trị gần 2 tỉ đồng. Để có khoản tiền trả nợ gốc, lãi ngân hàng mỗi tháng, chị bươn bả theo mẹ chồng ra biển mua cá rồi liên kết với tiểu thương ở nhiều nơi để đưa đi bán. “Có khi một hai giờ sáng, lúc vào giữa trưa, hễ có ghe, tàu về là tôi thức dậy ra bến. Hết ngoài bến, tôi lại quay về nhà nhận đồ để may vá, tích góp từng đồng tiền nhỏ. Hiện hai đứa con đang vào tuổi lớn nên hàng ngày, tôi còn phải để tâm đến chuyện học hành, ước mơ, năng khiếu mà hỗ trợ cho con trưởng thành. Có như vậy chồng mới yên tâm làm ăn”, chị tâm sự. Những tấm bằng khen, giấy khen học sinh giỏi của con trai học lớp 6 (Trường THCS Phú Thọ), con gái học lớp 3 (Trường tiểu học Phú Thọ) về thành tích học tập đều đặn hàng năm, rồi các bằng khen giải thưởng thi toán trên máy tính, bằng khen về thành tích văn nghệ, dự thi Hội khỏe Phù Đổng được ép dày kín dưới tấm kính của chiếc bàn trong phòng khách đã giúp nhiều người hiểu được quyết tâm, nghị lực của người phụ nữ trẻ tại làng biển này.
Phút bình yên, hạnh phúc nhất trong ngày thường là lúc chị cùng các con ngồi cạnh máy Icom. Trong âm thanh lao xao của biển, chị nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe của chồng và anh em bạn thuyền, rồi kể cho chồng nghe kết quả học tập của hai đứa con. Niềm vui tràn dâng khi cô con gái nhỏ đòi hát cho ba nghe những bài hát về biển, còn cậu trai lớn thì hứa hẹn đầy quyết tâm: “Con nhất định học giỏi, sẽ làm kỹ sư tàu biển, đóng nhiều con tàu hiện đại để ba cùng các chú đi khơi xa hơn, đánh bắt được nhiều cá, mực, làm cho nhà mình và làng quê mình thật giàu”.
PHƯƠNG OANH