Thứ Hai, 18/11/2024 19:43 CH
Mũi tiến công binh vận trong chiến dịch Hồ Chí Minh
Thứ Hai, 20/04/2015 07:58 SA

Quân Giải phóng vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến về Sài Gòn - Ảnh: Tư liệu

Ngay từ khi Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập (8/4/1975), phần lớn các đội công tác của Ban Binh vận Trung ương Cục đều tập trung ở địa bàn Sài Gòn - Gia Định, kết hợp với các đội công tác của thành phố, tổ chức tiếp cận các mục tiêu đã chuẩn bị. Lực lượng binh vận ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và Khu 6 cũng được tập trung cao độ để phối hợp với chiến trường Sài Gòn - Gia Định.

 

Nhiệm vụ của mũi tiến công binh vận trong tổng công kích - tổng khởi nghĩa là phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của 3 mũi giáp công, thực hiện cao trào công nông liên hiệp, góp phần làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn nông thôn và thành thị.

 

Tháng 4/1975, trong tình thế cực kỳ nguy ngập, Mỹ - ngụy ra sức củng cố lại quân ngụy và dùng chiến thuật co cụm tổ chức thế phòng ngự mới. Tàn quân của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 được gom lại, bổ sung và huấn luyện cấp tốc để tăng cường ngay cho lực lượng phòng thủ của Quân đoàn 3 và Sài Gòn - Gia Định; tập trung các liên đoàn biệt động quân để xây dựng lại lực lượng tổng trù bị, xây dựng thêm 8 sư đoàn bộ binh mới. Tổng quân số ngụy gom lại trên toàn chiến trường B2 còn xấp xỉ 800 quân các loại.

Ban Binh vận Trung ương Cục và của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định lãnh nhiệm vụ chuẩn bị các hoạt động của cơ sở nội tuyến có tầm chiến lược tạo điều kiện thuận lợi cho tổng công kích - tổng khởi nghĩa dứt điểm Sài gòn - Gia Định, đồng thời chủ động kết hợp 3 mũi giáp công tại chỗ đánh sung các sư đoàn bộ binh và lực lượng tổng trù bị phòng thủ Sài Gòn, làm sụp đổ các quân, binh chủng chiến lược, các quân trường… của địch. Các khu, tỉnh cũng triển khai nhanh các bộ phận công tác tấn công các đối tượng và mục tiêu trọng điểm ở thành phố, thị xã…

 

Ở Sài Gòn - Gia Định, chỉ thị khởi nghĩa được các cấp cơ sở tích cực chuẩn bị từ ngày 15/4. Nhiều nơi đã thành lập ban chỉ đạo khởi nghĩa và tổ chức lực lượng xung kích. Ngay từ những ngày đầu chiến dịch, ở nội thành, lực lượng “3 mũi” đã đứng chặn ở các lõm chính trị, chủ động phối hợp phát động quần chúng nổi dậy, trương băng, cờ, khẩu hiệu, công bố chính sách của Mặt trận; chỉ đạo cơ sở nội tuyến hoạt động, phá rã ngụy quân, ngụy quyền; lập chính quyền cách mạng từ ngày 27, 28, 29/4.

 

Ở miền Đông, miền Tây và Nam Trung Bộ, trước đây nhiều vùng chưa có phong trào binh vận: quần chúng và gia đình binh sĩ đã vùng lên mạnh mẽ, giải quyết gọn một số mục tiêu trước khi bộ đội chủ lực tới.

 

Trên toàn B2 Trung ương cục đã chỉ đạo 580 vụ hoạt động của cơ sở nội tuyến, trong đó các đội công tác thuộc Ban Binh vận Trung ương Cục thực hiện 246 vụ, phần lớn tập trung ở vùng trọng điểm Sài Gòn - Gia Định. Miền Đông Nam Bộ 13 vụ, miền Trung Nam Bộ 175 vụ, miền Tây Nam Bộ 129 vụ, miền Nam Bộ 6 vụ. Các hoạt động tiến công binh vận dẫn đến thúc đẩy địch đầu hàng, khởi nghĩa phá rã hậu cứ, kho tàng, bức rút hàng trăm đồn bót, giải phóng nông thôn…

 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, cơ sở binh vận Trung ương Cục đã tổ chức và chỉ đạo thành công một số vụ điển hình như: nội tuyến Nguyễn Thành Trung ở sân bay Biên Hòa lái máy bay ném bom dinh Độc Lập ngày 8/4, gây tác động lớn trong thời điểm địch hoang mang dao động về chiến lược; nội tuyến trong Bộ Tư lệnh hải quân đã đánh hỏng 2 tàu địch tại bến Bạch Đằng, 1 tàu ở Tân Cảng, 1 tàu trên đường ra Côn Đảo… kêu gọi 40 tàu ngoài khơi trở về; trong Sư đoàn 25 ngụy, cơ sở thiếu tá Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 50 khởi nghĩa làm tan rã thiết đoàn 10…

 

Được sự chỉ đạo của Thường vụ trung ương Cục, Ban Binh vận Trung ương đã sử dụng vai trò của một cơ sở cấp trưởng với chức vụ Tham mưu phó hành quân đã ra lệnh cho quân ngụy “không được manh động khi chưa có lệnh của tổng thống”. Cơ sở này cùng với những người yêu nước trong bộ máy cao cấp của ngụy quyền đã tổng hợp tình hình, chủ động và khôn khéo hướng dẫn Dương Văn Minh quyết định đầu hàng, viết bản tuyên bố cáo chung chế độ Sài Gòn, ra lệnh cho toàn thể quân ngụy hạ vũ khí trên toàn mặt trận.

 

Ban Binh vận miền Tây Nam Bộ chỉ đạo cơ sở đưa cán bộ binh vận khu vào thuyết phục thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật ra lệnh cho toàn bộ binh sĩ thuộc quyền đầu hàng, góp phần cùng lực lượng vũ trang và quần chúng nổi dậy giải phóng nhanh gọn TP Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Lực lượng binh vận các cấp đã chỉ đạo cơ sở nội tuyến làm tê liệt đến tan rã, thúc đẩy địch đầu hàng từng đơn vị làm cho địch không điều khiển được lực lượng đề kháng chống lại sức tiến công của quân ta. Đặc biệt, ở Sài Gòn đã chỉ đạo cơ sở nội tuyến tham gia cùng lực lượng vũ trang tại chỗ, làm nòng cốt cho quần chúng khởi nghĩa chiếm giữ các căn cứ, kho tàng, công sở, đồn bót, như các khu vực kho đạn Gò Vấp, Trần Quốc Toản, Tu cảnh Gia Định, bót Hàng Keo, Bộ Cựu chiến binh, Tòa án Sài Gòn, Nha động viên, khu Truyền tin Thủ Đức, đài Vi Ba, đài Nội báo, nhà máy Nước, cư xá Hỏa xa, nhà máy BGI, Hải quân công xưởng Ba Son, Tổng nha Cảnh sát… Riêng ở Quân trường Quang Trung, 20 cơ sở nội tuyến của ta, nhân lúc Quân đoàn 3 tiến qua, đã tác động binh sĩ, làm rã ngũ gần hết 15.000 tên trú đóng ở đây. Trước đó, cơ sở binh vận đã gọi hàng 1.000 tên ở Quân trường Quang Trung ra nộp súng. Ta làm chủ hoàn toàn khu vực Chợ Cầu, xã Đông Hưng Thuận (Hóc Môn) từ ngày 29/4.

 

Tính chung ở nội thành, lực lượng “3 mũi giáp công” đã giải phóng 40% tổng số phường khóm, 60% còn lại, trước khí thế tiến công của mũi vũ trang, kết hợp với cao trào quần chúng và gia đình binh sĩ, lực lượng địch tại chỗ đã tan rã hoàn toàn trong ngày 30/4/1975.

 

Mũi tấn công binh vận đã hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu, mục tiêu đề ra trong trận quyết chiến cuối cùng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Chính sách đúng đắn của Đảng đã trở thành một thứ vũ khí sắc bén, thấm sâu vào lòng người, thành sức mạnh vật chất, góp gió vào bão lớn quét sạch quân thù.

 

LỰC LƯỢNG NỔI DẬY CỦA QUẦN CHÚNG

 

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, mũi tiến công của các binh đoàn chủ lực đóng vai trò quyết định đập tan các cứ điểm của địch, đồng thời vẫn kết hợp hài hòa với phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân. Đặc biệt tiến công địch bằng “3 mũi giáp công” càng được thể hiện thành công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Trên cơ sở các phong trào đấu tranh thường xuyên của quần chúng chống Mỹ - Thiệu, khi quân ta mở Chiến dịch tiến công mùa xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phong trào của các giới ở nội đô và vùng ven Sài Gòn nổ ra liên tục và mạnh mẽ, đã hình thành một thế trận rộng khắp trên thành phố, vừa kết hợp với vũ trang và binh vận tiến công địch, vừa xây dựng lực lượng, sẵn sàng nổi dậy khi có thời cơ.

 

Đến tháng 4/1975, ở nội thành Sài Gòn - Gia Định đã có trên 700 cán bộ được tăng cường vào, trên 1.000 đảng viên, đoàn viên tại chỗ với hàng ngàn quần chúng nòng cốt; 400 tổ chức công khai và nửa công khai, “biến tướng” do ta nắm với 25 ngàn người, 230 tự vệ mật, hàng ngàn du kích vùng ven, 40 lõm chính trị, lõm căn cứ với 7.000 quần chúng.

 

Hầu hết các đồng chí Thành ủy đã vào nội thành, chỉ đạo trực tiếp tại chỗ. Phân ban của Thành ủy bao gồm các đồng chí nắm những cơ sở mạnh nhất ở nội đô đã được thành lập để chuẩn bị cho hành động nổi dậy thống nhất ở bên trong. Thành ủy điều chỉnh lực lượng tổng hợp địa bàn 2 cánh A và B. Cánh A do đồng chí Mai Chí Thọ phụ trách và hàng trăm cán bộ trung sơ cấp các ban ngành, đoàn thể làm nhiệm vụ phát động quần chúng nổi dậy ở nội thành và Bình Chánh, Nhà Bè. Cánh B do đồng chí Nguyễn Thành Thơ, Phó bí thư Thành ủy phụ trách, có 500 cán bộ thuộc cơ quan xung quanh Thành ủy, lực lượng an ninh và các ban ngành còn lại…

 

Khí thế của quần chúng vô cùng sôi nổi, mạnh mẽ, một yếu tố quan trọng có tính chất quyết định cuộc nổi dậy, làm rung động bộ máy ngụy quyền.

 

Trong ngày 29 và đêm 29 rạng 30/4, trước khi quân ta tiến vào thành phố đã có 107 điểm nổi dậy của quần chúng (37 điểm ngoại thành, 76 điểm nội thành). Các điểm nổi dậy chủ yếu giành chính quyền cơ sở, phá rã bộ máy kìm kẹp của địch, phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ phá gỡ đồn bót, đánh chiếm các căn cứ, chi khu như Củ Chi, quận 3, 5, 7, 8, 10, 11, tòa hành chánh tỉnh Gia Định, kho xăng Nhà Bè, nhà máy điện, nhà máy nước Thủ Đức… Chiếm giữ bảo vệ nguyên vẹn các nhà máy Vimytex, Vinatexco. Bao vây, hù dọa, gọi hàng, góp phần làm tan rã trên nửa triệu ngụy quân, ngụy quyền, làm địch mất sức đề kháng khi quân ta tiến vào nội đô.

 

Lực lượng nổi dậy còn tham gia hướng dẫn các cánh quân, truy bắt bọn ác ôn và tàn quân địch, xây dựng chính quyền cách mạng cơ sở, giữ gìn trật tự an ninh những ngày đầu giải phóng.

 

Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tiến công và nổi dậy, nên khi quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn thì thành phố hầu như nguyên vẹn, các cơ sở quan trọng được bảo vệ an toàn, đặc biệt là điện, nước thành phố không một giây phút nào gián đoạn. Một thành phố lớn gần 4 triệu dân nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường. Đó là điều kỳ diệu đập tan luận điệu độc ác của kẻ thù là sẽ có những cuộc “tắm máu” khủng khiếp khi Cộng sản vào thành phố…

 

Để góp phần bảo đảm nguyên vẹn thành phố vốn là thủ đô trung ương đầu não của kẻ thù, một bộ phận lực lượng cách mạng không chỉ có mặt trong lòng địch trong những ngày giờ quyết định, mà ta đã “lót ổ” từ nhiều năm trước.

 

HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek