Trong lúc tình hình nguy cấp, chóp bu ngụy ở Sài Gòn vẫn hy vọng vào một giải pháp chính trị có thể cứu vãn ngụy quyền. Một mặt kêu gào các đơn vị bảo vệ Sài Gòn tử thủ, một mặt cổ động cho giải pháp tìm kiếm “hòa bình” để khả dĩ giữ lại chính thể “Việt Nam cộng hòa”.
Họ cho căng biểu ngữ lớn ngang đường với khẩu hiệu “Thương lượng hòa bình cho Việt Nam” và tung ra luận điệu “Quân Bắc Việt không vào Sài Gòn như một đạo quân thôn tính”…
BỘ TỔNG THAM MƯU NGỤY TRONG NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CUỘC CHIẾN
Thực chất thì nội tình đã rối, nát không còn một tia hy vọng nào. Cao Văn Viên, đại tướng tổng tham mưu trưởng “Quân lực Việt Nam cộng hòa” ký chưa ráo mực lệnh “tử thủ bảo vệ đến cùng những phần đất còn lại” thì đã bỏ chạy. Trung tướng Vĩnh Lộc lên thay với tâm trạng chán chường thất bại.
Tối 29/4, chỉ huy ngụy quân họp tại Bộ Tổng tham mưu (cách đội hình Quân đoàn 3 của ta khoảng 3 đến 4km), thấy bọn tướng tá “bỏ giò lái” nhiều quá, địch dùng đài phát thanh kêu gọi chúng trở về trình diện. Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 ngụy cho biết binh sĩ của ông ta thương vong quá nặng, tình hình sư đoàn rối ren không thể giữ được quá 8 giờ sáng hôm sau. Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 kỵ binh thì cho rằng đơn vị thiết giáp hết đạn, không thể chiến đấu được nữa. Tư lệnh Quân đoàn 3 và chuẩn tướng sư trưởng Sư đoàn 22 cũng đã bỏ đơn vị, chạy trốn lấy thân. Lúc này chỉ còn Quân đoàn 4 ở miền Tây chưa bị tổn thất nhiều, còn giữ được hệ thống chỉ huy. Trong TP Sài Gòn chỉ còn 2 tiểu đoàn dù chốt giữ khu vực Ngã tư Bảy Hiền. Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân ngụy phải giữ cho được trung tâm vô tuyến Phú Lâm và Quán Tre, nhưng địch không còn đủ quân để giữ. Trung tướng Vĩnh Lộc lên đài phát thanh kêu gọi binh sĩ chiến đấu và xỉ vả những kẻ chạy trốn là hèn nhát, nhưng sau đó chính hắn đã chạy ra hạm đội Hoa Kỳ. Các tướng khác, sĩ quan và lính tráng đã bắt đầu mạnh ai nấy chạy.
Ngày 29/4, Nguyễn Văn Ngữ báo cáo với “chính phủ”: tình hình Sài Gòn suy sụp nhanh chóng. Các phi công ngụy được người Mỹ rỉ tai nếu đem máy bay sang phi trường Utapao (Thái Lan) sẽ được đón tiếp tử tế và được di tản sang Hoa Kỳ. Do vậy, khi người Mỹ cuốn gói ra đi thì họ cũng mang phi cơ chạy theo luôn. Đến 10 giờ thì coi như Bộ Tư lệnh không quân ngụy tan rã. Trung tướng tư lệnh không quân cũng chạy sang khu vực D.A.O xin đi nhờ trực thăng di tản ra hạm đội ngoài khơi, cùng với tướng lĩnh trong bộ tư lệnh của ông ta.
Cùng ngày, Nguyễn Cao Kỳ thấy tình hình nguy ngập, đã dùng trực thăng bay sang Bộ tổng tham mưu, mới hay Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên đã bí mật “di tản” bằng phi cơ trong đêm 28/4, để lại trên bàn làm việc đơn xin từ chức đề ngày 27/4, được đè cẩn thận bằng trụ cờ nhỏ 4 sao của ông ta.
Trong lúc đó, Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh hoạt động nhộn nhịp. Đèn điện rực sáng trong phòng tác chiến. Mọi người đang chăm chú vào tấm bản đồ trải rộng, vui sướng nhìn những mũi tên màu đỏ kéo dài chỉ thẳng vào các mục tiêu lớn định sẵn trong TP Sài Gòn - Gia Định. Máy điện thoại, vô tuyến làm việc không ngừng. Các điện tín viên đang truyền vào không trung những tín hiệu mệnh lệnh bổ sung của Bộ Chỉ huy chiến dịch cho các đơn vị trước 0 giờ ngày 30/4/1975. Các mệnh lệnh ngắn gọn:
- Pháo 130 ly ở trận địa Nhơn Trạch thôi bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
- Phổ biến lại và kiểm tra kỹ các ký hiệu, tín hiệu hiệp đồng khi đánh vào nội thành.
- Giao thêm nhiệm vụ cho Quân đoàn 3 khi đánh vào Tân
Sơn Nhất thì cho một cánh đánh sang Bộ tổng tham mưu ngụy phối hợp với Quân đoàn 1.
- Tất cả các binh đoàn thọc sâu tiến gấp, tiến thẳng vào mục tiêu đã quy định, bỏ qua những mục tiêu khác dọc đường, không để vướng mắc làm chậm tốc độ tiến quân.
- Đến 24 giờ ngày 29/4, toàn bộ lực lượng tiến công Sài Gòn đã sẵn sàng xung trận. Kẻ địch đã nằm dưới lưỡi tầm sét chiến dịch vĩ đại sắp bổ xuống đầu.
BỘ TỔNG THAM MƯU NGỤY TRONG NGÀY 29 VÀ 30/4
Bộ Tổng tham mưu ngụy là cơ quan chỉ huy tác chiến cao nhất của ngụy quyền miền Nam. Trong những ngày Sài Gòn bị bao vây chặt, Bộ Tổng tham mưu dù đã ở trong tầm pháo của quân giải phóng, vẫn là nơi điều hành quan trọng nhất của ngụy quyền Sài Gòn. Tuy nhiên nó đã thật sự rối ren rệu rã trong hai ngày cuối của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trung tướng Nguyễn Hữu Có từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng rồi Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng ngụy; sau đó vì không ăn cánh nên bị Thiệu - Kỳ cách chức. Ngày 29/4, khi Dương Văn Minh nhậm chức tổng thống, đã cho gọi Nguyễn Hữu Có tới giao nhiệm vụ. Khoảng thời gian còn lại ở Bộ tổng tham mưu được ghi lại như sau:
… Nguyễn Hữu Có tới Bộ tổng Tham mưu gặp trung tướng Vĩnh Lộc đang ngồi với các tướng lĩnh và phụ tá. Sau khi chào hỏi, Vĩnh Lộc giao cho Có chủ trì cuộc họp nắm lại tình hình của Bộ Tổng tham mưu để Lộc thảo nhật lệnh sẽ đọc trên sóng đài phát thanh. Cuộc họp lúc 12 giờ gồm Nguyễn Hữu Có, chuẩn tướng Hạnh, chuẩn tướng Lâm, đại tá Nguyễn Khắc Tuân (trợ lý của Vĩnh Lộc), đại tá Thanh (mới được chỉ định phụ trách tổng hành dinh), đại tá Nguyễn Ngọc Nhận (trưởng phòng nhân sự). Đại tá Thanh báo cáo: các trưởng phòng thuộc Bộ Tổng tham mưu đã bỏ chạy hoặc đi lo cho gia đình hết, sĩ quan cũng đào nhiệm, số còn lại không còn bao nhiêu. Binh sĩ khoảng 200 (trước đó có 5 đại đội trực thuộc tổng hành dinh Bộ Tổng tham mưu). Thanh bảo chẳng còn ai để chỉ huy cả.
Đại tá Nhận báo cáo: không còn nắm được đơn vị, đề nghị Tổng tham mưu trưởng ra lời kêu gọi ngay sáng 30/4 trên đài phát thanh lệnh cho toàn dân phải về trình diện tại đơn vị gốc, kể cả quân nhân của Bộ Tổng tham mưu. Nguyễn Hữu Có ra lời kêu gọi, nhưng phải chua xót nhận ra rằng cho tới thời điểm đó, cơ quan Bộ Tổng tham mưu với chức năng điều hành chiến tranh, đã không còn nữa.
18 giờ, Nguyễn Hữu Có bắt đầu việc đi nắm tình hình các đơn vị. Tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Có được biết: tư lệnh Toàn đã bay đi Vũng Tàu. Trung tướng Tường báo cáo không thể chỉ huy được, binh lính hoảng loạn chạy lung tung. Có cố động viên Tường: “Tìm mọi cách nắm lại đơn vị, ngày mai sẽ có giải pháp”.
19 giờ, Có nói chuyện với tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư đoàn 18 (đang đóng ở nam sông Đồng Nai - phía Sài Gòn). Đảo báo chỉ còn 2 tiểu đoàn chốt giữ khu vực ngã ba xa lộ, đường đi Long Thành. Tình trạng Sư đoàn 18 thương vong quá nửa, tinh thần hoảng loạn. Đảo nói Sư đoàn 3 quân giải phóng đang tiến về hướng Sư đoàn 18 với thế áp đảo, không thể đánh lại được. Có thể giữ được trong đêm 29, nhưng không giữ được đến 8 giờ sáng 30/4. Có lại động viên với điệp khúc: “Cố giữ tại chỗ”.
Ngay sau đó, tướng Khôi, tư lệnh Lữ đoàn 3 báo cáo: “Thiết giáp đã hết đạn, hết xăng!”. Khôi hứa chiến đấu, nhưng nếu không có đạn và xăng, lữ đoàn sẽ rút chạy.
21 giờ, Có gặp tư lệnh Quân đoàn 4 ở miền Tây qua điện thoại, tướng Nguyễn Khoa Nam báo Quân đoàn 4 còn nguyên và đã biết tin Cao Văn Viên “cao chạy xa bay”. Nam hứa sẽ tuân lệnh của Bộ tổng tham mưu. (Nguyễn Khoa Nam đã tuyên bố đầu hàng trưa 1/5 và tuyệt vọng tự sát).
Có lại gọi điện tướng Niệm, tư lệnh Sư đoàn 22 ở Long An, nhưng Niệm đã bỏ chạy trước đó.
23 giờ, Có điện cho Sư đoàn 25 nhưng không sao liên lạc được. Gọi điện cho trung tâm huấn luyện Quang Trung, không gặp được tướng Di, chỉ có đại tá Huấn báo cáo: “Lái Thiêu đang bị quân Bắc Việt tràn ngập. Họ đang tiến về Sài Gòn…”.
Qua nắm tình hình, Nguyễn Hữu Có thấy tình thế thật bi đát: Thiêu chạy, Viên cũng chạy, máy bay đã bay hết sang Thái Lan, chỉ còn 2 tiểu đoàn chặn ở Ngã tư Bảy Hiền, không còn gì để mà đánh nữa…
4 giờ sáng 30/4, Nguyễn Hữu Có gọi điện báo cáo tình hình cho Dương Văn Minh và kết luận: Thất bại rồi, không còn gì để mà đánh!
6 giờ 30 sáng 30/4, trung tướng Lộc và trung tướng Trung gặp các tướng lĩnh ở Bộ Tổng tham mưu, Có trình bày vắn tắt: Tình hình xấu đi trông thấy. Mấy sư đoàn đều mất hết… Vĩnh Lộc không muốn tin vào sự thật, vẫn nói mạnh và đưa ra kết luận: Sử dụng tăng, thiết giáp chặn ở Gò Vấp, 2 tiểu đoàn dù chặn ở Ngã tư Bảy Hiền, cho không quân ném bom từ khu vực Bảy Hiền đến… Quang Trung.
Nguyễn Hữu Có thấy vô vọng, ra ngoài gọi chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh cùng đi gặp Dương Văn Minh… Sau đó, một bản tuyên bố ngừng bắn và bàn giao chính quyền cho cách mạng được Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh lúc 9 giờ sáng 30/4.
Tại Bộ Tổng tham mưu, cả hai tướng đứng đầu Tổng hành dinh là Lộc và Trung chẳng đợi tổng thống tuyên bố, đã nhanh chân đào thoát. Trong cơn hấp hối, Bộ tổng tham mưu “Quân lực Việt nam cộng hòa”, nơi điều hành công việc bảo vệ “thủ đô” Sài Gòn, thực tế không còn quân mà cũng chẳng còn tướng. Không thể làm gì được nữa, Nguyễn Hữu Có, người được tổng thống “trọng dụng” tin cậy, ngán ngẩm lê bước về nhà lúc 9 giờ để thu xếp cho vợ con “di tản” cấp tốc trước khi đối phương vào Sài Gòn.
HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH Sử PHÚ YÊN