Trên phòng tuyến phía tây bắc bảo vệ Sài Gòn, căn cứ Đồng Dù của Sư đoàn 25 ngụy là một “lá chắn mạnh”. Trên quốc lộ 22 và quốc lộ 1 từ Sài Gòn đi Tây Ninh, Đồng Dù là căn cứ lớn nhất, nằm gần thị trấn Củ Chi. Đây là căn cứ của Sư đoàn 25 Mỹ “Tia chớp nhiệt đới” được xây dựng rất hiện đại từ đầu năm 1966. Đến cuối năm 1970, quân Mỹ rút khỏi căn cứ này và bàn giao cho Sư đoàn 25 ngụy vốn khét tiếng ở vùng Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tây Ninh; là một trong những sư đoàn “con cưng” bảo vệ thủ đô Sài Gòn, được trang bị rất mạnh cả bộ binh và cơ giới.
ĐẬP TAN PHÒNG TUYẾN TÂY BẮC SÀI GÒN
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đây cũng là một chốt “tử thủ” của quân ngụy Sài Gòn, nhưng từ cuối tháng 4 đã bắt đầu hoảng loạn. Sư đoàn 25 ngụy được giao nhiệm vụ đi ứng cứu Tây Ninh và án ngữ ở cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn, bị đánh tơi bời, thương vong lớn và tan rã từng mảng. Tuy nhiên vào thế bí nước cùng, số còn lại trong căn cứ với đầy đủ trang bị và phương tiện vẫn ngoan cố ngăn chặn bước tiến của quân ta.
Quân đoàn 3 trên hướng tiến công về Sài Gòn, kiên quyết tiêu diệt cứ điểm lớn này để mở đường, đồng thời giải phóng địa bàn xung yếu Củ Chi, Hóc Môn.
Đêm 29/4, hai mũi tiến công của Quân đoàn 3 đã đến tập kết ở phía bắc và nam căn cứ Đồng Dù. 5 giờ 30 ngày 29/4, hỏa lực pháo binh của quân đoàn trút xuống các vị trí quan trọng trong căn cứ. Trận địa pháo địch bị phá hủy, kho xăng bốc cháy dữ dội, Sở chỉ huy Trung đoàn 50 ngụy bị thiệt hại nặng. Các mũi xung kích dùng bộc phá quét sạch hàng rào và phá tung tường chắn, mở 3 cửa đột phá ở hướng bắc, tây bắc và nam căn cứ. Bộ binh và xe tăng xung phong lúc 7 giờ 30. Địch điều xe tăng bịt các cửa mở. Trận chiến đấu ác liệt diễn ra hàng tiếng đồng hồ tại đây. Thấy nguy cấp, địch phải điều 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đội thiết giáp M113 từ Trảng Lắm và bọn bảo an từ quận lỵ Củ Chi đến chi viện phản kích. Trong lúc đó, ở hướng chủ yếu phía tây bắc, bộ binh và xe tăng ta đánh bật xe tăng địch, thọc sâu vào khu công binh và khu huấn luyện. Tổ chức phòng ngự của địch tan vỡ. Chớp thời cơ, mũi phía bắc nhanh chóng xông vào tiêu diệt địch ở khu thiết giáp. Mũi phía đông lúc này cũng đột phá vào căn cứ phối hợp với các mũi tiêu diệt quân địch đang rối loạn chống đỡ. Nhận thấy địch không còn khả năng cứu viện, Quân đoàn 3 tung lực lượng vào hướng chủ yếu, dũng mãnh đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 46 ngụy, sở chỉ huy trung đoàn, đánh chiếm sân bay, Khu Liên đoàn tiếp vận 33, hầm ngầm sở chỉ huy sư đoàn. Mũi phía nam đánh tan các đợt phản kích địch, đột phá vào trung tâm “bắt tay” với các mũi bạn.
Trước sức tấn công áp đảo của ta, quân ngụy không chịu nổi đành vứt súng, trút bỏ quân phục chạy tán loạn để thoát ra khỏi căn cứ, nhưng chúng bị diệt và bị đánh bật trở lại. 10 giờ 30, Quân đoàn 3 làm chủ căn cứ Đồng Dù, 3.000 tên đầu hàng và bị bắt, trong đó có chuẩn tướng Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25 Lý Tòng Bá. Ta thu toàn bộ vũ khí, trang bị, phương tiện, xe, pháo… trong căn cứ Đồng Dù.
Trong trận đánh ác liệt này, Quân đoàn 3 hy sinh trên 100 chiến sĩ, cán bộ. Sự tổn thất này cho thấy các hướng tiến quân vào giải phóng Sài Gòn không phải đều suôn sẻ. Ta gặp rất nhiều khó khăn và phải đổ máu trước sự chống cự điên cuồng trong giờ tàn của địch.
QUÂN TA TIẾN VÀO THÀNH PHỐ TỪ PHÍA TÂY
Tiểu đoàn 2 Trung đoàn Gia Định được lệnh đánh chiếm phân chi khu Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) để mở cửa cho Đoàn 232 tiến vào thành phố từ hướng tây.
Nổ súng từ hơn 3 giờ 30 sáng 29/4 đến 4 giờ 30 chiều hôm đó, Tiểu đoàn biệt động 194 (Tiểu đoàn 2) Trung đoàn Gia Định giải quyết xong mục tiêu, diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch cố thủ ở đây, giải phóng xã Xuân Thới Thượng.
Mọi việc tưởng đã êm xuôi, ai ngờ vẫn còn nguy cơ đổ máu trước giờ toàn thắng. Tại đây, khi tiến hành hỏi cung đám tù binh mới lòi ra chuyện còn nguyên cả Chiến đoàn 46 - Sư đoàn 25 ngụy đang lẩn trốn dưới đồng bưng Vườn Điều khu vực cầu An Hạ. Số này ở Tây Ninh chạy về nhưng căn cứ Đồng Dù đã bị Quân đoàn 3 đánh chiếm, nên dạt cả xuống bưng tìm cách thoát thân.
Tiểu đoàn trưởng Phan Trung Kiên dàn đội hình bao vây Chiến đoàn 46 ngụy, đồng thời báo về trung đoàn xin tăng cường lực lượng để có đủ khả năng xử lý tình huống. Theo anh ước tính 200 quân của Tiểu đoàn 2 ít nhất phải đối mặt với một ngàn rưỡi tên của Chiến đoàn 46. Anh suy nghĩ lúc này làm sao phải buộc chúng đầu hàng êm thấm, kiên quyết không để xảy ra đổ máu, vì các cánh quân chủ lực của ta đã tiến sát Sài Gòn, chiến thắng đã nắm chắc trong tay.
Người tiểu đoàn trưởng chọn viên trung úy tù binh hỏi cung cặn kẽ hơn, để tìm ra giải pháp tối ưu cho tiểu đoàn. Anh nhìn thẳng vào mắt viên trung úy rồi chỉ vào chiếc máy thông tin vô tuyến PRC25: Anh là một trong những người may mắn được chúng tôi cứu sống, sẽ được cách mạng khoan hồng. Anh hãy thành thật khai báo và gọi ngay Chiến đoàn 46 ra hàng!
Viên trung úy ngụy da đổ màu chàm, run rẩy: Thưa ông chỉ huy, tôi biết tần số của Tỉnh trưởng Tôn Thất Soạn, chỉ huy Chiến đoàn 46, nhưng không biết bây giờ có gọi được không?
Tiểu đoàn trưởng Kiên nói dứt khoát:
- Anh cứ gọi, gọi đến khi nào được thôi!
Tên tù binh có vẻ lo lắng, tích cực liên lạc, trông bộ rất thương tâm. 10 phút sau có tín hiệu. Y hớn hở:
- Thưa chỉ huy, tỉnh trưởng hỏi tình hình ở đây như thế nào?
Tiểu đoàn trưởng Kiên nghiêm giọng:
- Anh trả lời ngay với ông ta là giờ phút lịch sử đã đến, nếu chậm trễ sẽ phải ân hận suốt đời. Hãy nhanh chóng ra đầu hàng quân giải phóng, để trở về sum họp với gia đình!
Viên trung úy truyền nhanh lời tỉnh trưởng: Ra hàng liệu có bị giết không?
- Không! Anh nói với ông ta rằng, bọn xâm lược Mỹ, cách mạng còn tha họ về nước, huống chi các anh là người Việt máu đỏ, da vàng. Người Việt chúng ta không ai thắng ai cả, chỉ có Việt Nam thắng, Mỹ thua. Chúng ta không để xảy ra đổ máu giữa người Việt với nhau lần nữa.
Viên trung úy bỗng run run: Tỉnh trưởng muốn gặp Bộ Chỉ huy mặt trận.
- Tôi là người chỉ huy mặt trận đây, có gì cứ nói đi!
- Thưa chỉ huy, cho tôi xin được suy nghĩ 15 phút.
- Không được! Thời gian không còn nữa. Cho 5 phút thôi, nếu chậm trễ hậu quả không lường được. Các anh có nghe tiếng súng quân giải phóng nổ đều khắp trên các hướng tiến vô Sài Gòn không?
Với sự thúc ép như vậy, Tiểu đoàn trưởng Kiên có ý không cho hắn có thời gian suy nghĩ tìm cách đối phó lại ta.
Chỉ 3 phút sau, hắn lên máy:
- Xin cho biết ra đầu hàng theo thể thức nào?
- Kéo cờ trắng, đi thành 3 hàng dọc ra ngay đầu cầu Lớn (cầu An Hạ).
- Còn vũ khí, trang bị và quân dụng?
Tình huống hơi bất ngờ, nếu để chúng mang theo vũ khí, thấy ta ít, giở trò “lật kèo” thì nguy hiểm; còn nếu ra lệnh bỏ vũ khí tại chỗ thì chúng có thể cho ta “yếu thế”. Tiểu đoàn trưởng Kiên nghĩ nhanh và quyết định để chúng mang toàn bộ súng đạn theo. Anh ra lệnh:
Ra hàng, mang toàn bộ vũ khí, quân dụng, không thiếu một thứ gì!
Quả nhiên, bọn tàn binh ra đầu hàng trật tự, kỷ luật, chất súng đạn và trang bị theo từng chủng loại rồi giữ đúng cự ly như lệnh của người Tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi. Chỉ mấy phút sau, vũ khí, trang bị đã chất thành từng đống cao quá đầu người (tất cả có khoảng gần 2.000 súng các loại, 80 máy thông tin).
Theo lệnh của Tiểu đoàn trưởng Phan Trung Kiên, Chiến đoàn 46 - Sư đoàn 25 ngụy vốn sừng sỏ làm mưa làm gió ở vùng Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, nay răm rắp tuân lệnh: từ cấp trung úy trở xuống ngồi tại chỗ, từ cấp đại úy trở lên ra mặt Đường 10. Đi đầu là đại tá tỉnh trưởng Tôn Thất Soạn, quân phục, ga lông, áo giáp, giày đinh nghiêm chỉnh; theo sau là 2 trung tá, 4 thiếu tá và hơn một chục đại úy tùy tùng của ban chỉ huy Chiến đoàn 46.
Sau khi xem xét cẩn thận, Phó chính ủy Trung đoàn Gia Định Võ Xây Lăng dõng dạc tuyên bố với tất cả tù binh:
Quân giải phóng sẽ tiến vô Sài Gòn trong giờ phút sắp tới. Với chính sách nhân đạo của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trước sau như một, tôi ra lệnh phóng thích tất cả các anh!
Toàn bộ quan, lính Chiến đoàn 46 như ong vỡ tổ, sung sướng reo hò vang dội cả cánh đồng. Họ tung tất cả áo, mũ, bi đông… lên trời và không ngớt hô vang: “Hoan hô quân giải phóng”, “Hòa bình muôn năm”…
Vậy là cuộc đối thoại tuy ngắn nhưng đầy thuyết phục, đơn vị đã hóa giải được tình huống gay cấn đối với 1.860 tên ngụy, không tốn một phát đạn. Trận đánh “không tiếng súng” đầy ngoạn mục trong khoảnh khắc thăng hoa của lịch sử đã điểm thêm một nét đẹp cho Chiến dịch Hồ chí Minh.
Người tiểu đoàn trưởng gọi hàng quân ngụy trong trận đánh cuối cùng, sau này được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và hiện là thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN