Thứ Hai, 18/11/2024 19:45 CH
Tổng hành dinh Hà Nội chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh
Thứ Sáu, 17/04/2015 08:16 SA

Nhà D67, nơi đây Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng

Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngay sau khi Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, ngày 8/3/1975, tại “nhà con rồng”, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp và đưa ra kết luận: hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975-1976) ngay trong năm 1975…

 

Những ngày này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở luôn trong nhà D67 (một cửa xuống Tổng hành dinh dưới hầm ngầm trong thành Hoàng Diệu) không về nhà riêng, dù nhà chỉ cách vài trăm mét. Trong phòng làm việc của Đại tướng kê thêm một chiếc giường cá nhân và đặt thêm một bản đồ quân sự miền Nam dưới tấm kính rộng trên mặt bàn. Tại đây, Đại tướng đã đắm mình trong những giờ phút lịch sử sang trang. 

 

CHỈ ĐẠO TỪ TỔNG HÀNH DINH HÀ NỘI

 

Hạ tuần tháng 4/1975, năm cánh quân đánh vào Sài Gòn đã vào vị trí triển khai. Tại Tổng hành dinh, các cơ quan của Bộ Tổng tư lệnh thường trực 24/24 giờ. Trên tấm bản đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh, các mũi tên màu đỏ vít chặt lấy hang ổ cuối cùng của địch. Các bộ phận khác cũng ngày đêm hối hả làm việc. Cục Tác chiến phải dành riêng những quãng thời gian hiếm hoi để cùng Cục Tuyên huấn phát tin cho các báo, đài. Từ mặt trận Sài Gòn dồn dập bay về đây tin chiến sự về các cánh quân đang thần tốc hành tiến vào sào huyệt kẻ thù. Đêm 28/4, toàn Tổng hành dinh thức trắng. Bộ Chính trị cũng không ai ngủ được. Các vị lãnh đạo, các tướng lĩnh nắm được kế hoạch cụ thể của cuộc tiến công và nổi dậy đều cùng thức với chiến trường trong trận quyết chiến cuối cùng như đón đợi phút giao thừa lịch sử của đất nước sắp bước sang những trang mới huy hoàng.

 

Tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định, trên đó những mũi tên được tô đậm thêm, kéo dài thêm chọc thẳng vào nội đô. Hầu như mỗi giờ sáng 29/4, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn điện vào chiến trường: tiếp tục tấn công đập tan mọi sự kháng cự của địch. Công bố đặt thành phố dưới quyền Ủy ban quân quản do Trung tướng Trần Văn Trà làm chủ tịch… 

 

Tối 29/4, Quân ủy Trung ương họp giao ban. Năm cánh quân đều tiến thẳng vào Sài Gòn. Theo kế hoạch, vào 5 giờ 30 sáng 30/4, các hướng sẽ đồng loạt vào nội thành. Riêng cánh quân phía đông, Thượng tướng Lê Trọng Tấn đề nghị cho nổ súng trước vì lực lượng chủ lực của ta còn cách vùng ven 15 đến 20km, nếu cùng nổ súng sẽ không đến kịp. Bức điện này đến Tổng hành dinh lúc nửa đêm. Cục Tác chiến đánh thức Đại tướng tới nhà đồng chí Lê Duẩn báo tình hình. Đồng chí Lê Duẩn đồng ý cho cánh quân phía đông nổ súng trước giờ G 12 tiếng đồng hồ. Lại một đêm Tổng hành dinh thức trắng. Sáng 30/4, “nhà con rồng” rạng rỡ trong không khí mùa xuân tươi sáng. Thiếu tướng Cao Văn Khánh trực ban hôm đó chốc chốc lại sang báo cáo tình hình mới. Các mũi tiến công của quân ta phát triển nhanh từng phút về trung tâm TP Sài Gòn - Gia Định. Mục tiêu cuối cùng của cuộc tiến công chiến lược chỉ còn tính từng giờ. Tin đến cắt ngang cuộc họp, nhưng ai cũng vui mừng phấn chấn. Những công việc cấp thiết trước mắt lập tức được điện vào chiến trường cho Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. 10 giờ sáng, có tin quân giải phóng đang tiến vào nội đô Sài Gòn. Đại tướng viết ngay một bức điện lệnh cho các cánh quân tiếp tục tiến công vào các mục tiêu đã định. 10 giờ 50, Cục 2 tình báo báo cáo quân ta đã vào dinh. Tổng cục phó Cục Cơ yếu mang vào phòng họp Tổng hành dinh một bức điện của đồng chí Lê Trọng Tấn: một đơn vị thuộc cánh quân phía đông (Quân đoàn 2) đã cắm cờ lên dinh Độc Lập. 

 

Theo Đại tướng Tổng tư lệnh thì bức điện cuối cùng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo chiến trường miền Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là việc “có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi địch hạ vũ khí đầu hàng, nhưng không phải với tư cách của một tổng thống mà là một người đã sang hàng ngũ nhân dân…”. 

 

Bức điện gửi đi lúc 12 giờ 25. Hội nghị ngừng họp. Cho đến chiều 30/4, khi mặt trời khuất bóng sau rặng xà cừ trên đường Hoàng Diệu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới ngồi lại một mình trong phòng làm việc với niềm cảm xúc trào dâng nước mắt.

 

Tổng hành dinh cũng kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình khi cuộc kháng chiến 20 năm dài chấm dứt.

 

Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu

DIỄN BIẾN Ở CHIẾN TRƯỜNG

 

Với sức tiến quân như thác lũ, trong ngày 28 và sáng 29/4, các mũi tiến công của ta đã ập tới cửa ngõ Sài Gòn, mặc cho nhiều hướng bị địch ngăn chặn, chống cự quyết liệt; một số xe tăng của ta bị địch bắn cháy, nhiều cán bộ, chiến sĩ thương vong. Có thể nói không một trở lực nào cản được bước tiến của quân ta! Địch dù ngoan cố tới mức nào thì số phận của chúng cũng đã được định đoạt.

 

Ở hướng đông, Sư đoàn 325 đã làm chủ chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ và đã phát triển đến Ngã ba Cát Lái, chuẩn bị cho bộ đội vượt sông đánh vào quận 9.

 

Trận địa pháo tầm xa đặt ở Nhơn Trạch bắn cấp tập 300 quả xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếng nổ rung chuyển Sài Gòn như lời tuyên cáo kết liễu chế độ ngụy quyền. Pháo ta nổ chính xác không ảnh hưởng tới các đơn vị bộ binh giữ cửa mở và đang hành tiến tiếp cận các mục tiêu.

 

Trong lúc đó, binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 đã tiến tới phía đông cầu xa lộ Đồng Nai, bắt liên lạc với Tiểu đoàn 116 đặc công đang giữ đầu cầu sau khi đánh lui nhiều đợt phản kích của một tiểu đoàn địch.

 

Ở cánh phải của Quân đoàn 2, Sư đoàn 340 từ mờ sáng tổ chức một đợt tiến công quyết liệt vào quân địch còn lại ở trường bộ binh căn cứ Nước Trong. Đến gần trưa, làm chủ hoàn toàn trận địa và phát triển ra đường 15, chiều tối đã tới phía nam căn cứ Long Bình. Phía Vũng Tàu, chiều 29/4, ta làm chủ phần lớn thị xã.

 

Ở phía nam Dầu Giây, trong rừng cao su, binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 gồm 1 lữ đoàn xe tăng và 1 trung đoàn bộ binh đang tập kết, chờ lệnh xuất phát tiến vào Sài Gòn. Các chiến sĩ ngồi trên xe, mặc quân phục mới chỉnh tề, tay đeo băng đỏ, tràn đầy khí thế. Đúng 15 giờ, theo lệnh của Bộ Tư lệnh quân đoàn, đoàn xe cài lá ngụy trang rùng rùng chuyển động thành một hàng dài ầm ầm lao về phía trước. Một cảnh tượng uy nghi hào hùng chỉ có trong giờ phút kết thúc chiến tranh.

 

 

Cùng ở hướng này, Quân đoàn 4 sau khi chiếm một số mục tiêu dọc đường số 1, ba mũi phát triển tiến công về Hố Nai, vùng phụ cận Biên Hòa. Một mũi găm vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy và sân bay nhưng bị địch chặn lại. Đây là vị trí “yết hầu” trên tuyến phòng thủ phía đông Sài Gòn nên địch liều chết chống trả. Những trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt trong nhiều giờ…

 

Tiến phía sau Quân đoàn 4 là Lữ đoàn 52 thuộc Quân khu 5 mới từ Quy Nhơn hành quân cấp tốc bằng cơ giới vào để kịp tham gia chiến dịch, làm đội hình dự bị cho Quân đoàn 4 và cánh quân phía đông. Đây là một đơn vị thiện chiến từng lập nhiều chiến công ở chiến trường Tây Nguyên và Khu 5. Quân của Lữ đoàn ngồi trên 100 xe ca đỗ dài san sát trên đường số 1, chờ lệnh tiến vào Sài Gòn.

 

Trên hướng bắc và tây bắc, một đơn vị của Quân đoàn 1 đã bao vây căn cứ Phú Lơi; một bộ phận đánh chiếm luôn cả Tân Uyên trên đường tiến vào Lái Thiêu để thọc sâu vào Sài Gòn. Quận lỵ Tân Uyên bị chiếm đã tạo điều kiện cho cánh quân thọc sâu của Quân đoàn tiến theo xa lộ Đại Hàn vào hướng các căn cứ binh chủng Gò Vấp và Bộ tổng tham mưu ngụy.

 

Quân đoàn 3 tiến theo đường 22 và đường số 1 đánh tan các đợt phản kích của địch, chiếm chi khu Trảng Bàng, tiến xuống tiêu diệt địch trong căn cứ Đồng Dù, đánh rã Sư đoàn 25 ngụy. Địch ở Đồng Dù bị tiêu diệt và tan rã, tạo điều kiện cho quân và dân Củ Chi nổi dậy giải phóng toàn huyện.

 

Trong đêm 28/4, bộ đội đặc công đánh chiếm cầu Bông, nhờ đó binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 3 nhanh chóng vượt qua Thành Quan Năm (khu vực Quân trường Quang Trung), chi khu Hóc Môn, tối 29/4 đã tới ngã ba Bà Quẹo, tạm dùng để chuẩn bị tấn công vào mục tiêu Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu ngụy. Mũi thứ hai đến dùng quân ở cầu Tham Lương.

 

Trung đoàn Gia Định 2 sau khi diệt đồn Tổng Khôn, đã cùng lực lượng địa phương giải phóng xã Tân Thạnh Động, chặn đánh một bộ phận của Chiến đoàn 50 Sư đoàn 25 ngụy từ Đồng Dù rút chạy theo lộ 8 và lộ 15; ngày hôm sau tiến về giải phóng chi khu Hóc Môn và đánh chiếm tiểu khu Gia Định.

 

Trên hướng tây nam, Đoàn 232 sau khi đập tan quân địch phòng thủ ở tuyến Hậu Nghĩa, Đức Hòa đã xuống tập kết ở vùng Mỹ Hạnh. Chiều 29/4, một trung đoàn theo đường 10 tiến về khu vực Bà Hom (quận 6), còn binh - đoàn thọc sâu (Sư 9) có xe tăng dẫn đầu, theo đường 9 vượt qua cầu An Hạ, 20 giờ đã vào tập kết ở khu vực Bà Điểm (Hóc Môn) để chuẩn bị tiến vào Biệt khu thủ đô.

 

Cũng trên hướng này, sau khi giải phóng xã Mỹ Hạnh, diệt bót cầu An Hạ, Trung đoàn Gia Định đã đánh chiếm phân chi khu Xuân Thới Thượng, mở cửa cho Đoàn 232.

 

Các đơn vị địa phương, biệt động, đặc công đã chiếm các cầu, giữ cửa mở ở các hướng và tiến công căn cứ ra đa Phú Lâm, bắn hỏa tiễn ĐKP vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trung đoàn 16 áp sát cầu An Lạc, cầu Bình Điền, bảo đảm sẵn sàng cho quân chủ lực tiến vào Sài Gòn.

 

Các lực lượng an ninh phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân trên các hướng, diệt ác trừ gian, truy lùng tàn binh địch, chuẩn bị người và phương tiện để hướng dẫn bộ đội vào đánh chiếm các mục tiêu nội thành.

 

Trên quốc lộ 4 đi miền Tây, Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8 đánh nhiều trận phản kích, tiếp tục cắt đứt tuyến đường quan trọng này của địch. Trung đoàn 24 tiến về cầu chữ Y. Trung đoàn Đặc công 429 chiếm các bót Bình Hưng, Ký Thủ Ôn, Cầu Nhị Thiên Đường (quận 8).

 

Qua báo cáo tổng hợp diễn biến ngày 29/4, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: Sau một ngày thực hành tổng công kích trên toàn mặt trận, tình hình tiến triển rất tốt, đúng theo kế hoạch đã định. Các binh đoàn trên các hướng bảo đảm tốc độ tiến công, đánh chiếm nhiều căn cứ, vị trí địch ở vòng ngoài; cô lập, bao vây, ngăn chặn, tiêu diệt, làm tan rã phần lớn các sư đoàn 5, 25, 18, 22, 7 ngụy. Lực lượng đặc công, biệt động và địa phương đã chiếm được các cầu quan trọng xung quanh Sài Gòn, bảo đảm cho thiết giáp, cơ giới hành tiến đột phá vào các mục tiêu nội thành.

 

HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek