Bộ chỉ huy nhận được tin từ quân báo cho biết địch đang ráo riết chuẩn bị để có thể rút về cố thủ ở Cần Thơ, nếu ta giải phóng Sài Gòn. Bởi vì Cần Thơ là thành phố lớn nhất mền Tây Nam Bộ (còn gọi là Tây Đô), nằm khá sâu, lại có nhiều sông rạch, nhất là hai con sông lớn là Tiền Giang và Hậu Giang chắn ngang quốc lộ 4 (không có cầu), quân giải phóng không thể sử dụng xe tăng - thiết giáp, pháo binh hạng nặng được và tiếp tế hậu cần rất khó khăn.
Kéo pháo vào trận địa phía bắc Sài Gòn |
DẬP TẮT Ý ĐỒ CỦA ĐỊCH CO CỤM VỀ MIỀN TÂY
Tình hình tiến triển chiến dịch trên đà thuận lợi, trong khi nội bộ địch càng lúc càng rối ren. Đúng như nhân định của Bộ Chính trị sau khi ta giải phóng TX Phước Long (1/1975): Mỹ đã suy yếu rõ rệt, không còn khả năng cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn của ngụy quyền Sài Gòn.
n việc di tản người Mỹ, bỏ rơi chính quyền ngụy Nam Việt Nam như đã bỏ bọn ngụy Campuchia. Tình hình này làm rúng động chiến lược của ngụy và buộc chính quyền ngụy phải xoay trở tìm cách đối phó mới. Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh trong lúc thực hành chỉ đạo các cánh quân bao vây Sài Gòn vẫn đưa ra nhận định kịp thời: Có thể địch đã tính đến hai khả năng: một là co cụm lực lượng để giữ Sài Gòn; hai là, giữ Sài Gòn không nổi thì rút hết về miền Tây cố thủ để giữ phần đất còn lại là đồng bằng sông Cửu Long; hy vọng từ đó ổn định để tổ chức lại cuộc chiến đấu, đảo ngược thế cờ.
Ngày 21/4, tướng Oenxơn tùy viên quân sự Mỹ cùng một số cố vấn không quân Mỹ đáp máy bay từ Sài Gòn đến sân bay Bình Thủy (Cần Thơ) cùng với sư đoàn trưởng sư đoàn 4 không quân ngụy, thị sát nghiên cứu chỗ cho máy bay ở hai sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất di tản về đây. Đồng thời tăng cường thiết bị cho sân bay Bình Thủy nhằm sử dụng vào việc yểm trợ Sài Gòn trong trường hợp sân bay Biên Hòa bị tê liệt. Chúng còn dự kiến cả trường hợp phải di chuyển Bộ Tư lệnh không quân ngụy về Bình Thủy để phục vụ kế hoạch yểm trợ lâu dài khi phải rút về cố thủ ở Cần Thơ.
Trong cơn quẫn bách, tình huống địch rút về miền Tây chỉ xảy ra 1%, nhưng Bộ Chỉ huy chiến dịch vẫn nhận định thấu đáo rằng, khi ta đánh đòn mạnh nhất, quyết định nhất, giải phóng TP Sài Gòn - Gia Định thì toàn bộ quân địch còn lại ở đồng bằng sông Cửu Long sớm muộn cũng phải hạ vũ khí đầu hàng.
Những nhận định dứt khoát về âm mưu đối phó của địch, cho thấy Bộ Chỉ huy chiến dịch có quyết tâm cao độ tập trung giải phóng Sài Gòn, giải quyết cuộc chiến tranh bằng trận quyết chiến chiến lược lớn nhất, để giành thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Như ta đã biết Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được thành lập ngày 8/4/1975 và ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị gửi điện vào căn cứ Tà Thiết (Lộc ninh) cho Bộ Chỉ huy chiến dịch đồng ý lấy tên Chiến dịch tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi đó quân ta đang hình thành thế trận tiến công về hướng Sài Gòn và cần phải giải quyết hai trận đánh then chốt san bằng hai nút chặn kiên cố của địch trên đường số 1 là Phan Rang giải phóng ngày 16/4, Xuân Lộc giải phóng ngày 21/4. Như vậy, thời gian chuẩn bị cho cuộc tổng công kích vào Sài Gòn hết sức gấp rút, nhưng phải triển khai một khối lượng công việc vô cùng lớn về nhiều mặt.
Tảng sáng 26/4, các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lên xe chuyển đến Sở Chỉ huy tiền phương tại rừng Căm Xe (tây bắc Bến Cát, Thủ Dầu Một). Đây là hậu cứ của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Tại đây lúc 17 giờ ngày 26/4, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh phát lệnh tiến công Sài Gòn. Tiếng súng đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã nổ từ hướng đông.
Theo kế hoạch, sau khi phát triển đội hình tiến công, sáng 27/4, đồng loạt các hướng đánh vào vùng ven (vùng phụ cận Sài Gòn). Riêng hướng tây nam phải cắt đứt được quốc lộ 4 từ cầu Bến Lức (Long An) đến phà Mỹ Thuận (Vĩnh Long). Từ 29/4 sẽ đồng loạt đánh vào nội thành. Muốn bảo đảm tiến công đúng thời gian quy định, trên cả 5 hướng đều phải khắc phục rất nhiều khó khăn. Hướng tây bắc, bắc và tây nam phải đưa được lực lượng, nhất là binh khí, kỹ thuật nặng vượt sông Bé và sông Vàm Cỏ Đông, bao vây tiêu diệt, bức hàng hệ thống đồn bót và lực lượng địch ở Phú Lợi, Củ Chi, Hậu Nghĩa để nhanh chóng đưa được các binh đoàn thọc sâu, binh chủng hợp thành triển khai trên các “cửa mở” tiến vào nội thành. Hướng đông và đông nam phải đánh chiếm được Biên Hòa, Long Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu, đặt được trận địa pháo ở Nhơn Trạch để thực hiện bao vây, chia cắt chiến dịch trước khi đồng loạt đánh vào nội thành ngày 29/4.
Trước đó, ngày 24/4, lúc còn ở Sở chỉ huy cơ bản Tà Thiết, Tư lệnh chiến dịch Văn Tiến Dũng được điện báo cáo của Phó tư lệnh Lê Trọng Tấn chỉ huy cánh quân phía đông gồm 2 quân đoàn, cho biết: về nhiệm vụ, về cách đánh, các đồng chí hoàn toàn nhất trí và sẽ nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Riêng về thời gian, nếu ngày 24/4, cánh quân phía đông đánh cùng với các hướng thì không thể cùng đồng loạt đánh vào nội thành từ ngày 29/4 vì lực lượng cánh quân phía đông còn cách vùng ven Sài Gòn từ 15 đến 20km. Mặt khác, địch tập trung dày đặc ở hướng này, mà ta phải vượt qua hai sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nên đồng chí Lê Trọng Tấn đề nghị cho hướng đông được nổ súng đánh trước giờ G, ngày N của chiến dịch (trước 17 giờ ngày 26/4).
Nhận thấy đề xuất của Phó tư lệnh chiến dịch không ảnh hưởng đến kế hoạch chung và để đảm bảo được sức mạnh đánh đồng loạt vào nội thành Sài Gòn, Tư lệnh Văn Tiến Dũng đồng ý với đề nghị này của đồng chí Lê Trọng Tấn.
Trong đêm 26/4, sau khi các cánh quân bước vào cuộc tổng công kích, Bộ Chỉ huy chiến dịch vừa theo dõi, chỉ huy hoạt động của hướng đông vừa đôn đốc hướng bắc và tây bắc tập trung hỏa lực diệt các trận địa pháo của địch và khẩn trương tổ chức các lực lượng thọc sâu. Còn hướng tây nam chủ yếu là tổ chức đưa xe tăng và pháo nặng 130 ly vượt sông Vàm Cỏ thực hiện triệt để cắt quốc lộ 4 đi miền Tây, cô lập hoàn toàn Sài Gòn.
HƯỚNG TỚI CÁC MỤC TIÊU Ở SÀI GÒN
Chiều tối 26/4, khi mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch phát đi, các trận địa pháo của ta đồng loạt trút hỏa lực vào các căn cứ địch, đồng thời xe tăng - thiết giáp của các cánh quân bắt đầu xuất kích. Các đơn vị khác được giao nhiệm vụ cùng rời khỏi vị trí tập kết, hướng tới các mục tiêu quy định.
Ở hướng đông, Quân đoàn 2 nổ súng vào lúc 17 giờ ngày 26/4. Sau tiếng gầm rú vang trời của gần 40 tiểu đoàn pháo binh, quân ta từ rừng cao su ào ào xông lên theo tiếng kèn đồng giục dã vang cả cánh rừng. Trong vòng chưa đầy 2 giờ, Sư đoàn 304 chiếm được trường huấn luyện thiết giáp, một phần của căn cứ Nước Trong. Tại đây học viên sĩ quan thiết giáp và sĩ quan Thủ Đức đến thực tập, đã hợp với quân địch tại chỗ ngoan cố chống cự và phản kích đến hết ngày 27/4. Ta tổ chức nhiều đợt tiến công nhưng chưa giải quyết được. Các đơn vị vừa đánh quân địch trên mặt đất vừa đánh trả máy bay địch lồng lộn trên không oanh kích xuống trận địa. Trời nắng gắt, các đơn vị phải cho xe vận chuyển nước uống đến cho bộ đội đang chiến đấu. Sáng 28/4, Quân đoàn 2 dứt điểm căn cứ Nước Trong, diệt và bắt gần 3.000 tên.
Phối hợp với Sư đoàn 304, Sư đoàn 325 đánh chiếm chi khu Long Thành, vượt đường 15 giải phóng Phước Thường và bao vây Long Tân. Sư đoàn 3 của Quân khu 5 phối thuộc với Quân đoàn 2, có pháo hạng nặng và xe tăng yểm trợ, tiến công như vũ bão. Sau 3 giờ chiến đấu, chiếm chi khu Đức Thạnh, đến 15 giờ ngày 27/4, giải phóng hoàn toàn TX Bà Rịa, diệt 1 lữ đoàn dù ở đây. Sư đoàn phát triển về hướng Vũng Tàu phải dừng lại vì địch đánh sập cầu Cỏ May. Trong lúc chờ sửa cầu, đơn vị phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích Bà Rịa đánh chiếm các đồn bót, quận lỵ, chi khu, giải phóng một vùng rộng lớn tỉnh Bà Rịa.
Quân đoàn 4 tác chiến theo trục đường số 1, dùng sức mạnh binh chủng hợp thành đánh chiếm chi khu Trảng Bom, áp sát Hố Nai phát triển về hướng Biên Hòa nhưng bị địch chặn lại bằng các tuyến hào chống tăng. Có lẽ đây là lần đầu trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, địch cấu trúc các tuyến hào chống tăng để lập tuyến phòng thủ.
Trong lúc đó, ở hướng này, các đơn vị đặc công, biệt động và lực lượng địa phương đã đánh chiếm cầu Rạch Cát, cầu Ghệnh, cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn… Địch ngoan cố phản kích chiếm lại, nhất là ở các cầu Rạch Chiếc, Rạch Cú, cầu xa lộ Đồng Nai, ta và địch giằng co quyết liệt, đánh đi, chiếm lại nhiều lần, cuối cùng ta đã giữ được cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho xe tăng của các đơn vị chủ lực đột phá tiến vào Sài Gòn. Cũng trong những ngày này, pháo tầm xa của ta ở Hiếu Liêm đánh liên tục làm tê liệt sân bay Biên Hòa. Địch phải di tản số máy bay còn lại về sân bay Tân Sơn Nhất và Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy chiều 28/3 phải chạy về Gò Vấp.
Hướng Tây Nam, các đơn vị của ta đã cắt đứt đường từ cầu Bến Lức đến Ngã ba Trung Lương và đoạn từ Cai Lậy đến An Hữu, thu hút lực lượng các sư đoàn 7, 9, 22 ngụy, tạo điều kiện thuận lợi cho các hướng khác hoạt động.
Ở hướng này, Đoàn 232 đã sử dụng một bộ phận đánh chiếm cầu An Ninh - Lộc Giang (Long An) trên sông Vàm Cỏ để đưa lực lượng đột kích là Sư đoàn 9 và binh khí kỹ thuật qua sông. Do địa hình hai bờ sông trống trải, sình lầy nên vượt sông với binh khí kỹ thuật nặng gặp khó khăn, làm chậm tốc độ tiến quân so với kế hoạch đề ra. Các trung đoàn độc lập 24 và 88 ở hướng này cũng đang tiến nhanh về phía nam Sài Gòn.
Ở hướng Bắc, Quân đoàn 1 diệt được một số trận địa pháo của địch và làm chủ một đoạn đường 16 để đưa lực lượng triển khai thọc sâu vào phía bắc TX Thủ Dầu Một. Đơn vị đầu tiên chỉ cách thị xã 7km.
Ở hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 đã diệt được 11 trong số 18 trận địa pháo của địch cắt các đường 22 và quốc lộ 1, chặn các trung đoàn của Sư đoàn 25 ngụy từ Tây Ninh chạy về hậu cứ Đồng Dù (Củ Chi) và bức hàng một tiểu đoàn của trung đoàn 50 thuộc Sư đoàn 25. Tiểu đoàn 4 đặc công Trung đoàn Gia Định của Thành đội Sài Gòn tiến công phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất, giữ cửa mở cho Quân đoàn 1 tiến đánh mục tiêu này.
Đến lúc này, Bộ Chỉ huy chiến dịch đánh giá chung các hướng cơ bản đã thực hiện được kế hoạch. Riêng hướng Đông và Đông Nam có gặp một số khó khăn, phải tập trung giải quyết bằng được trong ngày 28/4, nhất là việc triển khai trận địa pháo Nhơn Trạch.
Trên các hướng Đông và Tây Bắc, địch đánh trả và phản kích quyết liệt, cản trở ta đánh chiếm căn cứ Nước Trong và Hố Nai, để triển khai lực lượng tiến về hướng Sài Gòn và cố giữ quốc lộ 1, con đường huyết mạch, nơi Sư đoàn 25 ngụy đang ứng cứu Tây Ninh và sẵn sàng rút về ứng cứu Sài Gòn. Nhưng đã đến lúc những cố gắng tối đa của quân ngụy trở nên vô ích, bởi không sao ngăn được sự tan vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ trước sức tiến công mãnh liệt của quân ta.
HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN