Thứ Hai, 18/11/2024 21:49 CH
Kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn
Thứ Bảy, 11/04/2015 08:19 SA

Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thảo luận cách đánh của Chiến dịch giải phóng Sài Gòn

Khi được biết Bộ Chính trị hạ quyết tâm đánh vào Sài Gòn trước mùa mưa 1975 với tư tưởng chỉ đạo: thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay về cách đánh Sài Gòn.

 

TÁO BẠO, BẤT NGỜ, CHẮC THẮNG

 

Mặc dù chưa nắm được cụ thể tình hình về địch, về địa hình, về tổ chức và phong trào cách mạng thành phố, nhưng trên cơ sở nhiệm vụ đã vạch ra và trước sự rối loạn về chiến lược và tinh thần của địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã hình dung ra cách đánh. Do vai trò quyết định của chiến dịch đối với cuộc chiến tranh cách mạng, do sự thay đổi về so sánh lực lượng giữa ta và địch, do những yếu tố mới nảy sinh, nên phải tiến hành làm công tác chuẩn bị nhiều mặt và vô cùng khẩn trương, nhất là công tác tổ chức chỉ huy hiệp đồng các lực lượng tham gia tiến công thì mới bảo đảm chắc thắng. Trong đó nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy tác chiến và nổi dậy phải có bước phát triển và sáng tạo hơn. Qua kinh nghiệm đánh vào Sài Gòn tết Mậu Thân 1968 và kế hoạch Chiến dịch Xuân Hè 1972 của Bộ Tham mưu Miền, Bộ Chỉ huy chiến dịch càng có thêm cơ sở để thiết lập kế hoạch giải phóng Sài Gòn lần nay.

 

Khi nghiên cứu hệ thống bố trí phòng ngự của địch ở vùng Sài Gòn trên bản đồ, kết hợp với báo cáo hàng ngày của cơ quan tham mưu, quân báo; điểm qua những đơn vị quân ngụy đang “tử thủ”, phần nào đã hiện lên hình thù, trạng thái tinh thần của địch. Chúng còn đông, nhưng tinh thần đã rệu rã; các tướng tá chỉ huy cũng thế, hầu như đã rơi vào tâm lý tuyệt vọng. Như vậy cuộc tiến công vào sào huyệt quân thù đã chín muồi.

 

Tuy nhiên, thảo luận và quyết định kế hoạch đánh Sài Gòn là một quá trình lao động trí óc căng thẳng của Bộ Chỉ huy chiến dịch, vì thời gian còn quá ít, tình hình lại chuyển động nhanh quá, có rất nhiều vấn đề không chỉ đơn thuần là quân sự mà có quan hệ đến nhiều mặt: chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, tâm lý… cần được cân nhắc, tính toán thật đầy đủ.

 

Hai vấn đề nổi lên trong toàn bộ kế hoạch tiến công Sài Gòn là cách đánh và mục tiêu của chiến dịch.

 

Sài Gòn là thành phố đông dân, phần lớn đồng bào đều chờ ngày giải phóng; nhưng còn một bộ phận thân nhân của những người trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền đang lo lắng, có nhiều tâm tư trước thời cuộc, khi mà Mỹ - ngụy đang tan rã. Mặt khác đồng bào bị địch nhồi nhét tư tưởng chống cộng từ mấy chục năm, xuyên tạc, lừa bịp nên không hiểu rõ về cách mạng, nhất là trong khi chúng đang tung ra luận điệu Cộng sản vào sẽ trả thù “tắm máu”, “khổ sai”, tẩy não”… Nhiều người hoảng sợ đã tìm cách “di tản” chạy ra nước ngoài.

 

Như vậy đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ chế độ phản động, đập tan cả hệ thống tổ chức ngụy quân, ngụy quyền từ trung ương đến tận cơ sở, phá nát bộ máy chiến tranh. Nhưng đánh như thế nào để thành phố không đổ nát, giải phóng mấy triệu đồng bào mà không dẫn tới thiệt hại nhiều sinh mạng người dân, không hư hại nhiều tài sản và mau chóng khôi phục cuộc sống trở lại bình thường.

 

Một vấn đề nữa đặt ra mà Bộ Chỉ huy chiến dịch phải tính toán là mấy trăm ngàn binh sĩ ngụy đều là người Việt Nam. Họ phần lớn là con em của các gia đình lao động, buộc phải cầm súng chống lại cách mạng. Bây giờ họ đang mong có hòa bình để trở về đoàn tụ với người thân trong gia đình.

 

Nhớ tới lời Hồ Chủ tịch “ngụy binh cũng là con dân nước Việt Nam, nhưng vì dại mà đi lầm đường, cho nên Chính phủ và tôi sẵn sàng tha thứ những người sớm biết lối quay về với đại gia đình kháng chiến”, các đồng chí chỉ huy chiến dịch thấy phải đánh đội quân ngụy to lớn ấy tan rã, kiên quyết tiêu diệt bọn đầu sỏ ngoan cố chống lại cách mạng đến cùng, nhưng với số đông binh sĩ ngụy, phải mở ra cho họ con đường sống, không tiêu diệt khi họ đã buông súng đầu hàng. Đó là chính sách nhất quán của ta. Như vậy với lực lượng áp đảo của ta so với địch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đề ra kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn bao gồm nhiều mặt cụ thể đạt tới mục đích chắc thắng.

 

Điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị tham gia tổng tiến công năm 1975

 

CHỌN HƯỚNG TIẾN CÔNG MỤC TIÊU

 

Lực lượng của ta trong cuộc tổng công kích vào TP Sài Gòn - Gia Định lần này không có sức mạnh nào ngăn nổi. Trong trận quyết chiến chiến lược này ta sử dụng 5 quân đoàn chủ lực với hàng trăm ngàn quân, chưa kể các lực lượng dự bị chiến lược khác và lực lượng địa phương Nam Bộ, các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn thuộc các quân, binh chủng với nhiều vũ khí hiện đại.

 

Với sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn đó, cần phải chọn phương hướng và mục tiêu nào để nhanh chóng đánh gục địch, sử dụng lực lượng và cách đánh nào để phát huy được sức mạnh tổng hợp trong tiến công và nổi dậy, hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất của ta trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, mà lại giành được thắng lợi nhanh nhất.

 

Trong thời gian bắt đầu tiến công cho đến kết thúc chiến dịch, nếu cách đánh không bất ngờ, không táo bạo, không thích hợp thì thời gian sẽ kéo dài, thế trận giằng co, mùa mưa sẽ đến, rất khó khăn nan giải cho ta. Lúc đó, Mỹ có thể xoay xở đưa ra “giải pháp tình thế” nào đó để cứu vớt chế độ ngụy quyền phản động Nguyễn Văn Thiệu…

 

Những vấn đề quan trọng này đã được đặt lên bàn của Bộ Chỉ huy chiến dịch, mổ xẻ, bàn bạc kỹ lưỡng, kể cả những tình huống khó khăn có thể xảy ra.

 

Về yếu tố bất ngờ, thực ra khi toàn bộ Tây Nguyên và miền Trung đã giải phóng, quân ta tiến đánh Xuân Lộc, Phan Rang và một số sư đoàn chủ lực của ta hành quân vào miền Đông Nam Bộ, địch đã đoán được hướng tiến công của ta là Sài Gòn. Sự bất ngờ về hướng tiến công và lực lượng tiến công đã giảm đi, nhưng ta lại tạo nên những bất ngờ khác quan trọng hơn, đó là cách đánh và thời gian mở màn chiến dịch.

 

Cả Sài Gòn - Gia Định là một địa bàn rộng lớn, địch bố trí phòng ngự vòng trong, vòng ngoài mấy trăm ngàn quân, nhưng Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ chọn 5 mục tiêu lớn nhất để tiến công. Đó là: Dinh Độc Lập, Bộ tổng tham mưu ngụy, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát và sân bay Tân Sơn Nhất. Các mục tiêu này là những cơ quan đầu não quan trọng nhất của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn; là những bộ phận chính trong guồng máy chiến tranh và kìm kẹp nhân dân miền Nam, do Mỹ điều khiển. Trong đó sân bay Tân Sơn Nhất thuộc hạng lớn nhất vùng Đông Nam Á, là căn cứ lớn nhất cuối cùng liên lạc với bên ngoài bằng đường hàng không của địch. Ta có 5 cánh quân lớn từ 5 hướng tiến vào Sài Gòn, nên quyết định đánh 5 mục tiêu lớn nằm sâu trong phòng thủ của địch là hợp lý.

 

Đánh đúng 5 mục tiêu đó thì toàn bộ chế độ ngụy quyền Sài Gòn sẽ rung chuyển. Đó là những “trọng huyệt” trong cơ thể đang suy nhược vô phương cứu chữa của chính quyền tay sai đế quốc Mỹ. Đập trúng 5 mục tiêu đó thì ngụy quyền, ngụy quân như rắn mất đầu, toàn bộ hệ thống kìm kẹp còn lại sẽ tan rã, quần chúng sẽ nổi dậy như sóng trào, không một thế lực, một “vĩ nhân” nào dựng lại nổi. Trận quyết chiến sẽ nhanh chóng kết thúc, Sài Gòn và miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Và chỉ có đánh vào 5 trọng huyệt này thì gần 4 triệu đồng bào Sài Gòn - Gia Định mới không bị thương vong, các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội… không bị đổ nát.

 

Tóm lại, trong thế trận áp đảo và hoàn toàn có lợi cho ta thì việc chọn đánh 5 mục tiêu đầu não để giải quyết trận chiến giải phóng Sài Gòn là phương án tối ưu mà Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đề ra.

 

HỒ SĨ THÀNH – HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek