Thứ Hai, 18/11/2024 21:40 CH
Thế trận giải phóng Sài Gòn
Thứ Sáu, 10/04/2015 09:59 SA

Quân giải phóng từ miền Tây Nam Bộ tiến về Sài

Khi quyết định mở cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, ta xác định mục tiêu cuối cùng của trận quyết chiến chiến lược là giải phóng Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố lớn nhất miền Nam, lúc này có khoảng 3,5 triệu dân, rộng 1.845km2, có nhiều nhà cao tầng kiến trúc phức tạp. Đây là nơi tập trung các cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền; các kho tàng và căn cứ hậu cần quan trọng; là trung tâm chính trị, kinh tế, cũng là sào huyệt cuối cùng của chúng.

 

THẾ TRẬN CỦA TA TRONG TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC GIẢI PHÓNG SÀI GÒN

 

Địa hình thành phố khá phức tạp, xung quanh có nhiều sông rạch, bưng sình; nhất là hướng nam và tây nam có nhiều cầu lớn là đầu mối giao thông chính tỏa đi miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Ta phải chiếm được các cầu này mới đảm bảo cho xe tăng, pháo binh và các binh khí kỹ thuật nặng vào được Sài Gòn. Từ giữa tháng 5 là bắt đầu mùa mưa, các binh đoàn lớn của ta sẽ gặp khó khăn trở ngại nếu thoát ly các trục đường giao thông.

 

Để hình thành thế trận bao vây Sài Gòn, trong khi chờ đợi lực lượng của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3, với cả bộ binh và binh khí kỹ thuật… hành quân thần tốc vào, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã ra lệnh đẩy mạnh

 hoạt động ở phía tây và tây nam, chia cắt quốc lộ 4, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó và khó phán đoán được ý định chung của ta, làm cho địch ở Sài Gòn thêm rối loạn và hoang mang. Đồng thời đưa nhanh các đội đặc công và biệt động mạnh lên để tạo điều kiện cho cuộc tiến công lớn.

 

Các đơn vị của Quân khu 8, Quân khu 9 từ vùng giải phóng đến nội đô liên tục tấn công gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh; giải phóng một số vùng quan trọng ở Long An, Bến Tre, Mỹ Tho, mở hành lang nối liền miền Đông Nam Bộ qua Đồng Tháp Mười, xuống miền Tây Nam Bộ… Các hoạt động của lực lượng vũ trang đã kìm giữ, thu hút một số đơn vị chủ lực của địch ở “vùng 4”, thu hút một phần hoạt động của không quân và hải quân địch.

 

Ở hướng bắc, Quân đoàn 4 và chủ lực Miền, trước khi giải phóng Xuân Lộc, đã giải phóng được chi khu Dầu Tiếng, Chơn Thành, TX An Lộc; giam chân Sư đoàn 25 ngụy ở vùng Trảng Lớn (Tây Ninh), uy hiếp Sư đoàn 5 ngụy ở Lai Khê, Bến Cát (Bình Dương).

 

Xuân Lộc được giải phóng, cánh cửa phía Đông Sài Gòn mở rộng sẵn sàng đón lực lượng Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và Sư đoàn 3 Quân khu 5 vào Sài Gòn. Sư đoàn 3 chuẩn bị tiến về Bà Rịa, Vũng Tàu. Như vậy trước khi tổng công kích vào Sài Gòn - Gia Định, cánh quân phía đông đã tạo được một thế trận rất thuận lợi.

 

Phía tây nam Sài Gòn, ta đã điều lực lượng xuống Bến Lức, Long An, đánh thông hành lang Tây Ninh - Kiến Tường, làm chủ một phần sông Vàm Cỏ Tây, tiếp tục xuống vùng Tân An, Thủ Thừa, áp sát và đánh giao thông quốc lộ 4, mở ra một vùng giải phóng, tạo bàn đạp cho lực lượng thuộc Binh đoàn 232 chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn từ phía tây nam. Xe tăng, pháo, hỏa tiễn, cao xạ của các sư đoàn bộ binh, trung đoàn độc lập và hàng trăm tấn đạn, xăng dầu đã tới nơi quy định…

 

Tạo thế ở hướng tây nam Sài Gòn là một kỳ công của quân và dân miền Tây Nam Bộ, vì điều kiện địa hình ở đây khó triển khai lực lượng lớn, nhất là những binh khí kỹ thuật nặng. Tổ chức thông tin từ Sở chỉ huy chiến dịch xuống cánh Tây Nam chỉ có phương tiện độc nhất là vô tuyến điện. Việc chuẩn bị cầu, phà, đường cơ động, vận chuyển hậu cần… phải hết sức bí mật để giữ được bất ngờ ở hướng quan trọng này.

 

Ở hướng tây bắc, ta không đánh để giải phóng Tây Ninh, nhưng kìm giữ, phân tán lực lượng Sư đoàn 25 ngụy, không cho chúng tập trung để lùi dần về Sài Gòn. Một trung đoàn của Quân đoàn 3 đã vượt sông Sài Gòn cắt đứt một đoạn đường Sài Gòn đi Tây Ninh ở quãng Gò Dầu Hạ.

 

Sân bay Biên Hòa bị pháo binh ta bắn hàng ngày, địch phải đưa máy bay về Tân Sơn Nhất, nên dần dần bị tê liệt, trong khi ta chuẩn bị hỏa lực mạnh để đánh phá hai sân bay cuối cùng của địch là Tân Sơn Nhất và Cần Thơ, nhằm giảm bớt khả năng chiến đấu của không quân địch, chống phá kế hoạch “di tản” của chúng, góp phần tạo thuận lợi cho cuộc tổng tiến công sắp tới.

 

Các đội biệt động, đặc công của Thành đội Sài Gòn - Gia Định cũng đã áp sát nội đô và bố trí sẵn ở các vị trí cửa mở, sẵn sàng tiến công và phối hợp với các cánh quân vào giải phóng Sài Gòn.

 

Hàng trăm cán bộ quân, dân chính đảng đã vào nội thành để chỉ huy các đội võ trang và đoàn thể quần chúng nổi dậy giành chính quyền và tiếp quản thành phố, trong đó có nhiều đồng chí là thành viên, ủy viên ban cán sự…

 

Để thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã bàn và thông qua các kế hoạch về tổng tiến công và chuẩn bị nổi dậy trên toàn B2. Đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục, trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định chuyên trách về tổ chức và chỉ đạo kế hoạch quần chúng nổi dậy để phối hợp với cuộc tiến công của các binh đoàn chủ lực vào thành phố.

 

Như vậy, trước khi nổ súng tổng công kích vào Sài Gòn, ta đã hình thành được thế trận bao vây địch trong thành phố. Ở phía đông đã cắt đứt hoàn toàn quốc lộ 1, áp sát Trảng Bom, sẵn sàng cắt đứt đường 15, sông Lòng Tàu và khống chế Vũng Tàu, đang làm sân bay Biên Hòa tê liệt. Ở phía nam, các đơn vị của Quân khu 8 sẵn sàng cắt đứt quốc lộ 4 và kênh Chợ Gạo.

 

Ở phía đông nam, Quân đoàn 2 đã tiến sát Nước Trong, Long Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu. Ở phía tây nam, Đoàn 232 đã áp vào tuyến sông Vàm Cỏ Đông và Cần Giuộc, phía nam quận 8 Sài Gòn. Hướng tây bắc, Quân đoàn 1 đã vào khu vực tập kết ở nam sông Bé, Quân đoàn 3 đã tiến đến khu vực Dầu Tiếng.

 

Sau ngày ta đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, Sài Gòn đã bị bao vây mọi phía ở cự ly “tầm bắn đại bác”. Tình thế của địch đã như “cá nằm trên thớt”.

 

PHÁI ĐOÀN TA TRONG TRẠI DAVIS

 

Theo một điều khoản của Hiệp định Paris (27/1/1973), hai phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng Hòa XHCN Việt Nam) trong Ủy ban Liên hiệp bốn bên đã đến Sài Gòn để giám sát việc thi hành hiệp định của các bên. Nhưng do sợ phái đoàn của ta gây ảnh hưởng chính trị giữa thủ đô của mình nên ngụy quyền Sài Gòn đưa phái đoàn của ta vào đóng trong sân bay Tân Sơn Nhất để cô lập, nhất là để tách biệt đối với nhân dân. Trụ sở phái đoàn ta, địch bố trí trong một khu nhà xoàng xĩnh gọi là trại Davis.

 

Tuy sống giữa vòng vây quân địch, các đồng chí vẫn giữ lập trường đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, tổ chức cho Ủy ban quốc tế và các nhà báo đi đến các địa phương bị địch lấn chiếm để tố cáo địch vi phạm hiệp định; Tiếp xúc, trả lời phỏng vấn với phóng viên các báo, hãng thông tấn, vô tuyến truyền hình và phát thanh của 21 nước để dư luận hiểu rõ thiện chí của ta. Đồng thời báo cáo về ta những tin tức, dư luận của các giới đồng bào và tình hình địch đã nắm được, kể cả quan sát bằng mắt thường. Tháng 6/1974, do địch phá hoại Hiệp định, ta tuyên bố đình chỉ các phiên họp Ban liên hợp quân sự hai bên vô thời hạn. Tuy vậy, phái đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời vẫn ở tại trại Davis để tiếp tục đấu tranh chính trị với địch.

 

Khu nhà phái đoàn ta ở, nền đất, tường ván, xung quanh rào dây thép gai. Tình huống hiện tại rất khó khăn trong việc đào công sự, giao thông hào. Cán bộ, chiến sĩ phải đào hầm ban đêm, dùng xẻng, cuốc, cọc dây thép gai và cả dao găm để đào. Đất đào lên đem ém xuống nền nhà hoặc cho vào bao tải chất vào kho. Trước ngày ta mở chiến dịch xuân 1975, trong trại Davis vẫn duy trì nền nếp sinh hoạt bình thường: giao ban sáng, tập trung công việc cho hai diễn đàn còn lại là diễn đàn dư luận. Anh chị em luôn vững vàng, các bãi thể thao, tăng gia vẫn đông người.

 

Đầu năm 1975, phái đoàn ta nhận được điện khẩn của Bộ Chỉ huy Miền thông báo sẽ có một đơn vị đặc công vào để đưa mọi người ra vùng giải phóng. Đảng ủy đoàn đã họp và lãnh đạo đi đến thống nhất sẽ ở lại chiến đấu, tham gia trận đánh cuối cùng, đó là một vinh dự cho người cầm súng.

 

Quyết tâm của đoàn được cấp trên chấp thuận. Từ 18/4, toàn trại Davis bắt tay vào công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Công sự trong nhà được nối liền với nhau qua hào giao thông, có cả hầm chỉ huy và hầm quân y… tạo thành một khu vực chiến đấu hoàn chỉnh. Việc ta đào hầm hào trong trại Davis, địch không phát hiện được, mặc dù xung quanh có tới 10 chòi canh, lính canh gác ngày đêm.

 

Nhân dịp có việc trao đổi với một số nhân viên Ban Liên hợp quân sự bị mắc kẹt hôm ta đánh Buôn Ma Thuột, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương đưa ra mấy đồng chí thật cần thiết cho chiến dịch, còn đa số anh em vẫn ở lại. Và khi làm kế hoạch cho pháo bắn vào Tân Sơn Nhất, Bộ Chỉ huy nhiều lần dặn các đồng chí phụ trách pháo binh phải bảo đảm an toàn cho khu vực phái đoàn ta.

 

Khi pháo của ta bắn chuẩn bị, một số đạn theo quy luật tản mát đã rơi vào trại Davis khiến 2 chiến sĩ cảnh vệ hy sinh, 2 sĩ quan bị thương.

 

Trong ngày 29/4, trại Davis tiếp 3 đoàn của phía chính quyền Sài Gòn, toàn những người của “phái thứ ba” muốn thông qua phái đoàn ta ở trại Davis để thương lượng với cách mạng…

 

Trong thế trận chung rộng lớn đã hình thành chuẩn bị bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, phái đoàn quân sự ta ở Tân Sơn Nhất đã có thế đứng riêng của mình hiên ngang giữa lòng địch. Thế đứng tiêu biểu cho cách mạng, cho “đại nghĩa thắng hung tàn”, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn.

 

HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek