Thứ Hai, 18/11/2024 23:41 CH
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng
Thứ Hai, 06/04/2015 07:42 SA

Nguyễn Văn Thiệu và quan thầy, Tổng thống Johnson, thời kỳ còn thân thiện - Ảnh: T.LIỆU

Sau khi địch thất bại nặng ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp thời chỉ đạo mặt trận Trị Thiên. Quân đoàn 2 nhận rõ thời cơ, nhanh chóng chuyển hướng tiến công.

 

Ngày 18/3, phán đoán địch có thể rút bỏ Huế, đưa Sư đoàn 1 bộ binh vào Đà Nẵng và tổ chức phòng thủ từ đèo Hải Vân trở vào Nam, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Quân khu Trị Thiên phải táo bạo đưa lực lượng thọc qua tuyến phòng thủ bên ngoài, cắt đứt đường số 1 và áp sát Huế, nhằm tiêu diệt Sư đoàn 1, không cho chúng rút về Đà Nẵng, giải phóng Huế và toàn bộ Trị Thiên.

 

Ngày 19/3, các lực lượng vũ trang địa phương tiến công giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Tuyến phòng thủ phía bắc của địch bị vỡ một mảng lớn, buộc địch co về phòng thủ tuyến nam sông Mỹ Chánh.

 

Tình hình rất nguy ngập nhưng tướng Ngô Quang Trưởng tư lệnh Quân khu 1 ngụy vẫn huênh hoang tuyên bố: “Việt cộng phải bước qua xác tôi mới vào được cố đô Huế”. Còn Thiệu thì ba hoa trên đài Sài Gòn: “Bỏ Kon Tum, Pleiku để bảo toàn lực lượng, còn Đà Nẵng, Huế, Quân khu 3 sẽ phải giữ đến cùng”.

 

Đúng là lúc này khi mất Tây Nguyên, phần đất của địch chỉ còn chừng ấy. Nhưng rõ ràng là Quân khu 1 rất bấp bênh trước sức tấn công mãnh liệt của quân ta.

 

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, ngày 21/3, từ ba hướng bắc, tây, nam, các lực lượng Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 đồng loạt tiến công, vượt qua các tuyến phòng thủ của địch, hình thành nhiều mũi bao vây TP Huế, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 ngụy và Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, cắt đứt Huế và Đà Nẵng trên đường số 1 đoạn Mũi Né - Bái Sơn. Hàng ngàn xe di tản từ Huế vào Đà Nẵng phải quay lại trong cảnh hỗn loạn. Pháo binh tầm xa của ta chế áp mạnh căn cứ Đống Đa, Mang Cá và bắn phá sân bay Phú Bài. Đường bộ bị cắt, đường sông bị triệt, địch chỉ còn đường thoát theo cửa biển Thuận An và Tư Hiền về Đà Nẵng.

 

Nắm được ý đồ tẩu thoát của địch, pháo binh ta khống chế chặt hai cửa này, không cho tàu địch vào đón quân rút lui. Cảnh xe tăng, xe bọc thép, xe chở bộ binh địch kéo ra kín đường hết sức hỗn loạn; lại bị pháo ta bắn, càng thương vong nặng.

 

Sức đề kháng của địch gần như không còn. Ngày 25/3, các cánh quân của ta tiêu diệt và làm rã quân địch ở cửa Thuận An và Tư Hiền, đồng thời từ nhiều hướng tiến vào giải phóng TP Huế. Lúc 10 giờ 30, lá cờ cách mạng được kéo lên cột cờ trước Ngọ Môn. Quần chúng phối hợp với các cánh quân làm cho địch càng nhanh chóng tan rã.

 

Tiêu diệt Sư đoàn 1 thiện chiến của quân ngụy, giải phóng Huế và toàn bộ Trị Thiên, ta đã giáng một đòn vào âm mưu co cụm chiến lược của địch, làm suy yếu và uy hiếp trực tiếp Quân đoàn 1 của ngụy ở phòng tuyến phía bắc.

 

Như vậy, trong vòng 10 ngày ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trên mặt trận Trị Thiên - Huế, đập tan phòng tuyến mạnh nhất ở phía bắc của địch.

 

Trong khi diễn tiến cuộc tổng tiến công vào Huế, các lực lượng vũ trang Quân khu 5 dưới sự chỉ huy của thượng tướng Chu Huy Mân và đồng chí Võ Chí Công, đã hoạt động đều khắp, cắt đứt đường 19, giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm, đánh chiếm Tuần Dưỡng, cắt đường bộ từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng, giải phóng Quảng Ngãi. Như vậy Quảng Nam, Đà Nẵng nằm trong thế bị chia cắt, cô lập. Tình hình của địch rất nguy kịch.

 

Ngày 22/3, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh nhận định: “Địch đang rút bỏ Huế và không loại trừ khả năng rút bỏ Đà Nẵng”, chỉ đạo Quân khu 5 chuẩn bị đánh Đà Nẵng theo phương án đã dự kiến.

 

Việc ta giải phóng Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Tuần Dưỡng đánh chiếm căn cứ Chu Lai… tiêu diệt nặng sinh lực địch ở đây làm cho thế phòng thủ Đà Nẵng của địch bị uy hiếp thêm về phía nam. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn kêu gọi “tử thủ Đà Nẵng”; Mỹ - ngụy cũng có ý định nếu không giữ được Đà Nẵng thì cũng phải “trì hoãn” một hai tháng để tranh thủ thời gian, bố trí lại thế phòng ngự chiến lược, đồng thời di tản dân hòng gây tác động chính trị xấu cho ta, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm gây sức ép để ta ngừng tiến công. Tham mưu phó Bộ tổng tham mưu ngụy - thiếu tướng Nguyễn Xuân Trang được lệnh hỏa tốc ra Đà Nẵng kiểm tra tình hình và chuyển từ tổng kho Long Bình ra 20.000 khẩu súng để bổ sung cho các đơn vị tử thủ ở Quảng Nam - Đà Nẵng.

 

Nhận định sau khi mất Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai, địch dù muốn giữ Đà Nẵng cũng không được, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở mặt trận tiến công Đà Nẵng.

 

Để chỉ huy trận đánh quan trọng này, ngày 25/3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận Quảng Đà do trung tướng Lê Trọng Tấn làm tư lệnh và thượng tướng Chu Huy Mân làm chính ủy. Đại tướng Văn Tiến Dũng lệnh cho mặt trận sử dụng pháo của Quân đoàn 2 khống chế sân bay và cảng Đà Nẵng; Quân đoàn nhanh chóng cùng lực lượng Quân khu 5 tiêu diệt tập đoàn địch co cụm ở Đà Nẵng. Làm được như thế sẽ đỡ cho chiến trường Nam Bộ trong những ngày tới.

 

Từ ngày 25/3, TP Đà Nẵng lớn nhất miền Trung trở nên vô cùng hỗn loạn. Các lực lượng ta tiến nhanh áp sát thành phố, buộc địch phải bỏ kế hoạch co cụm ở Đà Nẵng mà dùng máy bay lên thẳng và boeing di tản số cố vấn Mỹ và một phần lực lượng ngụy. Tình thế bi đát, quan, lính tranh nhau lên máy bay thoát thân, gây ra cảnh ẩu đả, náo loạn. Có tên bị máy bay cán nát trên đường băng. Binh sĩ, sĩ quan cùng gia đình và binh lính tháo chạy gây ra cảnh cướp bóc, bắn giết, hãm hiếp phụ nữ… Địch hoàn toàn không kiểm soát được tình hình. Hàng vạn lính mắc kẹt tại Đà Nẵng tuôn ra bán đảo Sơn Trà hòng thoát về phía nam bằng đường biển, gây ra cảnh chen lấn giẫm đạp tranh nhau xuống tàu, bọn lính đạp cả sĩ quan xuống biển. Tàu thủy quá tải muốn chìm, nhưng quan lính vẫn lao ra. Pháo lớn của ta bắt đầu bắn vào sân bay Đà Nẵng, căn cứ Hòa Khánh nơi Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 ngụy trú đóng. Ngày 29/3, bộ binh và xe tăng thuộc Quân đoàn 2 cùng lực lượng vũ trang Quân khu 5 từ bốn hướng tiến thẳng vào thành phố, chiếm sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, nhiều căn cứ khác và bán đảo Sơn Trà. Một số cơ sở cách mạng và biệt động trong thành phố chiếm cầu Trịnh Minh Thế, cắm cờ trên tòa thị chính; tự vệ và nhân dân cùng bộ đội truy quét tàn binh địch…

 

Thế là trong vòng 32 giờ, ta đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 100.000 quân địch ở Đà Nẵng. Với việc giải phóng Đà Nẵng, ta đã kết thúc quá trình tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Quân đoàn 1 của ngụy, xóa bỏ Quân khu 1, tạo điều kiện thúc đẩy ngụy quân nhanh chóng đi tới chỗ sụp đổ hoàn toàn. Tướng Ngô Quang Trưởng đã không giữ lời hứa “chết trong thành phố Huế”, mà đào tẩu bằng máy bay lên thẳng ra tàu chiến, chạy một mạch về Sài Gòn và vào luôn Quân y viện Cộng Hòa (nay là Quân y viện 175 của quân đội ta).

 

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng diễn ra liên tục từ ngày 18 đến 29/3 đã giành thắng lợi lớn có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Cùng với chiến thắng Tây Nguyên, chiến thắng Huế - Đà Nẵng đã làm thay đổi so sánh lực lượng về mặt chiến lược hoàn toàn có lợi cho ta, trực tiếp đánh bại âm mưu co cụm của địch, làm cho Sài Gòn suy yếu, tạo điều kiện cho ta tập trung điều kiện áp đảo địch trong trận quyết chiến cuối cùng. Đây là một trong ba chiến dịch lớn chủ yếu trong mùa xuân 1975, đưa ta đến thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

NGUYỄN VĂN THIỆU KHỐN QUẪN CẦU CỨU MỸ

 

Trong cơn khốn quẫn và trước thế cùng lực tận, ngày 24/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu vội vã gửi tổng thống Ford bức điện khẩn cấp với nội dung sau:

 

“Trong lúc tôi viết bức điện này gửi đến ngài thì tình hình chiến sự Nam Việt Nam rất nghiêm trọng và càng xấu đi. Vào giờ quyết định này, khi Nam Việt Nam đang lâm nguy và hòa bình đang bị đe dọa nghiêm trọng, tôi - với lẽ đó, trân trọng khẩn cầu với chính phủ Hoa Kỳ hãy thực hiện lời hứa. Cụ thể là tôi xin khẩn thiết đề nghị quý ngài cho tiến hành ngay biện pháp cần thiết; đó là cho không lực oanh tạc bằng máy bay B52 tập trung vào những điểm tập kết, đội hình chuyển quân và căn cứ hậu cần của Cộng sản để ngăn chặn chúng với biện pháp quyết liệt tức thời”.

 

Thế nhưng, từ sau Phước Long bị thất thủ ngày 6/1 và tiếp đến mất luôn TX Buôn Ma Thuột ngày 11/3, người Mỹ phải nói công khai với Sài Gòn rằng: “Mỹ sẽ không bao giờ trở lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam nữa - dù trên không, trên biển hay đất liền”. Do đó lời khẩn cầu của Nguyễn Văn Thiệu chẳng ai ở Nhà Trắng để ý cả, vì nó chỉ nằm im trong hồ sơ mật Nhà Trắng.

 

Đến ngày 16/4, Thiệu lại gửi tiếp một bức điện nữa cho tổng thống Mỹ để cầu xin vay tiền:

 

“Tôi tha thiết đề nghị ngài và Quốc hội Hoa Kỳ cho chúng tôi vay 3 tỉ USD, kỳ hạn hoàn trả là 10 năm với mức lãi suất do Quốc hội ngài quyết định. Tiềm năng về dầu khí và nguồn lợi về nông nghiệp của chúng tôi sẽ thế chấp món nợ này. Đây là lời cầu xin cuối cùng của chúng tôi - một người bạn đồng minh của Mỹ gửi đến nhân dân Mỹ vì nền tự do của Việt Nam cộng hòa”.

 

Nhưng rồi bức điện này cũng chỉ xếp lại trong “hồ sơ mật” của Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

 

Sau đó không lâu, phòng tuyến Xuân Lộc bị tan vỡ, Nguyễn Văn Thiệu lên hệ thống thông tin đại chúng đọc diễn văn từ chức tổng thống. Y tức tối chửi đổng, thách thức Mỹ với lời lẽ “hàng tôm hàng cá” rằng “Mỹ đánh không lại Cộng sản nên bỏ mặc “Việt Nam cộng hòa” đánh một mình thì làm sao ăn. Có giỏi thì Mỹ vô đây lần nữa…”.

 

HỒ SĨ THÀNH – HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek